Cần quyết liệt với doanh nghiệp cố tình chây ì không đưa đất vào triển khai

01/07/2024 8:28 PM

(Chinhphu.vn) - Đại biểu HĐND TP. Hà Nội đề nghị có biện pháp quyết liệt hơn với các doanh nghiệp cố tình chây ì dù có đủ điều kiện mà không đưa đất vào triển khai. Hiện còn rất nhiều dự án đã giao đất hoặc đã bàn giao mốc giới, nhiều dự án nợ nghĩa vụ tài chính.

Cần quyết liệt với doanh nghiệp cố tình chây ì không đưa đất vào triển khai- Ảnh 1.

Phiên thảo luận tổ chiều 1/7 của kỳ họp HDDND TP. Hà Nội - Ảnh: VGP/GH

Chiều 1/7, trong phiên thảo luận tại tổ của kỳ họp 17 HĐND TP. Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (Tổ đại biểu huyện Chương Mỹ) đánh giá, 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nội rất nỗ lực, cố gắng để vượt qua những khó khăn.

GRDP của Hà Nội trong 6 tháng đạt được 6%; ngân sách đạt kết quả khá cao, so với dự toán đạt 61,7% và tăng 12,5% so với cùng kỳ. Hà Nội đang tập trung triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các dự án vành đai, dự án trọng điểm khác, tuy nhiên, hiện nay việc hoàn thiện bước cuối cùng của các dự án đường vành đai gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, về tái định cư, về cơ chế bồi thường đối với người dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng chỉ rõ một số vấn đề cần làm rõ nguyên nhân như thu ngân sách từ đất còn khó khăn; hoạt động của doanh nghiệp còn khó khăn khi tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng; giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội rất chậm; triển khai công tác tái định cư, xây dựng nhà ở xã hội chậm…

Theo quyết định của UBND TP. Hà Nội, đối với các quận, không còn tái định cư bằng đất, chỉ có tái định cư bằng nhà, nhưng quỹ nhà ở hiện nay xét thấy không tương thích với nơi ở cũ của người dân, cũng rất khó vận động người dân di dời hoàn trả mặt bằng.

Vì vậy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy kiến nghị với UBND Thành phố sớm sửa đổi quyết định về cơ chế đền bù tái định cư để giải quyết vấn đề này.

Thảo luận tại tổ, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Anh Quân bày tỏ lo ngại khi một số chỉ tiêu có tác động tới kinh tế-xã hội còn thấp như: Chỉ số GRDP, thu nhập bình quân trên đầu người, vốn duy động xã hội, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP, tốc độ tăng năng suất lao động... Một số chỉ tiêu khó đạt nếu không nỗ lực như chỉ tiêu nước sạch đô thị, tỷ lệ đất đô thị; chỉ tiêu như xử lý nước thải.

Vì vậy, để tiếp tục duy trì tăng trưởng của TP thì vấn đề rất quan trọng là đầu tư công. Năm 2024 vốn đầu tư công cao hơn năm trước 72%; tỷ lệ chung về giải ngân cao nhưng thấp hơn bình quân chung của cả nước. Cùng với đó hiện còn 180 dự án từ năm 2021 đến nay đã phê duyệt nhưng chưa phê duyệt dự án, số vốn đọng rất lớn...

Vì vậy, giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là gắn trách nhiệm không chỉ của quận, huyện, chủ đầu tư mà còn gắn với trách nhiệm của các sở chuyên ngành ở những nội dung công việc liên quan.

Cần quyết liệt với doanh nghiệp cố tình chây ì không đưa đất vào triển khai- Ảnh 2.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại thảo luận tổ - Ảnh: VGP/GH

Cần kiên quyết hơn với các dự án đã gia hạn

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Dân tộc TP. Hà Nội đề nghị UBND Thành phố có biện pháp quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ khó khăn trong công tác đấu giá đất giúp các quận, huyện đẩy nhanh thông qua phân cấp, ủy quyền.

Đại biểu cũng đề nghị Thành phố có có biện pháp quyết liệt hơn với các doanh nghiệp cố tình chây ì dù có đủ điều kiện mà không đưa đất vào triển khai hoặc nợ, trốn tránh trách nhiệm tài chính. Hiện Thành phố còn rất nhiều dự án đã giao đất hoặc đã bàn giao mốc giới thực địa, còn nhiều dự án nợ nghĩa vụ tài chính với khoảng trên 4 nghìn tỷ đồng.

Liên quan đến thị trường bất động sản thời gian phát triển mất cân bằng, đại biểu cho rằng, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 rất ít dự án phát triển nhà ở thu nhập thấp cũng như nhà ở xã hội đưa được sản phẩm ra thị trường.

Trong khi đó, trên địa bàn TP có trên 700 dự án thuộc diện chậm triển khai, mặc dù Thành phố đã rất quyết liệt các biện pháp tháo gỡ cho các nhà đầu tư cũng như gia hạn cho các dự án, từng bước đưa ra được trên 400 dự án. Đại biểu đề nghị trong 6 tháng cuối năm 2024, Thành phố cần kiên quyết hơn với các dự án đã gia hạn và có biện pháp đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện dự án.

Trưởng Ban Kiểm tra Thành ủy Vũ Đức Bảo (tổ đại biểu quận Long Biên) đề nghị làm rõ cơ sở tăng thu ngân sách, vì thực tế số doanh nghiệp thành lập mới ít, số doanh nghiệp giảm cao. Cần tập trung bàn việc hỗ trợ doanh nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động để bảo đảm an ninh trật tự xã hội.

Gia Huy

Top