Chú trọng liên kết vùng, hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu nông sản

26/11/2022 7:56 AM

(Chinhphu.vn) - Việc giao thương, kết nối cung cầu giữa nhà cung cấp vùng đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; nhờ liên kết chặt chẽ có thể điều hòa cung cầu, bảo đảm nguồn cung và ổn định giá.

Chú trọng liên kết vùng, hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu nông sản - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp và nhà phân phối có cơ hội gặp gỡ, giao thương tại hội nghị kết nối. Ảnh: VGP/Bích Phương

Cơ hội đưa sản vật vùng miền đến nhà cung cấp

Nhiều năm qua, thông qua các hội nghị kết nối giao thương, cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, hàng trăm biên bản ghi nhớ hợp tác cung ứng hàng hóa tại Hà Nội với trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được ký. Hoạt động này nhằm đẩy mạnh khai thác, tiêu thụ hàng hóa hai chiều giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố; nâng cao sức lan tỏa của hàng hóa Việt Nam ở thị trường trong và ngoài nước.

Nhằm phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, đồng thời hỗ trợ các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả nước tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, TP. Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối cung - cầu giữa các tỉnh, thành trên cả nước.

Trong 10 tháng qua, các kênh phân phối Hà Nội hỗ trợ kết nối tiêu thụ 52.000 tấn trái cây, nông sản từ các tỉnh, thành Đồng bằng sông Hồng. Nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành đã được kết nối đưa vào trên 60 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của Thành phố Hà Nội quảng bá, tiêu thụ.

Đặc biệt trong ngày 23/11 vừa qua, tại Hội nghị Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại" do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) tổ chức cũng đã hỗ trợ, tìm giải pháp kết nối giao thương cho 200 nhà cung ứng của hơn 40 tỉnh, thành trên cả nước tiêu thụ sản phẩm.

Đánh giá về lợi ích mà hoạt động kết nối cung-cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành mang lại, nhiều doanh nghiệp cho rằng, chương trình giao thương, kết nối cung cầu đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhờ liên kết chặt chẽ có thể điều hòa cung cầu, bảo đảm nguồn cung và ổn định giá. Giám đốc công ty TNHH Sản xuất chế biến &Thương mại Hà Trung (tỉnh Phú Yên) Nguyễn Thị Hà cho biết, là một doanh nghiệp nhỏ khu vực miền Trung, hoạt động  kết nối cung-cầu Hà Nội là cơ hội để doanh nghiệp đưa các sản vật vùng miền đến các nhà cung cấp, doanh nghiệp bán lẻ Hà Nội tiêu thụ.

Không chỉ có vậy, việc tiêu thụ hàng hóa tại thị trường Hà Nội còn có tác dụng dẫn dắt được giá thu mua, giúp người nông dân có thu nhập cao trong các mùa vụ, đồng thời hỗ trợ các tỉnh tiêu thụ sản phẩm khi bị dư cung cao không lấy lãi.

"Đặc biệt, thông qua hoạt động kết nối tiêu thụ, nhiều sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh được các doanh nghiệp bán lẻ chủ lực Hà Nội tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, nâng chất lượng sản phẩm đáp ứng các quy định để đưa vào các kênh phân phối hiện đại tiêu thụ", bà Hà nói.

Tiếp tục là cầu nối xúc tiến quảng bá sản phẩm các địa phương

Mặc dù hoạt động kết nối đã giúp các doanh nghiệp chủ động được sản lượng và thị trường tiêu thụ, đặc biệt là sản phẩm có tính thời vụ. Tuy nhiên, trong quá trình đưa hàng tiếp cận hệ thống phân phối hiện gặp không ít khó khăn.

Giám đốc thu mua ngành hàng toàn quốc của tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Mai Phương cho hay, các tỉnh còn ít doanh nghiệp đầu mối quy mô lớn thu mua hàng hóa, điều này khiến doanh nghiệp Hà Nội gặp khó khăn trong quá trình thu mua lượng hàng lớn khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, nhiều loại nông sản của các tỉnh chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, cũng như khâu thu gom, bảo quản, vận chuyển...

Hơn nữa, sự phối hợp của các địa phương đôi khi chưa kịp thời để có thể đáp ứng yêu cầu đột xuất của thị trường, nên công tác triển khai hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn. Việc hỗ trợ nắm bắt nhu cầu về cung - cầu trên thị trường cho các doanh nghiệp chưa kịp thời, dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ...

Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng Võ Văn Chiêu bày tỏ mong muốn Hà Nội hỗ trợ, quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp của các tỉnh tập kết, lưu chuyển hàng hóa vào thị trường Hà Nội. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, các siêu thị, trung tâm thương mại của Hà Nội trực tiếp tới tỉnh, thành phố để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Ở chiều ngược lại, các tỉnh cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho nhiều đơn vị Hà Nội đến tìm hiểu, kết nối giao thương với doanh nghiệp của tỉnh.

Các đơn vị cũng kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm, hỗ trợ Hà Nội và các tỉnh, thành phố đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn; bố trí kinh phí, tổ chức chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; trong đó, chú trọng chương trình liên kết vùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giữa tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu sản phẩm nông sản, đặc sản của Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Để thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ, ông John Dwyer Chair Amcham Supply Chain and Manufacturing Committee, Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam chia sẻ, thị trường Mỹ là thị trường rất khắt khe, các doanh nghiệp Việt Nam muốn cung ứng sản phẩm sang cần bảo đảm các tiêu chuẩn, chất lượng của Mỹ.

"Hiệp hội thương mại Mỹ không can thiệp nhiều vào việc doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, mà chủ yếu là doanh nghiệp Việt Nam kết nối, thoả thuận với các doanh nghiệp Mỹ" ông John Dwyer Chair Amcham Supply Chain and Manufacturing Committee lưu ý.

Về phía Bộ Công Thương, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng, Cục Xúc tiến Thương mại đánh giá, Hà Nội là một trong những địa phương tích cực, là đầu tàu trong kết nối cung cầu và bình ổn thị trường; tiên phong trong kêu gọi, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia, hưởng ứng các chương trình Tuần hàng Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức ở nước ngoài. Hà Nội không chỉ là nơi tiêu thụ mà còn là nơi thu hút các hoạt động giao thương, kết nối sản xuất, tiêu thụ hàng hóa; kết nối doanh nghiệp với các thị trường; đưa sản phẩm Việt Nam tới mọi miền tổ quốc và thị trường nước ngoài.

Thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục phối hợp với các Bộ, ban ngành, Trung tâm HPA, các hiệp hội doanh nghiệp và các tỉnh, thành phố trong cả nước đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, quảng bá cho doanh nghiệp Việt, hàng Việt Nam.

Bích Phương

Top