Chú trọng đầu tư phát triển mạnh nhà ở và hạ tầng đô thị

16/05/2023 4:39 PM

(Chinhphu.vn) - Để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP. Hà Nội chú trọng đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy đô thị hoá nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô Hà Nội.

Chú trọng đầu tư phát triển mạnh nhà ở và hạ tầng đô thị - Ảnh 1.

TP. Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng đô thị theo hướng từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, gắn kết với giao thông công cộng. Ảnh: Thùy Chi

Triển khai thực hiện Kế hoạch số 139/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội, Chương trình hành động số 21-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP. Hà Nội đang chú trọng đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy đô thị hoá nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở

Theo kế hoạch phát triển nhà ở của Hà Nội đến năm 2030, ngoài việc tập trung phát triển đô thị vệ tinh, Hà Nội sẽ cân đối nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, nhà ở xã hội.

Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển khoảng 44 triệu mét vuông sàn nhà ở. Trong đó, năm 2021, phát triển 88.000m2 sàn nhà ở xã hội, 106.000m2 sàn nhà ở tái định cư, 573.000m2 sàn nhà ở thương mại.

Để đạt được các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển nhà ở theo Chương trình phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, việc phát triển nhà ở trong giai đoạn 2021 - 2030 gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ, quản lý theo quy hoạch, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch; quản lý chặt chẽ phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm. Đồng thời, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững.

Bên cạnh phát triển nhà ở bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả, Hà Nội cũng chú trọng phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư, đặc biệt là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở...

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, TP. Hà Nội đã cân đối bố trí đủ vốn để triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư. Triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung, nhà ở cho thuê phục vụ công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra các dự án, tập trung vào các dự án chậm triển khai năm 2021, 2022, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện dự án.

Một tín hiệu khả quan khác góp phần đưa kế hoạch phát triển nhà ở của Hà Nội thành hiện thực, đó là việc dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp tới có một số điểm mới bổ sung về nhà ở xã hội có tác động tích cực đến thị trường. Đáng chú ý là việc dự án Luật bổ sung nội dung phát triển nhà lưu trú công nhân tại mục 3 (từ Điều 98 - Điều 107) về phát triển nhà lưu trú cho công nhân, tháo gỡ những vướng mắc trên thực tế về phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp hàng chục năm nay. Theo quy định mới này, nhà lưu trú cho công nhân cũng được ưu đãi như được giao đất không thu tiền sử dụng đất; được miễn giảm thuế, được vay vốn với lãi suất ưu đãi như nhà ở xã hội.

Cùng với đó, trong dự án Luật bổ sung ưu đãi về lãi thu được từ kinh doanh diện tích 20% xây dựng nhà ở thương mại được hạch toán riêng dùng để hỗ trợ xây dựng hỗ trợ kỹ thuật của dự án. Phần kinh doanh diện tích nhà ở thương mại này được hạch toán riêng và dùng để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án. Quy định mới này hỗ trợ thêm cho chủ đầu tư để khuyến khích đầu tư nhà ở xã hội.

Ngoài ra, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) còn bổ sung việc dành 10% tiền sử dụng đất thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để bổ sung vào Quỹ đầu tư phát triển của địa phương dành để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở cho thuê quy định tại Khoản 3 Điều 91. Điểm nhấn ở nội dung này làm rõ việc bổ sung nguồn vốn để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho thuê…

Phát triển đô thị theo hướng từng bước tạo ra chùm đô thị 

 Về phát triển đô thị, TP. Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng đô thị theo hướng từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, gắn kết với giao thông công cộng (TOD), hình thành một số cực tăng trưởng mới; Quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm. Đồng thời, hình thành, phát triển các khu đô thị mới theo hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, ưu tiên phát triển các đô thị loại nhỏ và vùng ven đô, đầu tư phát triển các đô thị có giá trị, tiềm năng về di sản, du lịch…

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ chú trọng vào công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị và khai thác hiệu quả bền vững các công trình, không gian lịch sử văn hoá tại khu vực nội đô lịch sử. Khuyến khích, hỗ trợ tổ chức, người dân đầu tư cải tạo, chỉnh trang tái thiết nhà ở tại các phố cổ, phố cũ theo quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc phố cổ, phố cũ và thiết kế đô thị;

Đồng thời, triển khai đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thủ đô; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng ở ngoại thành nhằm thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành; ưu tiên sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường đô thị.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tiến hành quy hoạch bảo tồn, phục hồi không gian kiến trúc cảnh quan đô thị một số khu vực, tuyến phố có đặc trưng văn hoá…; xây dựng đề án thành lập đơn vị hành chính quận đối với các huyện đã hoàn thành việc đầu tư, xây dựng đạt đủ các tiêu chí thành lập quận theo quy định…

Trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, thành phố đặt kế hoạch xây dựng vận hành hiệu quả hệ thống quản lý đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường trên nền tảng kỹ thuật số hiện đại; Hoàn thành và chuẩn hoá hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu về đất đai và tài nguyên vào năm 2025.

Đối với các dự án đầu tư trên địa bàn, thành phố thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch.

Hà Nội cũng sẽ tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc quản lý sử dụng đất của các doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần thực hiện thoái vốn, cổ phần hoá theo phương án sử dụng đất được duyệt, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án theo quy hoạch…

Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ

Nhằm xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội thành với ngoại thành, đô thị vệ tinh với các tỉnh, thành phố lân cận để tăng cường liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển, thành phố Hà Nội nghiên cứu nhiều dự án giao thông quan trọng, hoàn thành xây dựng các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch. Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung cho đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ. 

Cụ thể, về giao thông, thành phố sẽ xây dựng hệ thống mạng lưới giao thông thông minh, hình thành hệ thống giao thông hiện đại, đảm bảo sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải; Xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối nội vùng và liên vùng phù hợp với kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, tạo động lực phát triển cho các địa phương; Hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Thành phố cũng đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống; phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030; Nghiên cứu mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc gắn với xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng logistic; Xây dựng một số bến thuỷ nội địa phục vụ phát triển du lịch và vận tải hàng hoá bằng đường thuỷ.

Cùng với đó là phát triển hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, có sức chở lớn với bến, bãi đỗ xe hiện đại; Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm; Phát triển vận tải hành khách công cộng đa dạng, hiện đại, tiện lợi, sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường đạt tỉ lệ 30 -35% vào năm 2025 và 45-50% vào năm 2023.

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả; trong đó chú trọng phân bổ, ưu tiên hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, kết hợp với đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án kết cấu hạ tầng, nhất là dưới hình thức đối tác công - tư (PPP), gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống,... nhằm hoàn thiện các kết cấu hạ tầng then chốt, phục vụ sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội.

Thùy Chi

Top