Bổ sung chế tài đủ mạnh để quản lý đất nông nghiệp hiệu quả
(Chinhphu.vn) - Để tăng cường công tác quản lý đất đai, nhất là tại khu vực nông thôn, vùng ven đô, Hà Nội đã ra Nghị quyết quy định mức tiền phạt áp dụng đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là quyết sách mạnh mẽ về thể chế, chính sách, thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền Thành phố.

Giám đốc Sở NN&MT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại: "Việc quản lý chặt chẽ đất đai sẽ giúp đảm bảo sử dụng nguồn đất hiệu quả". Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Cụ thể, Nghị quyết quy định mức tiền phạt áp dụng đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội (được Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội khoá XVI, kỳ họp thứ 22 thông qua ngày 29/4/2025, có hiệu lực từ ngày 01/9/2025).
Trong nhiều năm qua, tình trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhất là trên đất nông nghiệp, đất công, diễn biến ngày càng phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về quy mô, tính chất. Sự ảnh hưởng, tác động của thị thường bất động sản là nguyên nhân dẫn đến các vi phạm phát sinh, nhất là các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, như: Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng công trình trái phép, thực hiện các hành vi hủy hoại đất nông nghiệp, lấn chiếm đất đai, ao hồ, đồng ruộng. Bên cạnh đó, các tổ chức được nhà nước giao, cho thuê nhưng sử dụng không đúng mục đích, không làm thủ tục đăng ký đất đai… còn xảy ra tại các địa phương, làm ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý nhà nước về đất đai của các cấp chính quyền.
Một điểm đáng lưu ý là là mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Thực tế, có nhiều trường hợp cố tình xây dựng công trình trái phép, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất không chỉ không bị xử lý kịp thời mà còn coi tiền phạt như một phần chi phí đầu tư, khiến vi phạm "lợi nhiều hơn thiệt".
Chính vì vậy, việc nâng cao mức phạt vi phạm là hoàn toàn cấp thiết để siết chặt công tác quản lý đất đai hiệu quả.
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, Thành phố đang đối mặt với áp lực lớn về phát triển hạ tầng và đô thị hóa. Việc quản lý chặt chẽ đất đai sẽ giúp đảm bảo sử dụng nguồn đất hiệu quả, phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện chất lượng sống của người dân.
Do tính cấp thiết trong công tác quản lý đất đai, Nghị quyết quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của TP. Hà Nội lần này đã được hoàn thiện và trình ban hành sớm hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu. Thay vì chờ đến cuối năm để đồng bộ với các văn bản hướng dẫn từ Trung ương, Sở đã chủ động, kịp thời tham mưu cho UBND Thành phố đẩy nhanh quá trình xây dựng dự thảo, lấy ý kiến các sở, ngành và đơn vị liên quan để trình HĐND thông qua tại kỳ họp thứ 22 - Kỳ họp chuyên đề của HĐND cuối tháng 4 vừa qua.
Sở đã tham mưu xây dựng Nghị quyết để nâng mức xử phạt lên gấp 2 lần đối với 71 hành vi vi phạm hành chính áp dụng mức phạt tiền từ Điều 8 đến Điều 29 theo Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 04/10/2024 của Chính phủ. Đơn cử, với hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã, Khoản 3 Điều 8 Nghị định 123 quy định phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,1 ha trở lên. Với Nghị quyết HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua, mức phạt này sẽ tăng lên từ 300-400 triệu đồng đối với cá nhân (từ 600 - 800 triệu đồng đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm).
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh: Tăng mức xử phạt là yêu cầu cấp thiết để lập lại trật tự trong quản lý đất đai, nhất là tại các địa bàn giáp ranh, vùng đang chịu áp lực đô thị hóa, nơi đất đai có giá trị cao và dễ phát sinh tiêu cực. Không chỉ nhằm răn đe, việc nâng mức xử phạt còn giúp tăng tính nghiêm minh của pháp luật, khẳng định quyết tâm chính trị của thành phố trong việc bảo vệ tài nguyên, quản lý sử dụng đất đai đúng mục đích, đúng quy hoạch.
Đây cũng là biện pháp cần thiết để chấn chỉnh kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý và chính quyền cơ sở, từ đó ngăn chặn tình trạng buông lỏng, né tránh, hoặc làm ngơ trước vi phạm vì "mức phạt quá nhẹ, phạt xong là xong".
Nền tảng pháp lý vững chắc giúp quản lý đất đai hiệu quả

Ông Phạm Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai kiểm tra xử lý vi phạm đất đai tại xã Sài Sơn. Ảnh: Huyện Quốc Oai
Nghị quyết quy định mức tiền phạt áp dụng đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng và cấp thiết nhằm siết chặt kỷ cương, văn minh đô thị, nâng cao hiệu quả công tác quản lý trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nghị quyết được ban hành cũng chính là quyết sách mạnh mẽ về thể chế, chính sách, thể hiện sự quyết liệt và quyết tâm cao của thành phố Hà Nội trong việc siết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, nhằm kiến tạo một đô thị hiện đại, văn minh.
Việc ban hành Nghị quyết riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai không chỉ mang ý nghĩa về mặt chế tài, mà còn tạo nền tảng pháp lý vững chắc để các sở, ngành, địa phương phát huy vai trò nòng cốt trong việc kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng đất. Đây là cơ sở quan trọng để Hà Nội nâng cao hiệu quả quản lý đất đai theo hướng bền vững, đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong thực thi pháp luật ở cơ sở. Và khi các chế tài được thiết kế rõ ràng, phù hợp thực tiễn và đủ mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sẽ không còn là điểm nghẽn, mà trở thành công cụ hữu hiệu để siết chặt kỷ cương trong quản lý đất đai.
Ngay sau khi Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được thông qua, cùng với chỉ đạo sát sao từ UBND Thành phố, nhiều địa phương đã chuyển từ trạng thái chờ đợi, thụ động sang hành động quyết liệt. Khắp các quận, huyện, thị xã không khí "ra quân" xử lý vi phạm đất đai đang trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết ngay từ những ngày đầu tháng 5.
Thời gian qua, một số địa phương không dừng lại ở xử lý hành chính, như huyện Chương Mỹ còn mạnh tay chuyển một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng sang cơ quan công an điều tra, xử lý theo pháp luật hình sự. Bên cạnh đó, các huyện như huyện Phú Xuyên, quận Hoàng Mai, quận Thanh Xuân… công tác về quản lý đất đai, xử phạt vi phạm hành chính cũng quyết liệt, có nhiều chuyển biến tích cực.
Điển hình tại huyện Quốc Oai, chính quyền các xã đã đồng loạt tổ chức cưỡng chế, xử lý nhiều công trình vi phạm tại các xã: Hòa Thạch, Tuyết Nghĩa, Đông Xuân.
Theo ông Phạm Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, ngay sau kỳ nghỉ lễ vừa qua, huyện Quốc Oai đã chỉ đạo các xã tổ chức đồng loạt ra quân cưỡng chế, xử lý các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp.
"Chúng tôi xác định rõ: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong xử lý vi phạm đất đai. Việc ban hành Nghị quyết riêng của Thành phố với mức xử phạt mạnh mẽ là cơ sở pháp lý rất quan trọng. Quan điểm của huyện là xử lý đến nơi đến chốn, không để phát sinh điểm nóng, không để dư luận bức xúc vì sự chần chừ, nể nang hay buông lỏng trong quản lý. Những động thái kiên quyết này đã bước đầu lấy lại niềm tin trong nhân dân và tạo hiệu ứng răn đe mạnh mẽ trên toàn địa bàn", ông Phạm Quang Tuấn nói.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại cho biết: Để Nghị quyết quy định mức tiền phạt áp dụng đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai sớm đi vào thực tiễn, Sở sẽ tổ chức triên khai ngay công tác thông tin tuyên truyền. Cụ thể, tích cực phối hợp với các xã, phường, trường học và tổ chức đoàn thể để tuyên truyền bằng nhiều hình thức như loa truyền thanh, mạng xã hội, tài liệu in ấn, thậm chí xây dựng clip ngắn để tuyên truyền.
Đồng thời, lập các tổ công tác liên ngành, kiểm tra thường xuyên, xử lý kiên quyết và công khai. Các hành vi chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; các "điểm nóng" chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp sẽ là trọng tâm trong đợt cao điểm triển khai.
Thiện Tâm