Cần tăng cường công tác quản lý, phát triển không gian Thủ đô đúng định hướng
(Chinhphu.vn) - Hà Nội cần tăng cường công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng theo quy hoạch, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch.
Hạn chế trong quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh
Cho ý kiến về dự thảo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, theo ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, thời gian qua, công tác quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, xây dựng nông thôn mới trở thành những miền quê đáng sống.

Định hướng phát triển không gian toàn đô thị Hà Nội trong điều chỉnh quy hoạch chung.
Tuy nhiên, do công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng theo quy hoạch còn không ít hạn chế, nhất là việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh; quản lý, kiểm soát dân số tại khu vực đô thị trung tâm, dẫn đến hạ tầng đô thị quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu phát triển 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn) rất rõ, nhưng đến nay mới có 3/5 đô thị vệ tinh phủ kín quy hoạch phân khu và thiếu các quy hoạch chi tiết đô thị, ảnh hưởng đến việc đầu tư xây dựng các dự án, thu hút người dân đến làm việc, sinh sống để giảm tải áp lực dân số khu vực nội đô.
Liên quan đến vấn đề quản lý, kiểm soát dân số, theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, dân số toàn thành phố Hà Nội dự báo đến năm 2020 khoảng 7,3-7,9 triệu người, trong đó dân số thành thị khoảng 4,67 triệu người, khu vực nông thôn khoảng 3,28 triệu người.
Nhưng theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên địa bàn thành phố Hà Nội, tính đến ngày 1/4/2019, dân số của Thủ đô (gồm dân cư thường trú, tạm trú từ 6 tháng trở lên và những người chuyển đến dưới 6 tháng nhưng xác định ăn ở ổn định) là 8,053 triệu người, vượt 1,93% so với mức quy hoạch tối đa, trong đó dân số thành thị khoảng 3,962 triệu người, khu vực nông thôn khoảng 4,091 triệu người. Tại khu vực nội đô lịch sử, dân số thực tế còn cao hơn rất nhiều so với khống chế tại quy hoạch.
"Vì thế, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, thành phố Hà Nội cần đánh giá lại sự phù hợp, hướng phát triển của hai đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Sóc Sơn, khi đô thị vệ tinh Hòa Lạc được định hướng là một phần của thành phố phía Tây (gồm Hòa Lạc - Xuân Mai) và đô thị vệ tinh Sóc Sơn được định hướng là một phần của thành phố phía Bắc (gồm Mê Linh - Đông Anh - Sóc Sơn) theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị", ông Lê Quốc Minh nêu.
Cơ hội lớn để hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra
Ông Lê Quốc Minh nhận định, sau hơn 10 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, hiện nay tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô và đất nước có nhiều thay đổi.
Hà Nội xác định mô hình phát triển và cấu trúc đô thị trên cơ sở kế thừa mô hình Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Hệ thống đô thị gồm: Đô thị trung tâm, khu vực đô thị phía nam sông Hồng và đô thị Long Biên, Gia Lâm; thành phố phía Bắc (khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); thành phố phía Tây (khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai); 2 đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên; 3 thị trấn sinh thái (Chúc Sơn, Quốc Oai, Phúc Thọ) và 7 thị trấn huyện lỵ.
Đáng chú ý, thành phố Hà Nội định hướng phát triển 5 trục không gian chính. Trong đó, trục không gian sông Hồng là trục cảnh quan chính, tạo dựng và khai thác trục không gian hành trình di sản sông Hồng và các điểm di tích liên vùng từ Phú Thọ - Hà Nội - Hưng Yên.
Cùng với đó là việc bảo tồn, phục dựng các công trình kiến trúc tâm linh có yếu tố lịch sử dọc sông Hồng, gìn giữ giá trị của nền văn minh sông Hồng; bảo đảm hành lang, tuyến thoát lũ, bền vững đê điều, phù hợp quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Ngoài ra, thành phố định hướng xây dựng hệ thống công viên, cây xanh cảnh quan, công trình văn hóa, vui chơi giải trí, nhà hàng, dịch vụ du lịch và các tiện ích đô thị phục vụ khu dân cư hiện hữu; xây dựng thêm cầu qua sông Hồng để tăng cường kết nối các tuyến đường khu vực Bắc - Nam sông Hồng.
Ông Lê Quốc Minh đánh giá, định hướng phát triển không gian quy hoạch của thành phố Hà Nội rất rõ ràng. Hiện nay, Hà Nội đang triển khai song song hai quy hoạch lớn là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây là cơ hội lớn để thành phố hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa.
Theo ông Lê Quốc Minh, trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch, Hà Nội cần khai thác, tập hợp trí tuệ các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc để nâng cao chất lượng các quy hoạch. Đặc biệt, thành phố cần tăng cường công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng theo quy hoạch, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch xảy ra thời gian qua.
Định hướng cụ thể phát triển 2 đô thị vệ tinh
Trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, bên cạnh đề xuất mô hình "thành phố trong thành phố", Hà Nội vẫn giữ định hướng hình thành các đô thị vệ tinh.
Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ TTg ngày 26/7/2011 (QHC 1259) đã xác định cấu trúc phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.
Thay vì 5 đô thị vệ tinh như quy hoạch cũ, định hướng điều chỉnh quy hoạch lần này chỉ còn 2 đô thị vệ tinh gồm Sơn Tây là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng và Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa.
Thông tin cụ thể về định hướng phát triển không gian trong giai đoạn tới, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng cho biết, đô thị vệ tinh Sơn Tây được phát triển mở rộng từ thị xã Sơn Tây về phía Tây kết nối với vùng cảnh quan Ba Vì, hồ Suối Hai trở thành trung tâm hỗ trợ dịch vụ du lịch của vùng phía Tây Bắc Thủ đô.
Tại đô thị Sơn Tây với nền tảng lịch sử phát triển đô thị lâu dài, làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, Đền Và... và vùng cảnh quan sinh thái hấp dẫn tại khu vực sẽ được phát triển các chức năng hỗ trợ du lịch, đào tạo, y tế cùng các cơ sở an ninh - quốc phòng hiện có sẽ xây dựng Sơn Tây trở thành đô thị cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô.
Đặc biệt, đề xuất hình thành một TP. Hà Nội trên cơ sở Thành cổ Sơn Tây, khai thác tối đa giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nền công nghiệp không khói là các sản phẩm du lịch đặc thù. Trong đó nhấn mạnh yếu tố kiến trúc, yếu tố lịch sử, khơi gợi niềm tự hào dân tộc thông qua các sản phẩm du lịch, phục dựng các làng cổ, các khu vực phố cổ, hình thành phố đi bộ, trung tâm triển lãm phi vật thể, triển lãm văn hóa truyền thống, chợ đêm, văn hóa ẩm thực, kiến tạo nền kinh tế bằng nguồn lực du lịch làm cốt lõi...
Phát triển đô thị văn hóa đặc trưng cửa ngõ phía Tây Bắc của Hà Nội trên cơ sở bảo tồn di sản văn hóa truyền thống (Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và các di tích lịch sử văn hóa khác), bảo tồn và phát triển tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch. Tăng cường đa dạng môi trường tự nhiên và tính chất sinh học của vùng, phát triển trung tâm kỹ thuật sinh học hỗ trợ cho du lịch, phát triển nông nghiệp sinh thái trên cơ sở khai thác lợi thế ưu đãi về cảnh quan đa dạng vùng sông Hồng, sông Tích, Ba Vì - Suối Hai.
Xây dựng đô thị có bản sắc văn hóa đặc trưng của văn hóa xứ Đoài: Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, hồ Xuân Khanh và hồ Kỳ Sơn là những không gian trọng tâm chính để tổ chức không gian đô thị. Phát triển mở rộng đô thị về phía Tây, hướng về khu vực hồ Xuân Khanh và hồ Đường. Hạn chế phát triển về hướng Nam và hướng Đông. Xây dựng đô thị hài hòa với đặc điểm địa hình tự nhiên, có hệ thống giao thông đô thị kết nối hài hòa giữa khu phát triển mới và làng xóm cũ, đặc biệt là khu vực Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm.
Đối với định hướng phát triển không gian đô thị vệ tinh Phú Xuyên, theo ông Nguyễn Đức Hùng, đây được đánh giá là một trong những đô thị tiềm năng bởi sự liên kết chặt chẽ với sân bay Nam Hà Nội, đường sắt tốc độ cao, hệ thống giao thông sky-monorail dọc bờ sông Hồng, hệ thống du thuyền, hệ thống vận tải đường thủy sông Hồng. Tại đây phù hợp để hình thành một đô thị cửa ngõ phía Nam, là trung tâm dịch vụ và khai thác logistics, trung tâm đón nhận các sản phẩm nông sản của khu vực phía Nam phục vụ cho cung ứng và xuất khẩu. Với sự hình thành thành công của mô hình OCOP tại Phú Xuyên phù hợp để hình thành một trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và triển lãm OCOP lớn nhất khu vực với những lợi thế sẵn có…
Phát triển đô thị Phú Xuyên trở thành đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa, đầu mối của các hành lang giao thông quốc gia. Ưu tiên phát triển các khu nhà ở phục vụ công nhân khu công nghiệp. Các chức năng đô thị công nghiệp, dịch vụ theo mô hình sinh thái liên kết hữu cơ giữa hệ thống không gian công cộng gắn với mặt nước, cây xanh sông Nhuệ và sông Hồng. Các không gian công cộng và các khu dân cư đều được tiếp cận với hệ thống giao thông hiện đại. Xây dựng mới Khu công nghiệp Thường Tín - Phú Xuyên với các ngành chế biến nông sản - thực phẩm, công nghiệp nhẹ, chế biến xuất khẩu, hệ thống cảng, kho tàng, bến bãi, dịch vụ tiếp vận trung chuyển hàng hóa (logistics).
Bên cạnh đó, khu vực này cũng được định hướng xây dựng hình ảnh đô thị mặt nước, phát triển đô thị với đặc trưng nhiều hồ nước, kênh mương để phù hợp với đặc điểm vùng thấp trũng và ứng phó với vấn đề lũ lụt dọc theo các sông chảy qua khu vực. Hình thành các khu chức năng đô thị tương đối độc lập, hạn chế nhu cầu lưu thông cắt ngang các tuyến giao thông. Khu vực phía Tây tuyến đường cao tốc Bắc - Nam dự kiến phát triển các khu dân cư, trung tâm thương mại, giáo dục, y tế.
Thùy Chi