Cần khung tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất để quản lý đường sắt đô thị

19/01/2024 2:07 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 19/1, Hội thảo phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM tiếp tục diễn ra phiên thứ 4 với chuyên đề: Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị.

Cần khung tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất để quản lý đường sắt đô thị- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Đương Đức Tuấn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/TL

Phát biểu khai mạc hội thảo chuyên đề, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Đương Đức Tuấn cho biết, theo quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8km, trong đó 75,6km đi ngầm.

Theo quy hoạch hiện nay, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị gồm 9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh, với tổng chiều dài 417,8km, trong đó có 75,6km đi ngầm.

Cụ thể, theo quy hoạch Hà Nội sẽ có tuyến số 1: Yên Viên - Ngọc Hồi dài 38,7km; tuyến số 2: Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 35,2km; tuyến số 2A: Cát Linh - Hà Đông dài 14km; tuyến số 3: Nhổn - Hoàng Mai dài 48km; tuyến số 4: Đông Anh - Mê Linh dài 54km; tuyến số 5: Văn Cao - Hòa Lạc dài 39km; tuyến số 6: Nội Bài - Tây Ngọc Hồi dài 43km, kết nối với tuyến số 4 và tuyến số 7: Hà Đông - Mê Linh dài 35km; tuyến số 8: Hoài Đức - Gia Lâm dài 28km.

Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ hoàn thành được 13km của tuyến đường sắt đô thị số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, và đang triển khai thi công 12,5km tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

Sắp tới UBND thành phố Hà Nội sẽ đưa vào khai thác đoạn trên cao thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, cũng như UBND TPHCM sắp đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Bến Thành – Suối Tiên.

Thực tế quá trình triển khai thực hiện, cả hai dự án đường sắt đô thị của Hà Nội đều chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan. Một trong những nguyên nhân chính là chủ đầu tư cũng như các nhà thầu gặp không ít vướng mắc khi áp dụng nhiều hệ thống Quy chuẩn, tiêu chuẩn cả trong và ngoài nước, cũng như khó khăn trong công tác quản lý dự án đường sắt đô thị.

Đặc biệt mỗi dự án sử dụng các công nghệ của các nước khác nhau thì áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn cũng khác nhau, những khó khăn trong công tác quản lý dự án.

Cần khung tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất để quản lý đường sắt đô thị- Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội thảo phiên thứ 4. Ảnh: VGP/TL

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, để đúc rút kinh nghiệm cho việc đầu tư hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn hai thành phố lớn nhất cả nước, việc tổ chức hội thảo với sự tham gia của các đại diện cơ quan Trung ương, chuyên gia trong nước và quốc tế, để lắng nghe những ý kiến đóng góp về kinh nghiệm áp dụng hệ thống Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực đường sắt đô thị.

"Chúng tôi cũng muốn lắng nghe các ý kiến góp ý về các chính sách sách ưu tiên, ưu đãi cho phát triển thị trường, các cơ sở công nghiệp đường sắt đô thị, công nghiệp phụ trợ cho đường sắt đô thị; cơ chế khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia các dự án để tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nhà thầu nước ngoài; mô hình tổ chức quản lý và thực hiện đối với các dự án tương tự đã triển khai tại những nước phát triển", Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nói.

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cũng mong muốn hội thảo chuyên đề này sẽ là cơ hội tốt cho các nhà hoạch định chính sách,nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực đường sắt đô thị cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, bài học, ý tưởng về xây dựng, phát triển đường sắt đô thị nói riêng, giao thông đô thị nói chung.

Tại hội thảo, ông Yu Tao, Kỹ sư trưởng, Tập đoàn Cục 16 Đường sắt Trung Quốc cho biết, hệ thống giao thông vận tải đường sắt đòi hỏi một hệ thống tiêu chuẩn thống nhất để bảo đảm hoạt động trơn tru. Dựa trên nghiên cứu các dự án giao thông vận tải đường sắt đã hoàn thành và đang xây dựng tại TP. Hà Nội và TPHCM, Việt Nam có thể thiết lập một hệ thống quy phạm về giao thông vận tải đường sắt thống nhất để bảo đảm tính tương thích và khả năng tương tác của các tuyến đường sắt trong Thành phố, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng, nâng cao hiệu quả giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững về mặt kinh tế.

Theo đại diện Tập đoàn Cục 16 Đường sắt Trung Quốc, trong quá trình xây dựng tàu điện ngầm ở các thành phố của Trung Quốc, việc thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật giữa nhiều đơn vị chủ thể là "chìa khóa" cốt lõi để thiết lập tiêu chuẩn. Điều này bao gồm sự phối hợp và liên lạc giữa nhiều đơn vị như đơn vị thiết kế, đơn vị thi công, đơn vị giám sát và đơn vị vận hành.

Nhằm bảo chất đảm chất lượng và an toàn cho các công trình tàu điện ngầm, đơn vị thiết kế và đơn vị thi công có sự hợp tác chặt chẽ để cùng lập ra phương án thiết kế và kế hoạch thi công chi tiết.

Thùy Linh

Top