Cảnh báo chất lượng không khí tại Hà Nội ở mức rất xấu
(Chinhphu.vn) - Chất lượng không khí của Hà Nội thời gian qua đã ở mức báo động. Có thời điểm, thành phố đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí.
Chỉ số chất lượng không khí cho thấy mức độ ô nhiễm không tốt cho sức khỏe
Theo thông tin từ website IQAir, vào lúc 9 giờ sáng 11/12, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Hà Nội đạt 229, cho thấy mức độ ô nhiễm không tốt cho sức khỏe.
Thậm chí, chỉ riêng tại khu vực Tây Hồ (Hà Nội), chỉ số chất lượng không khí (AQI) đã ghi nhận mức cao từ 336- 398. Chất lượng không khí này có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, đặc biệt là những người có vấn đề về hô hấp và các bệnh mãn tính.
Trước đó, vào 18h ngày 10/12, hai trong ba trạm quan trắc của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường ở Hà Nội cho biết chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức rất xấu (trên 200), cảnh báo mọi người bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng. Ô nhiễm từ hôm qua và gia tăng dần cho đến chiều nay.
Ô nhiễm nặng nhất ghi nhận tại trạm quan trắc đặt tại đường Giải Phóng, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng với chỉ số 223. Tại trạm số 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, AQI là 202.
Trong 14 trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thì 10 trạm hiển thị chất lượng không khí ở mức kém, tập trung ở nội thành. Đơn cử trạm Cầu Diễn (Nam Từ Liêm) 189, Trung Hòa (Cầu Giấy) 154, điểm ngoại thành như Xuân Mai (Chương Mỹ) cũng lên 184. Điểm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ ở Phú Thượng (Tây Hồ) ghi nhận AQI là 219.
Theo trang thống kê hơn 30.000 trạm quan trắc không khí trên toàn thế giới xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất với chỉ số chung 198, thứ hai là Dhaka của Bangladesh.
Kết quả quan trắc giai đoạn 2022-2023 cho thấy bụi mịn PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên đều vượt quy chuẩn. Riêng Hà Nội bụi PM 2.5 dao động 26-52μg/Nm3, vượt giới hạn 1,1-2,1 lần.
TP, Hà Nội đã chỉ ra 5 nguồn chính gây ô nhiễm không khí gồm: Phương tiện giao thông đường bộ (cả bụi đường), công nghiệp, dân sinh, đốt sinh khối và nông nghiệp.
Nguồn phát thải lớn nhất là hoạt động giao thông. Ước tính tổng phát thải bụi PM 2.5 từ các nguồn là hơn 30.000 tấn, hơn 50% số này đến từ nguồn thải tại chỗ. Trong đó, hoạt động giao thông, bụi đường lớn nhất, chiếm 56%. Thành phố có 1,1 triệu ôtô, hơn 6,9 triệu xe máy, 70% trong số này đã sử dụng trên 10 năm, tạo ra nguồn phát thải lớn.
AirVisual cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo về chất lượng không khí tại Hà Nội, khi chỉ số bụi mịn PM2.5 luôn ở mức rất cao, gấp hàng chục lần so với giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hằng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đáng chú ý, nhiều làng nghề, cụm công nghiệp với thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu thải ra chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm môi trường nước...
Cải thiện chất lượng không khí là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo vệ sức khỏe
Với mục tiêu 75%-80% số ngày trong năm chất lượng không khí tốt và trung bình, Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp, tập trung vào kiểm soát nguồn phát thải, trong đó xây dựng vùng phát thải thấp; hoàn thiện hệ thống quan trắc chất lượng không khí; trồng nhiều cây xanh.
Thời gian qua, nhiều hội thảo khoa học cũng như nghiên cứu của các chuyên gia môi trường đã chỉ rõ nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội chưa được cải thiện. Trong đó, chủ yếu là do khói thải ô tô, xe máy, công trình xây dựng, đốt rác thải, rơm rạ...
Từ thực trạng đó, việc bảo vệ môi trường nước, cải thiện chất lượng không khí là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của mỗi người dân. Đây cũng là vấn đề "nóng" sẽ được các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội chất vấn các cơ quan chức năng, người đứng đầu các đơn vị có liên quan vào sáng nay (11/12) trong kỳ họp cuối năm này.
Theo ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, thống kê cho thấy số dân cư sống tại Hà Nội khoảng 9 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm trên 40%. Toàn địa bàn thành phố có 10 khu công nghiệp, 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ô tô. Mỗi ngày, ước tính thành phố tiêu thụ khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng, dầu. Chưa kể tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát đang diễn ra thường xuyên trên địa bàn thành phố… đây là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí.
Trước thực trạng đó, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp để hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Điển hình, đã xoá bỏ hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xoá bỏ hàng trăm lò gạch thủ công, thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày đạt trên 90% ở tất cả các khu vực trên địa bàn Thủ đô, triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí…
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã ban hành nhiều chương trình, chính sách nhằm đưa Thành phố phát triển theo hướng kinh tế xanh, tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng carbon thấp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phòng tránh, giảm thiểu những hiểm hoạ của biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai, góp phần vào nỗ lực chung của Việt Nam thực hiện cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng "0" – net zero vào năm 2050.
Theo Phó Chủ tịch thành phố, Hà Nội đã trình Quốc hội ban hành Luật Thủ đô, trong đó có khoản a điều 28 quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp để hạn chế phương tiện giao thông ô nhiễm môi trường, nhằm cải thiện chất lượng không khí và ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035.
Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo, khi chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu (AQI từ 150 đến 200) người dân hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức. Đối với nhóm người bình thường nên giảm các hoạt động mạnh khi ở ngoài trời, tránh tập thể dục kéo dài và nghỉ ngơi nhiều hơn trong nhà, chạy máy lọc không khí. Nhóm người nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn, nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh. Nếu người dân cần thiết phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn.
Đưa ra các giải pháp, các chuyên gia cho rằng Hà Nội cần triển khai đồng bộ giải pháp để cải thiện chất lượng không khí, trong đó cần chú trọng triển khai đề án giao thông thông minh; sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách tiếp tục trợ giá đối với vận tải hành khách công cộng. Đồng thời hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch, phát triển thêm hệ thống tàu điện trên cao, vừa giúp giảm lượng khí thải, vừa cải thiện chất lượng không khí…
Theo các chuyên gia khí tượng, thời tiết là một trong những nguyên nhân tác động lớn đến chất lượng không khí của Hà Nội. Hiện nay Hà Nội đang là mùa đông với thời tiết hanh khô vào ban ngày, đêm và sáng sớm trời lạnh, khiến chất lượng không khí không được cải thiện. Theo quy luật, ô nhiễm không khí bắt đầu từ tháng 10 của năm trước đến tháng 3 của năm sau.
Chuyên gia khuyến cáo người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố công khai của cơ quan Nhà nước để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Thùy Chi