Chuyển đổi số phải song hành với cải cách thủ tục hành chính

28/05/2023 3:56 PM

(Chinhphu.vn) - Theo TS. Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA, chương trình chuyển đổi số phải song hành với cải cách thủ tục hành chính. Chuyển đổi số ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, không thể nhanh nếu không cải cách thủ tục hành chính.

Cải cách hành chính và câu chuyện chuyển đổi số ở Hà Nội - Ảnh 1.

Phó chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên khảo sát tại bộ phận Một cửa, UBND phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: VGP/Minh Anh

Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ bên lề Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023 vừa được tổ chức tuần qua.

Thưa ông, trong Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã nhấn mạnh chủ đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Từ góc độ chuyên môn, ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và chuyển đổi số? Các địa phương như Hà Nội cần làm gì để gắn hai nội dung này với nhau?

TS. Nguyễn Nhật Quang: Trước tiên tôi muốn làm rõ, chuyển đổi số muốn làm được thì phải cải cách TTHC, cải cách TTHC là yếu tố song hành với chuyển đổi số và tương hỗ cùng phát triển, chứ cách hiểu chuyển đổi số sẽ giúp cải cách TTHC là chưa đầy đủ.

Chuyển đổi số thực chất là chuyển từ phương thức hoạt động dựa trên tài liệu (bao gồm cả tài liệu giấy lẫn tài liệu điện tử) sang hoạt động dựa trên dữ liệu. TTHC thực chất dựa trên việc ra quyết định dựa trên tài liệu. Trong giai đoạn tin học hóa, xây dựng chính quyền điện tử, chúng ta tập trung vào số hóa tài liệu và lưu chuyển các tài liệu điện tử trong quy trình hành chính trên môi trường mạng một cách nhanh chóng hơn và qua đó rút ngắn thời gian thực hiện các TTHC.

Trong chuyển đổi số, chúng ta chuyển việc ra quyết định dựa trên tài liệu (án tại hồ sơ) sang quyết định dựa trên dữ liệu (án tại dữ liệu). Khi có một hệ thống dữ liệu đáp ứng được yêu cầu "đúng-đủ-sạch-sống", TTHC sẽ được đơn giản hóa một cách triệt để, thậm chí nhiều TTHC có thể được xóa bỏ hoàn toàn. Một ví dụ cụ thể là khi có Cơ ở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, chúng ta có thể bỏ sổ hộ khẩu. Việc loại bỏ một tài liệu quan trọng như sổ hổ khẩu giúp đơn giản hóa khâu xác nhận cư trú trong 167 TTHC liên quan.

Cải cách hành chính và câu chuyện chuyển đổi số ở Hà Nội - Ảnh 2.

Các kỹ sư làm việc tại Trung tâm Dữ liệu VNG. Ảnh: VGP/Minh Anh

Tới đây, khi xây dựng xong các CSDL quốc gia khác như CSDL về doanh nghiệp, đất đai, bảo hiểm... ta sẽ thấy rất nhiều TTHC có thể được đơn giản hóa triệt để hoặc thậm chí bãi bỏ.

Như vậy, có thể nói cải cách TTHC và chuyển đổi số là hai mặt của cùng một vấn đề. Các cải cách đột phá về TTHC không thể thiếu chuyển đổi số, mặt khác, chuyển đổi số hoạt động của chính quyền trong cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân sẽ kém hiệu quả nếu không có các cải cách thủ tục liên quan.

Như đã nói ở trên, để việc này có thể diễn ra suôn sẻ cần tiến hành đồng bộ các biện pháp về con người (nhận thức của nhân dân, năng lực của bộ máy công chức), về thể chế (sửa đổi các luật, nghị định, thông tư liên quan) và công nghệ (đầu tư thiết bị đầu cuối và kết nối an toàn với CSDL quốc gia về dân cư). Việc cải cách thể chế là trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, trong khi đó các vấn đề về con người và đầu tư cho hạ tầng công nghệ phụ thuộc vào chính quyền địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Với các nỗ lực hiện nay của chính quyền thành phố, chúng ta có thể hy vọng trong những năm tới Hà Nội có thể cải thiện vượt bậc chỉ số chuyển đổi số DTI và quan trọng hơn là thông qua cải cách thủ tục hành chính đồng bộ với chuyển đổi số hoạt động của chính quyền Hà nội sẽ có tiến bộ đột phá về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI của mình.

Các chuyên gia đánh giá, chuyển đổi số tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn tạo ra những giá trị thiết thực cho nền kinh tế xã hội. Đây là lúc cơ sở dữ liệu phát huy vai trò và sức mạnh. Ông đánh giá như thế nào về việc xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối tại Hà Nội thời gian qua?

TS. Nguyễn Nhật Quang: Dữ liệu và kết nối là trung tâm của câu chuyện chuyển đổi số. Tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023 với chủ đề: "Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế" tuần qua, các chuyên gia khẳng định, dữ liệu và kết nối đúng là trung tâm của câu chuyện chuyển đổi số. Năm 2023 được Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số xác định là năm dữ liệu. Các Bộ ngành, địa phương sẽ tập trung đầu tư cho dữ liệu. Để bảo đảm các nỗ lực thu thập, tổ chức, khai thác dữ liệu có hiệu quả, tạo thành một hạ tầng thống nhất cần có một quy hoạch, một bộ quy chế và các quy chuẩn kỹ thuật thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Định danh số và chữ ký số là hai yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm tính xác thực trên môi trường mạng, tạo các kết nối số tin cậy giữa các chủ thể và qua đó thúc đẩy các giao dịch kinh tế, xã hội trên môi trường số.

Cải cách hành chính và câu chuyện chuyển đổi số ở Hà Nội - Ảnh 3.

Công an huyện Gia Lâm hướng dẫn người cài đặt ứng dụng số. Ảnh: VGP/Minh Anh

Tôi cho rằng Hà Nội cũng đang tham gia tích cực vào các nỗ lực này của cả nước. Hiện tại Hà Nội cũng đang phối hợp với các Bộ ngành để triển khai đề án 06 của Chính phủ, nâng cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến, đồng thời kết nối với CSDL dân cư quốc gia, qua đó khai thác dữ liệu một cách hiệu quả nhằm đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính công, mang lại hiệu quả trực tiếp cho người dân. Các nỗ lực xây dựng dữ liệu định danh cá nhân, thử nghiệm cung cấp chữ ký số cho công dân có nhu cầu đang được Hà Nội khẩn trương tiến hành.

Do đặc thù là thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội hiện tích hợp cả hai nội dung là chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh vào một đề án. Thành phố đã ban hành và đang triển khai Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quan điểm về sử dụng, chia sẻ dữ liệu đã được lãnh đạo thành phố nhiều lần đề cập và coi đó là nhiệm vụ hàng đầu để thực hiện kỷ cương hành chính. Lãnh đạo thành phố đặt ra yêu cầu số hóa dữ liệu nhanh hơn nữa để tạo nền tảng thông minh, từ đó tạo ra các ứng dụng, phần mềm; rà soát lại quy trình, tập trung vào thủ tục hành chính với người dân, doanh nghiệp, tiếp đó là số hóa, hiện đại hóa quy trình nội bộ.

Với nhận thức và các nỗ lực như vậy, chúng ta có thể hy vọng người dân Hà Nội sẽ sớm được thụ hưởng các lợi ích của dữ liệu và kết nối.

Thưa ông, phát biểu tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, chuyển đổi số không thể một người, một tổ chức hay chỉ Chính phủ làm được, mà chuyển đổi số là tất cả mọi người, mọi thành phần đều phải tham gia, để từ đó, chúng ta mới có tài nguyên số.  Theo ông, người dân Thủ đô Hà Nội đã thực sự tham gia đóng vai trò công dân số?

TS. Nguyễn Nhật Quang: Một hạ tầng dữ liệu thống nhất, chia sẻ, dùng chung cùng với một nền tảng kết nối chính danh, tin cậy và an toàn có thể được coi là một loại tài nguyên mới, tài nguyên số. Có nhiều cách gọi hoa mỹ cho loại tài nguyên quan trọng này: "dữ liệu là tài sản", "dữ liệu là dầu mỏ mới", "dữ liệu là một loại đất đai mới mà ta có thể canh tác trên đó"...

Cá nhân tôi thích ví dữ liệu và kết nối như là hệ thần kinh của con người. Nếu ta coi hệ thống giao thông trong thành phố Hà Nội như là hệ vận động, hạ tầng năng lượng như hệ tuần hoàn, cấp thoát nước, xử lý rác thải như hệ tiêu hóa thì hạ tầng thông tin của thành phố sẽ đóng vai trò giống như hệ thần kinh trong đô thị. Hệ thần kinh này sẽ giúp cho tất cả cả các hệ thống khác trong cơ thể vận hành một cách đồng bộ và hiệu quả.

Có một sự thật là dữ liệu, bao gồm cả dữ liệu số vẫn đang hiện hữu quanh ta, nó nằm rải rác đâu đó trong các CSDL, các tệp dữ liệu trong các máy tính, trong các điện thoại cá nhân, trên các máy chủ của các cơ quan, doanh nghiệp. Một tập hợp các nguồn dữ liệu rời rạc, thiếu thống nhất như vậy không mang lại nhiều lợi ích. Để dữ liệu thực sự trở thành tài nguyên cần nỗ lực rất lớn của tất cả các chủ thể trong xã hội nhằm tổ chức lại tất cả các nguồn dữ liệu đó thành một hệ thống thống nhất, tin cậy theo đúng tiêu chí "Đúng, đủ, sạch, sống".

Ngoài ra có tài nguyên rồi còn cần có năng lực khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đó. Để làm được điều này Hà Nội sẽ cần đầu tư thích đáng cho cả ba thành tố quyết định thành bại của chuyển đổi số là con người, thể chế và công nghệ. Với các lợi thế về dân trí cao, nhiều chuyên gia giỏi, gần các cơ quan trung ương, có thể xây dựng các cơ chế đặc thù cho Thủ đô và tiềm lực tài chính để đầu tư hạ tầng công nghệ hiện đại, Hà Nội có thể và cần bứt phá mạnh mẽ để vươn lên nhóm dẫn đầu về chuyển đổi số của cả nước.

Minh Anh (thực hiện)

Top