Đề án 06 của Chính phủ: Cắt giảm giấy tờ, thuận tiện và giảm chi phí cho người dân

31/12/2022 8:00 AM

(Chinhphu.vn) - Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho người dân theo Đề án 06 của Chính phủ đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực khi Cắt giảm thủ tục hồ sơ, giảm chi phí thủ tục hành chính. Việc hướng tới là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, góp phần vào quá trình chuyển đổi số Quốc gia.

Đề án 06 của Chính phủ: Cắt giảm giấy tờ, thuận tiện và giảm chi phí của người dân - Ảnh 1.

Mô hình "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà" của phường Trúc Bạch, quận Ba Đình - Ảnh: VGP

Hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến là nguời dân phải biết - sử dụng - tuyên truyền

Là địa phương làm điểm triển khai Đề án 06 của Chính phủ (Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, nhìn đến năm 2030"), Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, một trong những cách TP. Hà Nội triển khai để Đề án nhanh chóng được người dân hưởng ứng là hướng dẫn theo hướng "cầm tay chỉ việc".

Theo cách này, tại nhiều địa bàn thuộc TP. Hà Nội, các Tổ công tác, đội cơ động tại cơ sở trên địa bàn Hà Nội đóng vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền hướng dẫn người dân nhận thức được tiện ích của dịch vụ công trực tuyến, tiết kiệm được thời gian và công sức cho người dân khi không phải làm TTHC trực tiếp.

Mô hình "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà" đã mang lại kết quả hữu ích cho phường Trúc Bạch, quận Ba Đình (địa bàn làm điểm của Thành phố). Chia sẻ về quá trình xây dựng và triển khai mô hình này, ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch phường cho biết, qua quá trình tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận Một cửa phường, chúng tôi nhận thấy đa số người dân vẫn có tâm lý, thói quen thực hiện các thủ tục hành chính bằng hình thức nộp hồ sơ trực tiếp một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế khi tiếp cận với công nghệ thông tin và sử dụng máy tính.

UBND phường đã xây dựng, triển khai mô hình "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà" với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, cầm tay hướng dẫn từng người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến".

Kết quả mang lại là tất cả công dân sau khi được cán bộ trực tiếp hướng dẫn đều đã biết cách nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến, đều nhận thức được ý nghĩa của việc phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư. Với những kết quả đạt được bước đầu UBND phường đã mạnh dạn nhân rộng mô hình, thành lập 8 Đội cơ động tại 8 tổ dân phố với nòng cốt là các tình nguyện viên chính là những công dân sinh sống trên địa bàn.

Sau 1 năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ, báo cáo tại hội nghị sơ kết triển khai Đề án 06 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào ngày 25/12/2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, các sở, ngành, địa phương đã chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để huy động sự vào cuộc của các cấp các ngành, tích cực triển khai các nhiệm vụ để triển khai đúng tiến độ.

Sau 1 năm triển khai Đề án 06, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố (thử nghiệm) đã kết nối và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính; đã cơ bản triển khai 24/25 dịch vụ công thiết yếu (đạt 96%). Trước ngày 30/12 đã triển khai nốt dịch vụ công về lý lịch tư pháp để bảo đảm hoàn thành 25/25 dịch vụ công thiết yếu trong năm 2022.

Đồng thời, thực hiện làm sạch dữ liệu, phát triển công dân số đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống" và khai thác các tiện ích từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: trên 6 triệu thẻ căn cước công dân - trên 4 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, đạt 64,7%; kích hoạt rên 15.000 định danh mức 1 và trên 528.000 định danh mức 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chínhhttps://baochinhphu.vn/thu-tuong-2...

Đẩy mạnh tuyên truyền dịch vụ công trên mạng xã hội Facebook, Zalo

Quá trình triển khai Đề án 06 tại Hà Nội cũng nhận định được thực trạng việc tham gia của người dân với các tiện ích do cơ quan hành chính nhà nước cung cấp, đặc biệt tham gia giải quyết các thủ tục hành chính theo phương thức điện tử còn hạn chế, chưa tương xứng với số lượng công dân có thể thực hiện dịch vụ công tốt trên môi trường mạng (khoảng 20 - 30%/khoảng 4,5 triệu công dân từ 16 đến 60 tuổi - nhóm đối tượng tham gia thực hiện tốt các giao dịch trên môi trường điện tử).

Một trong những nguyên nhân người dân chưa "mặn mà" sử dụng dịch vụ công trực tuyến là việc khó sử dụng các thiết bị công nghệ hỗ trợ, việc sử dụng với người dân còn hạn chế; không phải người dân nào cũng có máy in, máy scan và nhiều người dân thao tác thiết bị di động còn hạn chế.

Nguyên nhân nữa là rào cản về thói quen, về tâm lý, người dân đi làm TTHC trực tiếp để được hướng dẫn, cảm thấy an tâm hơn khi đến trực tiếp; quy trình, thủ tục phức tạp làm người dân ngại thao tác, khiến người dân hạn chế sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Trên cơ sở xác định được nguyên nhân, TP. Hà Nội đang tiếp tục thực hiện phương châm mục tiêu xác định "Người dân biết – Người dân sử dụng – Người dân tuyên truyền".

"Đây là phương thức "lan tỏa" hữu hiệu nhất để tăng cường hiệu quả sử dụng các dịch vụ công trực tuyến", Phó Chủ tịch Thường trực Lê Hồng Sơn cho biết.

"Khi người dân đã trực tiếp trải nghiệm và nhận được các giá trị mà dịch vụ công trực tuyến mang lại như tiết kiệm thời gian, chi phí, thuận lợi… thì chính người dân sẽ là "tuyên truyền viên" hữu hiệu nhất, sự chia sẻ và truyền đạt qua kết quả trải nghiệm của người dân với bạn bè, người thân" – Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Về cách thức thực hiện, Hà Nội thực hiện theo 2 cách thức, thứ nhất là truyền thông là cơ sở và thứ hai là hướng dẫn theo hướng "cầm tay chỉ việc". Truyền thông ở cơ sở được tập trung chỉ đạo đẩy mạnh với các phương thức linh hoạt, sáng tạo và trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo.

Còn hướng dẫn cầm tay chỉ việc với vai trò của các nhóm đối tượng như nòng cốt là cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận Một cửa, đây là đội ngũ thông tin trực tiếp với công dân về tính năng, tiện ích của dịch vụ công, hướng dẫn cầm tay chỉ việc, hoàn thiện hồ sơ trực tuyến cho công dân trong lần đầu. Thứ hai là lực lượng Đoàn thanh niên để tham gia hướng dẫn tại bộ phận Một cửa của các cấp, hỗ trợ cho công dân và lan toả đến gia đình, bạn bè; ngoài ra là nhóm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố là lực lượng thực hiện dịch vụ công trực tuyến đông nhất, vận động người dân, gia đình thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Dịch vụ công giúp trực tuyến giúp cắt giảm thủ tục hồ sơ, giảm chi phí TTHC

Đối với việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Đề án 06 đã hoàn thành đưa nhiều dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, một số dịch vụ có tỷ lệ người dân hưởng ứng tham gia cao. Riêng ngành Công an đã cung cấp 227/227 dịch vụ công trực tuyến, trong đó nhiều nội dung rất thiết thực được người dân đón nhận như: Cấp hộ chiếu, đăng ký xe, các thủ tục về cư trú...

Bộ Công an đã xây dựng phần mềm liên thông, đưa vào cung cấp trực tuyến 02 nhóm dịch vụ công liên quan đến khai sinh, khai tử, đăng ký, xóa hộ khẩu thường trú, hỗ trợ mai táng phí (đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú – trợ cấp mai táng phí giúp cắt giảm tối thiểu 9 loại giấy tờ, người dân chỉ khai báo thông tin một lần giải quyết được 3 thủ tục hành chính) đã cắt giảm thời gian thực hiện từ 14-15 ngày xuống còn 3 ngày làm việc (hiện đang thí điểm ở TP Hà Nội, Hà Nam, dự kiến triển khai toàn quốc từ quý I/2023).

Nhờ đó đã cắt giảm tối thiểu 9 loại giấy tờ và 6 trường thông tin bị trùng lặp, người dân chỉ khai báo thông tin một lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết và giảm thời gian đi lại. Việc đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến mang lại hiệu quả rất lớn, tiết kiệm chi phí.

Tiêu biểu như việc đăng ký thi trực tuyến đã tiết kiệm 50 tỷ đồng kinh phí mua hồ sơ; ảnh thẻ cho học sinh, sinh viên, cha mẹ không phải nghỉ làm để nộp hồ sơ; giảm thiếu áp lực với an toàn giao thông trong thời gian cao điểm. Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần giảm tiếp xúc giữa người dân và cán bộ cơ quan Nhà nước, góp phần giảm "tham nhũng vặt".

Còn Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06 của Chính phủ đạt được kết quả quan trọng, trong đó 25/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu của Đề án đã cơ bản hoàn thành; một số dịch vụ công đã cắt giảm thời gian thực hiện từ 14-15 ngày xuống còn 3 ngày làm việc.

Đối với ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết với việc xác thực, đồng bộ dữ liệu dân cư với hơn 68 triệu dữ liệu về bảo hiểm xã hội; 26 triệu dữ liệu giáo viên, học sinh; 28 triệu dữ liệu thuế, đã giúp người dân không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh, thay đổi thông tin cá nhân, mà được các hệ thống tự động điều chỉnh. Hay việc tích hợp và khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân thay thẻ bảo hiểm y tế, giúp giảm giấy tờ tùy thân.

Hay đối với thủ tục Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng, lần đầu tiên được thực hiện khai thác dữ liệu dân cư phục vụ cho việc đăng ký thi và thực hiện nộp lệ phí, xét tuyển trực tuyến đối với hơn 3 triệu nguyện vọng của thí sinh.

Một ví dụ khác là việc đăng ký, cấp biển số xe, bên cạnh việc đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giải quyết thì thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa dân cư, đăng kiểm, thuế, hải quan, ngân hàng giúp bãi bỏ thủ tục xác nhận nguồn gốc xe đối với xe nhập khẩu, cũng như cắt giảm các giấy tờ, giảm thời gian đi lại của người dân…

Đề án 06 của Chính phủ: Cắt giảm giấy tờ, thuận tiện và giảm chi phí của người dân - Ảnh 4.

TP. Hà Nội thực hiện tuyên truyền Đề án 06 theo 2 cách thức, thứ nhất là truyền thông là cơ sở và thứ hai là hướng dẫn theo hướng "cầm tay chỉ việc" - Ảnh: VGP

Phát huy vai trò của các Tổ chuyển đổi số cộng đồng

Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc cung cấp dịch vụ công cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, thời gian qua mới chỉ tập trung đẩy mạnh về mặt số lượng, mà chưa thật sự quan tâm về chất lượng. Hiện nay, đã có 4.290 dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (chiếm 66% số lượng thủ tục hành chính).

Tuy nhiên số lượng dịch vụ công trực tuyến được sử dụng còn thấp (25,6%). Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan.

Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là một số cơ quan, đơn vị chưa quán triệt nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Việc số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công bảo đảm nguyên tắc người dân chỉ cung cấp thông tin một lần vẫn còn chậm, còn tình trạng "cát cứ" thông tin, lợi ích ngành, lợi ích cục bộ…

Để công tác chuyển đổi số trong phục vụ người dân, doanh nghiệp nói chung, cung cấp dịch vụ công nói riêng thời gian tới đi vào thực chất, hiệu quả, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, năm 2023, ngoài việc tập trung hoàn thành dứt điểm những nhiệm vụ còn chậm tiến độ năm 2022 trong thời gian nhanh nhất, Tổ công tác triển khai Đề án 06 đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai các nội dung của Đề án 06, nhất là đối với những nội dung mới chưa có tiền lệ.

Còn Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần phải chuyển từ số lượng sang chất lượng.

Theo đó, cần phải tập trung rà soát, đổi mới, hoàn thiện quy trình các dịch vụ công trực tuyến bảo đảm nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Chúng ta cần lựa chọn những nhóm thủ tục hành chính gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để tập trung triển khai thực chất, thuận lợi, kịp thời, hiệu quả, trong đó cũng cần thay đổi tư duy từ "làm thay, làm hộ" người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để người dân, doanh nghiệp chủ động thực hiện dịch vụ trực tuyến, mới bảo đảm tính bền vững, hiệu quả.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng nhấn mạnh về việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến cần đẩy mạnh hơn, trong đó cần phát huy vai trò của các Tổ chuyển đổi số cộng đồng, Đoàn Thanh niên… trong việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao kỹ năng số và chủ động thực hiện có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến.

Đồng thời, phải tiếp tục đổi mới việc thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa các cấp trở thành trung tâm phục vụ người dân, doanh nghiệp, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến nhằm thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy, hình thành công dân số, xã hội số, nhất là các đối tượng yếu thế, người già, người dân tộc thiểu số, các nhóm đối tượng có trình độ công nghệ thông tin hạn chế.

Ngoài ra, đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, gắn số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, trong quá trình giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần trong giao dịch với cơ quan nhà nước.

Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, nhìn đến năm 2030" (Đề án số 06) được ban hành ngày 6/1/2022.

Tại Đề án này đã giao rõ từng nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, theo đó các địa phương phải chủ trì triển khai 13 nhóm nhiệm vụ chung, 25 dịch vụ công thiết yếu và 40 nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan Trung ương.

Gia Huy

Top