Cần tăng gấp đôi mức phạt đối với vi phạm pháp luật về môi trường
(Chinhphu.vn) - Ngày 28/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội và dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Thùy Linh
Cả hai nghị quyết đều được xây dựng theo hướng tăng mức tiền phạt cao hơn so với quy định hiện hành, nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điểm K khoản 10 Điều 1 của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Về cơ sở pháp lý, Điểm a, Khoản 1, Điều 33 Luật Thủ đô năm 2024 đã quy định: "HĐND Thành phố quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố".
Tại dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội áp dụng với 219 hành vi. Nghị quyết có quy định với cùng một hành vi vi phạm thì mức tiền phạt đối với tổ chức sẽ áp dụng gấp 2 lần.
Quy định các hành vi vi phạm hành chính áp dụng nâng mức tiền phạt trong lĩnh vực môi trường áp dụng nâng mức tiền phạt được xác định trên cơ sở cân nhắc kỹ về tính chất, mức độ nghiêm trọng, hệ quả của các hành vi vi phạm gây ra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố.
Với dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP. Hà Nội, mức phạt đề xuất cũng tăng không quá 2 lần so với quy định hiện hành. UBND Thành phố đã xây dựng dự thảo với quy định nâng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với 71 hành vi.

Các đại biểu góp ý tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thùy Linh
Góp ý tại Hội nghị phản biện, ý kiến của hầu hết chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành ơhoos đều cho rằng, quỹ đất của Thủ đô rất hạn hẹp, có giá trị cao cả về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa. Vì vậy, việc quản lý khai thác và sử dụng tiết kiệm hiệu quả quỹ đất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Nhà nước đã ban hành nhiều Luật và Nghị định; HĐND Thành phố cũng ban hành nhiều Nghị quyết để quản lý chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng.
Ông Đinh Hạnh, Chủ nhiệm HĐTV về Kinh tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội khẳng định, việc ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố nhằm thay thế, bổ sung Nghị quyết số 19 của HĐND Thành phố năm 2021 về nâng mức tiền phạt cao hơn mức trước đây nhằm thực hiện Nghị định số 123 năm 2024 của Chính phủ đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP. Hà Nội là hết sức cần thiết.
Theo ông Vũ thành Vĩnh, thành viên HĐTV Dân chủ-Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội, để bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả Nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội, vấn đề không chỉ ở nâng mức xử phạt cao hơn, mà quan trọng hơn là ai xử phạt và xử phạt ai.
Do vậy, ngoài việc quy định nâng mức tiền phạt, việc tổ chức thực hiện cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao năng lực thực thi pháp luật và thiết lập cơ chế giám sát, phản hồi từ cộng đồng…
Kết luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường đánh giá, các nghị quyết được ban hành được kỳ vọng sẽ giúp chính quyền quản lý tốt hơn những vấn đề bức xúc. Đề nghị cơ quan soạn thảo có phản hồi chính thức về tiếp thu các ý kiến phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội.
Do các nghị quyết có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, đề nghị UBND TP. Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc giám sát, phát hiện vi phạm, công khai các cá nhân và tổ chức vi phạm. Xây dựng cơ chế khuyến khích người dân phát hiện, giám sát vi phạm; đồng thời có cơ chế khen thưởng đối với người dân có đóng góp.
Đồng thời, đề nghị MTTQ các cấp trên địa bàn Thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại địa phương, góp phần đẩy mạnh hiệu quả công tác quản lý của chính quyền trong lĩnh vực môi trường, đất đai.
Thùy Linh