Đề án 06 của Chính phủ là khâu đột phá của chuyển đổi số quốc gia
(Chinhphu.vn) - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, Đề án 06 của Chính phủ là khâu đột phá của chuyển đối số quốc gia. Sau 1 năm triển khai, Hà Nội đã có chuyển biến căn bản về nhận thức khi cả cán bộ và người dân cùng tham gia quá trình này.
Chiều 28/2, UBND TP. Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến từ Thành phố đến cấp xã nhằm sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ; triển khai chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 30-1/12/2022 của Thành uỷ Hà Nội.
Hội nghị có sự tham dự của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan; các sở, ngành liên quan của Thành phố…
Cư trú là dịch vụ công được tiếp cận nhiều nhất
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội, sau 1 năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ, đến ngày 30/12/2022, Thành phố đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công (DVC) thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06 (đạt 100%). Trong đó, Cổng DVC Thành phố đã tích hợp 3 DVC (Đăng ký khai sinh, Đăng ký kết hôn, Đăng ký khai tử), 22 DVC còn lại được tích hợp trên Cổng DVC quốc gia, Cổng DVC các bộ, ngành và được triển khai phần mềm đến các sở, ngành của Thành phố để bộ phận một cửa Thành phố tiếp nhận, giải quyết.
Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, công dân trên địa bàn Thủ đô đã có thể sử dụng toàn bộ 25 dịch vụ công thiết yếu tích hợp trên các Cổng DVC quốc gia, Cổng DVC Thành phố và Cổng DVC các bộ, ngành.
Cụ thể, DVC có số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến cao nhất trong năm 2022 là nhóm cư trú (Thông báo lưu trú với 302.220 hồ sơ; Đăng ký thường trú với 118.880 hồ sơ); thấp nhất là DVC "Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận" với 15 hồ sơ (do mới triển khai từ 26/10/2022).
Có 09/25 DVC trực tuyến (đạt 36%) được tiếp nhận và giải quyết hoàn toàn trực tuyến (không có hồ sơ tiếp nhận trực tiếp) gồm: Thông báo lưu trú; Khai báo tạm vắng; Đăng ký khai sinh; Đăng ký kết hôn; Đăng ký khai tử; Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (220/380V); Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện; Đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng; Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ).
Dịch vụ công trực tuyến có tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến/Tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết thấp dưới 10% là 5 dịch vụ công: Cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân (0,23% và 0,67%); Đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy (3,3%); Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình (0,0068%); Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe (0,094%); Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp (4,42%).
Giao diện trên Cổng DVC còn phức tạp, khó hiểu, chưa thân thiện
Đối với nhóm tiện ích phục vụ phát triển công dân số, tính đến ngày 19/12/2022, toàn Thành phố đã thu nhận trên 6,5 triệu hồ sơ cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip đối với các trường hợp công dân trong độ tuổi quy định, đã nhận và trả trên 6 triệu thẻ CCCD cho người dân. Thông qua thẻ Căn cước công dân gắn chip và các dữ liệu trong CSDLQG về dân cư, các lực lượng chức năng của Thành phố đã ứng dụng để mang lại nhiều giá trị thiết thực trong đời sống, xã hội.
Bên cạnh các kết quả tích cực, Công an TP. Hà Nội cho biết, việc đưa vào vận hành chính thức Hệ thống thông tin giải quyết TTHC Thành phố dự kiến chậm tiến độ triển khai so với Kế hoạch (dự kiến hoàn thành và vận hành trước ngày 15/12/2022 tuy nhiên tới thời điểm hiện tại đang thực hiện các thủ tục thuê dịch vụ công nghệ thông tin). Điều này ảnh hướng tới việc triển khai một số nhiệm vụ như số hóa/tích hợp dịch vụ công trực tuyến/đánh giá chất lượng giải quyết TTHC và một số nhiệm vụ khác.
Việc thực hiện số hóa tại Bộ phận Một cửa các sở ngành và Bộ phận Một cửa của UBND cấp huyện đang bị chậm so với lộ trình đề ra. Nguyên nhân là chưa có tính năng số hóa của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố và hướng dẫn chi tiết về quy định đối với lưu trữ hồ sơ điện tử của Bộ Nội vụ và các đơn vị liên quan.
Hiện Thành phố đã triển khai 25/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo Đề án 06, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc như: Việc đăng ký tài khoản trên Cổng DVC chưa thuận tiện, chưa tạo được tài khoản trên Cổng DVC đối với người nước ngoài; giao diện trên Cổng DVC còn phức tạp, khó hiểu, chưa thân thiện với người dùng...
Ban chỉ đạo 06 của TP. Hà Nội kiến nghị Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành cần sớm ban hành và hướng dẫn các đơn vị trong việc triển khai thực hiện việc chuẩn hóa danh mục tài liệu, quy trình và mã số của giấy tờ số hóa; sớm ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về việc thực hiện lưu trữ tài liệu điện tử… làm cơ sở các địa phương thực hiện.
Chỉ đạo các bộ phận không yêu cầu người dân phải xác nhận bằng giấy tờ
Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ cho biết tại 2 hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào tháng 12/2022 và buổi sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 ngày 25/2, sau khi nghe Chủ tịch UBND TP. Hà Nội báo cáo, Thủ tướng đã biểu dương Hà Nội đã chủ động, nỗ lực, phối hợp các bộ ngành có bước đi căn cơ; quyết tâm chính trị đầu tư hạ tầng, kếtnối dữ liệu, chủ động thực hiện các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân.
Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Tổ công tác sẽ tổng hợp ý kiến, bàn với các bộ, rút kinh nghiệm về sáng tạo, tự tin, từng nhóm việc của Hà Nội để làm kinh nghiệm cho các tỉnh thành phố khác.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, Thứ trưởng Bộ Công an lưu ý TP. Hà Nội về hạ tầng công nghệ phải sớm hoàn thành mới chuyển được từ thủ công sang công nghệ. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần tích cực số hóa hơn nữa; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu và từng bước thực hiện được các dịch vụ công trực tuyến.
Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Thành phố chỉ đạo quyết liệt để tất cả các bộ phận không yêu cầu dân phải xác nhận bằng giấy tờ; các ngành phải đôn đốc hướng dẫn, kiểm tra cụ thể.
Chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, Đề án 06 là khâu đột phá của chuyển đối số quốc gia.
Đến nay, kết quả việc triển khai Đề án 06 sau 1 năm tại các bộ ngành, địa phương là rất đáng trân trọng, cụ thể tại Hà Nội như 25/25 dịch vụ công thiết yếu đã liên thông, 2 TTHC liên thông (thí điểm tại Hà Nội, Hà Nam) đã thực hiện, nhận thức về thực hiện dịch vụ công trực tuyến được nâng lên… Theo chủ tịch TP. Hà Nội, qua 1 năm triển khai Đề án 06, Hà Nội đã có chuyển biến căn bản về nhận thức cả về cán bộ và người dân, "người dân cũng tham gia, cán bộ cũng tham gia" quá trình này.
Trong kế hoạch triển khai tiếp theo, Chủ tịch TP. Hà Nội cho biết đã phân công nhiệm vụ rõ ràng, có địa chỉ cụ thể, trách nhiệm và thời gian thực hiện; gắn vào việc đánh giá chất lượng công việc của cán bộ và từng quận, huyện, sở, ngành. Gắn trách nhiệm của các Giám đốc Sở, ngành để rà soát tại đơn vị để cải tiến quy trình nội bộ, thực hiện số hoá ngay từ quy trình nội bộ.
"Thành công trong chuyển đốisố không có chữ ủy quyền. Tất cả là nhờ quyết tâm của người đứng đầu", Chủ tịch TP. Hà Nội nhấn mạnh.
Gia Huy