Chuyển đổi số vì mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp

23/02/2023 9:20 AM

(Chinhphu.vn) - Xây dựng chính quyền số và công dân số là nền tảng vững chắc của nhiệm vụ chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn. Hà Nội đang tiếp tục tích cực triển khai những bước đi mang tính "nền tảng" này với các dịch vụ công trực tuyến, mang đến những trải nghiệm tiện ích, giảm thiểu chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân.

Chuyển đổi số vì mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp - Ảnh 1.

Người dân thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy phép lái xe tại bộ phận "một cửa". Ảnh: VGP/Minh Anh

Đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, trước thực tế nhiều thời điểm người dân xếp hàng tại bộ phận "một cửa" của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chờ đến lượt làm thủ tục cấp đổi Giấy phép lái xe, Sở Giao thông Vận tải đã tăng cường hướng dẫn người dân thủ tục đổi Giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 3,4 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đỗ Việt Hải cho biết, đây là một trong 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thực hiện Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 17/2/2022 của UBND Thành phố về Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" trên địa bàn Thành phố, Sở Giao thông Vận tải cũng vừa đề nghị các Sở, ban ngành, đoàn thể, đơn vị; UBND các quận, huyện, thị xã; các cơ quan báo, đài Thành phố tuyên truyền về thủ tục "Đổi Giấy phép lái xe do ngành Giao thông Vận tải cấp" trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đến cơ quan, tổ chức và người dân biết, sử dụng hiệu quả.

"Việc đổi Giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho người dân trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Người dân có thể ngồi tại nhà đăng ký cấp đổi Giấy phép lái xe qua mạng, sau đó có thông báo đến trung tâm hành chính công hoàn tất các thủ tục còn lại; từ đó giúp người dân tiết kiệm thời gian đi lại rất nhiều so với trước đây", ông Đỗ Việt Hải nhấn mạnh.

Cũng theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, chuyển đổi số là chuyển đổi và thay đổi phương thức điều hành, hiện đại hóa quy trình công việc bằng công nghệ thông tin để giảm bớt các thủ tục, chi phí. Hiện nay, các đơn vị thuộc Sở tiếp tục giảm sát hoạt động của hệ thống xe buýt trên địa bàn Thành phố bằng thiết bị GPS và ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý, điều hành, thông tin hành khách bằng hệ thống âm thanh và bảng LED trên xe và một số nhà chờ, ứng dụng tim xe buýt cho hành khách, hệ thống mua vé online; đồng thời tiếp tục duy trì, vận hành phần mềm Quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (RBMS) và phản ánh sự cố, hư hỏng mất an toàn giao thông (GT247) vào phục vụ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố đảm bảo hiệu quả.

Chuyển đổi số vì mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp - Ảnh 2.

Các cơ sở y tế của TP. Hà Nội tăng cường giao dịch điện tử liên quan đến Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế.Ảnh: VGP/Minh Anh

Ở lĩnh vực y tế, theo thống kê đến hết tháng 1/2023, TP. Hà Nội có 583/724 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tra cứu bằng căn cước công dân gắn chíp thay cho thẻ bảo hiểm y tế. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, để thực hiện việc tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị y tế trực thuộc xây dựng kế hoạch giảm chuyển tuyến để có kế hoạch phát triển các kỹ thuật mới, mũi nhọn, chuyên sâu.

"Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện triển khai đồng bộ việc khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp thay thế cho thẻ BHYT hoặc qua ứng dụng VneID của Bộ Công an; trang bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho việc thực hiện; tăng cường hướng dẫn cho người dân", bà Nhị Hà cho hay.

Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, sau gần một năm triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, đến nay đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân khi tiết kiệm được thời gian làm thủ tục đăng ký khám chữa bệnh (do không phải xuất trình thẻ BHYT giấy, không phải làm thủ tục xin cấp lại trong trường hợp mất hoặc thẻ rách, hỏng, hết hạn...).

Bên cạnh đó, khi sử dụng CCCD thay thế cho thẻ BHYT trong đăng ký khám, chữa bệnh sẽ giúp Bệnh viện giảm được thời gian làm thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh; quản lý được tình trạng người bệnh lạm dụng thông tuyến, đi khám bệnh nhiều lần, nhiều nơi, tránh được tình trạng thất thoát thẻ BHYT của người bệnh trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông Đào Thiện Tiến cho biết, so với trước đây, khi người bệnh đi khám chữa bệnh BHYT phải mang ít nhất 2 loại giấy tờ thì nay, chỉ cần duy nhất thẻ CCCD gắn chip, người dân đã được thuận lợi giải quyết các thủ tục khi đi khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện. 

Chuyển đổi số vì mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp - Ảnh 3.

Giao diện tiện ích cấp đổi bằng lái xe qua cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia. Ảnh: VGP/Minh Anh

Nâng cao hiệu quả chương trình cải cách TTHC qua nỗ lực chuyển đổi số 

Thủ đô Hà Nội đang tiếp tục là một trong những địa phương đi đầu cả nước với Nghị quyết về "Chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" vừa được Thành ủy Hà Nội ban hành. Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, đây là chủ trương hết sức quan trọng và kịp thời thúc đẩy việc hiện đại hóa công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong toàn hệ thống chính trị Thành phố.

Cụ thể hóa mục tiêu này, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Văn phòng UBND Thành phố, đơn vị liên quan đã và đang triển khai thực hiện chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa, xây dựng một Chính quyền hiệu lực, hiệu quả hơn, thực sự của dân, do dân và vì dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

"Đặc biệt, TP. Hà Nội đã vận hành chính thức Hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố. Đây được coi là một trong 4 hệ thống thông tin dùng chung quan trọng, cốt lõi và là tâm huyết của lãnh đạo Thành phố, hệ thống vận hành nhằm cung cấp số liệu, thông tin phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Thành phố đến 03 cấp trực thuộc Thành phố thực đảm bảo theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, liên thông, tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực gắn với cơ chế kiểm soát từng cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số", lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thực hiện Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã ban hành các quyết định về việc ủy quyền giải quyết hơn 700 thủ tục hành chính thuộc nhiều lĩnh vực như Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ; UBND các quận, huyện, thị xã.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Thành phố thực hiện phân cấp, ủy quyền dựa trên nguyên tắc tất cả những gì mà cấp quận, huyện có thể thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn thì sẽ phân cấp cho cấp dưới thực hiện; tránh ôm đồm nội dung gây chậm trễ, hướng đến giải quyết nhanh chóng tất cả việc phân cấp, ủy quyền.

"Việc phân cấp, ủy quyền sẽ gắn chặt với cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối, tầng nấc xử lý các nhiệm vụ, rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình thủ tục; giải quyết kịp thời và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu chính đáng của tổ chức, doanh nghiệp và người dân", lãnh đạo UBND TP. Hà Nội khẳng định,

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ giao các đơn vị tiếp tục rà soát lại nội dung phân cấp ủy quyền này, để đánh giá lại nghiêm túc những mặt được và chưa được của Nghị quyết, đảm bảo thiết thực và hiệu quả. Quan trọng nhất là phục vụ người dân và doanh nghiệp, "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ".

Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính của toàn TP. Hà Nội là 1.884 thủ tục hành chính; cấp Thành phố là 1.534 thủ tục, cấp huyện là 244 thủ tục, cấp xã là 106 thủ tục.

UBND TP. Hà Nội đặt mục tiêu phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính đối với ít nhất 20% tổng số thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của UBND Thành phố, các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, trừ các thủ tục hành chính đang quy định cấp có thẩm quyền quyết định là UBND hoặc Chủ tịch UBND cấp xã…

Với những tiền đề nêu trên, TP. Hà nội đang từng bước thể hiện rõ quyết tâm của thành phố trong việc thực hiện "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030" của Chính phủ, nhằm cụ thể hóa những chủ trương lớn thúc đẩy chính phủ điện tử, chính phủ số, công dân số, kinh tế số, xã hội số để phục vụ người dân.

Minh Anh

Top