Cần giải pháp nhanh chóng cải thiện hạ tầng hệ thống xe buýt

28/06/2024 2:03 PM

(Chinhphu.vn) - Các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp nhanh chóng cải thiện hạ tầng của hệ thống xe buýt, trong đó đặc biệt cần tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt; hệ thống điểm dừng, nhà chờ cũng cần tái thiết lại theo hướng hình thành nhiều điểm trung chuyển lớn, kết nối xe buýt với đường sắt đô thị…

Cần giải pháp nhanh chóng cải thiện hạ tầng hệ thống xe buýt- Ảnh 1.

Nâng cao chất lượng dịch vụ, "xanh hóa" xe buýt. Ảnh minh họa

Xe buýt chưa theo kịp sự phát triển của đô thị

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Thành phố hiện có 154 tuyến buýt, trong đó có 132 tuyến buýt trợ giá với 2.024 phương tiện, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến buýt City tour.

Trong số này có 269 xe năng lượng sạch và trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên. Hệ thống thông báo âm thanh, hệ thống thông tin bằng bảng LED, wifi miễn phí, lắp đặt camera trên xe đều đạt 100%.

Mạng lưới xe buýt hiện tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã và kết nối với 7 tỉnh, thành lân cận gồm: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hoà Bình, Vĩnh Phúc.

TS Vũ Hồng Trường, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Hà Nội Metro chia sẻ, đến năm 2035 và sau đó nữa, xe buýt vẫn là phương tiện vận tải hành khách công cộng chủ yếu nhưng sự phát triển của nó đang không theo kịp sự phát triển của đô thị.

Toàn Thành phố có 4.405 điểm dừng, nhà chờ xe buýt bao phủ 90% diện tích nội thành trong phạm vi 500m/điểm; ngoại thành là 1,1 điểm/km2. Tuy nhiên hệ thống nhà chờ xe buýt chỉ chiếm khoảng 8% tổng số hệ thống điểm đón, chủ yếu tập trung trong nội thành và đã xuống cấp. Không ít nhà chờ xe buýt trong khu vực nội thành đã xuống cấp do được đưa vào khai thác từ trước năm 2016.

Còn theo PGS. TS Nguyễn Minh Hiếu (Trường Đại học Giao thông vận tải), mạng lưới buýt Thủ đô mật độ rất cao nhưng chỉ tập trung ở các trục chính. Nhiều khu vực có mật độ dân cư cao nhưng hành khách khó tiếp cận với dịch vụ xe buýt do cự ly xa…

Bên cạnh đó, xe buýt vẫn thiếu không gian lưu thông dành riêng, ảnh hưởng đến vận tốc và thời gian chuyến đi của xe buýt, khiến loại hình vận tải hành khách công cộng này còn kém hấp dẫn; hạ tầng dành cho xe buýt điện, xe buýt sử dụng khí nén CNG còn thiếu trầm trọng…

Nâng cao chất lượng dịch vụ, "xanh hóa" xe buýt

Các chuyên gia cho rằng, để xe buýt phát huy tối đa hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, làm tiền đề đề hạn chế phương tiện cá nhân, đồng thời hướng tới mục tiêu xanh hóa, thân thiện với môi trường, Hà Nội cần những giải pháp căn cơ, hiệu quả và toàn diện.

Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Giao thông vận tải, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương cho rằng, với sự gia tăng nhu cầu đi lại của người dân đô thị, ngoài việc đáp ứng số lượng chuyến đi, cần nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút người dân; cùng với đó là hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng sạch trong phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus Nguyễn Công Nhật cho rằng, vấn đề cần lưu tâm là nguồn lực chuyển đổi. Đa phần xe buýt đang hoạt động trên địa bàn Thành phố là xe chạy dầu diesel, mà xe điện lại đắt gấp 2,5-3 lần.

"Do đó, để chuyển đổi được thì cơ chế chính sách của nhà nước cho việc này rất quan trọng. Chúng tôi mong muốn Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp vốn vay ưu đãi đi kèm với các điều kiện về hạ tầng", ông Nguyễn Công Nhật kiến nghị.

Dự báo đến năm 2035 Hà Nội sẽ có gần 11 triệu dân, khoảng 8,5 triệu chuyến đi/ngày và xe buýt sẽ phải đủ năng lực đáp ứng từ 28% - 30% nhu cầu đi lại của người dân.

Nhằm hợp lý hóa luồng tuyến, ở giai đoạn 1 vừa qua (từ ngày 1/4/2024), Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã điều chỉnh lộ trình 10 tuyến, dừng hoạt động 6 tuyến, điều chỉnh lộ trình kết hợp tần suất dịch vụ với 12 tuyến, điều chỉnh tần suất dịch vụ 43 tuyến. Các tuyến sau điều chỉnh giúp chi phí trợ giá giảm khoảng 193 tỷ đồng/năm song chất lượng dịch vụ vẫn bảo đảm.

Ở giai đoạn 2, Sở sẽ tiếp tục rà soát điều chỉnh dựa trên 5 tiêu chí gồm: Hệ số trùng lặp tuyến, hệ số đường không thẳng, tỷ lệ trợ giá so với chi phí, tỷ lệ trợ giá cho một hành khách, hệ số sử dụng sức chứa. Từ đó xem xét điều chỉnh lộ trình, dịch vụ, sức chứa, dừng hoạt động hoặc tổ chức lại tuyến buýt khi tuyến hoạt động không hiệu quả, tỷ lệ trợ giá chi phí cao, trùng lặp tuyến lớn, nhu cầu đi lại thấp khi các tuyến hết hạn thầu.

Về giải pháp phát triển xe buýt Thủ đô trong các năm tiếp theo, Sở Giao thông vận tải Hà Nội và đơn vị tư vấn (Trường Đại học Giao thông vận tải) đã xây dựng đề án. Trong đó, với giải pháp về hạ tầng, đề án dự kiến tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt, lựa chọn các tuyến đường bảo đảm hạ tầng (ít nhất có từ 4 làn xe/hướng, mặt cắt ngang từ trên 15m/hướng) để bố trí các đoạn, làn ưu tiên cho xe buýt.

Cụ thể, dự kiến năm 2025 sẽ thí điểm 3 đoạn đường với tổng cộng khoảng 6,5km làn ưu tiên; giai đoạn 2026 đến 2030 đề xuất 12 làn ưu tiên với tổng chiều dài 56,5km; giai đoạn 2031-2035 đề xuất 6 làn ưu tiên với tổng chiều dài 135,9km.

Cùng với đó, xây dựng các điểm trung chuyển xe buýt lớn giúp tiếp cận gần các ga đầu mối, ga vành đai của các tuyến đường sắt đô thị, các bến xe liên tỉnh (nội tỉnh), gần khu vực nút giao giữa trục hướng tâm và đường vành đai…

Diệu Anh

Top