Có nên tăng giá nước sạch sau 10 năm bình ổn?
(Chinhphu.vn) - Trước thông tin giá nước sạch trên địa bàn TP. Hà Nội dự kiến sẽ tăng khiến người thì lo ngại phí sinh hoạt sẽ đội thêm một khoản, nhưng có người dân lại đồng tình vì được dùng nước sạch, chất lượng tốt.
Những ý kiến xung quanh vấn đề tăng giá nước sạch
Việc TP. Hà Nội mới đây đưa ra chủ trương tăng giá nước sạch sau 10 năm bình ổn giá và yêu cầu thông tin rộng rãi giá nước sạch sinh hoạt dự kiến sẽ tăng, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân và nâng cao ý thức sử dụng nước sạch của người dân.
Dự kiến giá nước sạch tới đây sẽ tăng từ 5.059 đồng/m3 lên 8.326 đồng/m3 vào năm 2023 và tiếp tục tăng lên 9.100 đồng/m3 năm 2024.
Trước thông tin này, có những ý kiến khác nhau từ phía người dân, có người cảm thấy lo lắng vì sẽ bị đội lên khoản chi phí sinh hoạt, tuy nhiên có người lại thấy phấn khởi vì sẽ được dùng nước sạch, chất lượng cao.
Điển hình là trường hợp của bà Nguyễn Thị Hiền (quận Hoàng Mai), lo ngại giá nước tăng sẽ gây sức ép về kinh tế, khiến gia đình bà phải vất vả hơn.
Theo bà Hiền thì không phải ai cũng đủ kinh tế để chi trả một khoản đội thêm như vậy, nhiều người vẫn đang phải chật vật kiếm tiền để hằng tháng chi trả những khoản sinh hoạt như điện, nước, ăn, ở… Đặc biệt, với nhà bà Hiền kinh doanh cửa hàng ăn uống để kiếm sống thì việc sử dụng nước nhiều hơn các gia đình khác là không thể tránh khỏi.
Cho ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Đức (quận Cầu Giấy) cho rằng, có thể tăng giá một ít, chứ không nên tăng nhiều, bởi mỗi người dân có hoàn cảnh khác nhau. Tại một số khu vực có những người ở tỉnh đến Hà Nội làm việc, thuê nhà chung cư của một số công ty tư nhân xây để cho thuê, sẽ phải buộc tính theo giá kinh doanh. Trong khi đó, đa phần người ở tỉnh có hoàn cảnh khó khăn nên mới lên Hà Nội để kiếm việc, như vậy cũng sẽ gây khó cho những đối tượng này.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý kiến như bà Hiền, ông Đức. Có nhiều người dân đồng thuận tăng giá để được dùng nước sạch, chất lượng tốt. Bà Nguyễn Thị Thủy (quận Ba Đình) cho biết, mỗi tháng gia đình bà phải trả khoảng 130.000 đồng đến 200.000 đồng. Việc tăng giá nước là tăng theo quy định, tăng toàn dân, miễn là phải bảo đảm nguồn nước sạch, chất lượng cao, nếu giá tăng cao thì lại phải dùng tiết kiệm lại, không lãng phí.
Đối với các doanh nghiệp trong ngành nước, thực tế hiện nay, phần lớn doanh nghiệp cho rằng, mức giá bán lẻ nước, đặc biệt là nước sinh hoạt thấp. Mặt khác, tại nhiều địa phương, mức giá này thường ít được điều chỉnh như Hà Nội trong gần 10 năm qua chưa điều chỉnh giá nước sạch.
Cần công khai, minh bạch khi tăng giá nước sạch
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, giá nước sạch đang được thành phố áp dụng (theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND TP. Hà Nội). Việc 10 năm nay vẫn chưa được điều chỉnh giá đang là vướng mắc lớn nhất khiến nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc, chậm triển khai tiếp dự án... Đây cũng là nguyên nhân khiến kế hoạch phủ mạng cấp nước tới khu vực nông thôn không đạt mục tiêu giai đoạn 2016-2020.
Ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thời điểm xây dựng quyết định số 38/2013/QĐ-UBND cách đây 10 năm thì cơ bản là nước ngầm, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại chất lượng nước và công nghệ nước khác, do đó cần phải điều chỉnh giá nước sạch cho phù hợp. Giá được điều chỉnh dựa trên cơ sở tổng mức đầu tư, tính giá đúng, tính đủ cho các đơn vị.
Hiện các đơn vị bán buôn đã được TP. Hà Nội phê duyệt tăng giá từ 14/9/2022. Điển hình, vào cuối năm 2022, Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống đã thông báo tới các đơn vị bán nước sạch về việc điều chỉnh giá. Lộ trình điều chỉnh giá bán buôn nước sạch tăng từ 5.059 đồng/m3 lên 8.326 đồng/m3 vào năm 2023 và tiếp tục tăng lên 9.100 đồng/m3 năm 2024.
Hiện giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt ở Hà Nội đang áp dụng theo Quyết định 38 ngày 19/9/2013 theo giá lũy tiến. Theo đó, với 10m3 đầu tiên giá bán 5.973 đồng/m3 và tối đa 15.929 đồng/m3 khi dùng trên 30m3 (áp dụng từ 1/10/2015). Một số đơn vị bán buôn nước sạch cho rằng, nếu tính đúng, đủ, giá bán lẻ phải là 7.700 đồng/m3. Với mức 5.973 đồng/m3 chưa bao gồm chi phí đầu tư, doanh nghiệp sẽ lỗ.
Do đó, nếu chỉ tăng giá bán buôn, không tăng giá bán lẻ thì các nhà bán lẻ sẽ bị lỗ vốn, đứng trước nguy cơ phá sản. Trong trường hợp cố gắng khắc phục để công ty không bị thua lỗ thì các đơn vị bán lẻ sẽ buộc phải pha trộn nước mặn với nước ngầm. Như vậy, người dân sẽ là người bị ảnh hưởng trực tiếp, phải sử dụng loại nước kém chất lượng, do đó để bảo đảm cho người dân sử dụng nước sạch, chất lượng cao thì cần phải đồng bộ về việc tăng giá nước. TP. Hà Nội đã tăng giá cho nhà bán buôn thì cũng cần phải tăng giá cho các nhà bán lẻ để cho phù hợp.
Cho ý kiến về vấn đề tăng giá nước sạch, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, với những tính toán của doanh nghiệp thì việc tăng giá nước sạch là cần thiết, tuy nhiên việc tăng giá cần được công khai, minh bạch các yếu tố đầu vào, cơ cấu tính giá và tác động của việc tăng giá nước sạch đến đời sống.
TS. Ngô Trí Long cho rằng, cần phải bảo đảm đủ chi phí cho các công ty nước sạch, không bị thua lỗ thì họ mới có thể tồn tại được, Tuy nhiên, việc tăng giá cần phải phù hợp để không gây lo ngại cho những người dân.
Bên cạnh đó, cũng cần thu hút đầu tư tư nhân để có thể mở rộng nguồn cung nước sạch, bảo đảm được quyền tiếp cận nước sạch cho người dân. Tuy nhiên, theo TS. Ngô Trí Long, để tư nhân có thể tham gia được thì chúng ta cần phải hoàn thiện các khuôn khổ, quy định cho thị trường.
Về vấn đề công khai, minh bạch khi tăng giá nước sạch, đại diện Sở Tài chính Hà Nội khẳng định, việc tăng giá nước sạch sẽ được công khai, minh bạch các yếu tố đầu vào, cơ cấu tính giá, điều kiện phát triển kinh tế, khu vực và thu nhập của người dân trong từng thời kỳ… tất cả phải bảo đảm có lợi và mục đích an sinh cho người dân
Hiện Sở Tài chính Hà Nội đang phối hợp cùng với Sở Xây dựng để xây dựng giá nước. Sở Tài chính là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Sở, cơ quan chức năng để xây dựng lộ trình tăng giá. Còn Sở Xây dựng tham gia xây dựng giá liên quan đến định mức. Khi được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt thì sẽ có văn bản cụ thể về kế hoạch, lộ trình tăng giá nước.
Dự kiến, 6 tháng đầu năm 2023 vẫn giữ nguyên giá nước hiện tại, có thể 6 tháng cuối năm 2023 sẽ tăng 1 bậc, 6 tháng tiếp theo năm 2024 sẽ tăng thêm 1 bậc nữa.
Hà Nội hiện có 6 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nguồn nước sạch chính bao gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội; Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà; Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông; Công ty Cổ phần Cấp nước Sơn Tây; Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống; Nhà máy nước Hà Nam.
Theo Bộ Xây dựng, đến năm 2022, Việt Nam có 750 nhà máy nước sạch ở khu vực đô thị và nông thôn đi vào hoạt động, với tổng công suất 11,2 triệu m3/ngày.
Quy hoạch các nhà máy nước được Bộ Xây dựng quy định tại Thông tư 01/2021/TT-BXD, phù hợp với quy hoạch của từng địa phương trong đó các công ty tư nhân được phép tham gia. Trong khi đó, hệ thống phân phối được quản lý bởi công ty cấp thoát nước và môi trường tỉnh.
Thùy Chi