‘Con đường di sản Nam Thăng Long’ - những điểm đến hấp dẫn du khách

18/04/2024 8:43 AM

(Chinhphu.vn) - Khu vực ngoại thành Hà Nội là nơi sở hữu nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là các loại hình du lịch làng nghề, du lịch tâm linh… trong đó có tuyến du lịch "Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long".

‘Con đường di sản Nam Thăng Long’ - những điểm đến hấp dẫn du khách- Ảnh 1.

Đoàn khảo sát tham quan, trải nghiệm tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức. Ảnh: Anh Tùng

Đây là tuyến du lịch nội đô chính thức đầu tiên được công bố trong kế hoạch phát triển hệ thống các tuyến du lịch kết nối Trung tâm Hà Nội với các địa phương ở ngoại thành Hà Nội và xa hơn là kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng.

Chương trình khảo sát, trải nghiệm tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức với chủ đề "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội – Điểm về nguồn cội" được thực hiện tại 03 điểm đến du lịch đại diện cho hành trình khám phá di sản Nam Thăng Long - Hà Nội.

‘Con đường di sản Nam Thăng Long’ - những điểm đến hấp dẫn du khách- Ảnh 2.

Du khách được nghe thuyết minh về Đình Nội Bình Đà. Ảnh: VGP/Minh Thúy

Đình Nội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) là điểm đến đầu tiên. Đây là nơi gắn với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ - Truyền thuyết về tổ tiên của người Việt Nam. Đây là nơi thờ Quốc tổ Lạc Long Quân đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1985 và được công nhận là Di sản lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1991.

‘Con đường di sản Nam Thăng Long’ - những điểm đến hấp dẫn du khách- Ảnh 3.

Bức phù điêu giá tượng - Bảo vật quốc gia. Ảnh: VGP/ Minh Thúy

Tại đình có bức phù điêu tạc hình Quốc tổ Lạc Long Quân đội mũ bình thiên, mặc áo hoàng bào cùng các lạc hầu, lạc tướng Lạc Việt dự hội đua thuyền trên dòng Đỗ Động Giang. Đây là bức phù điêu có giá trị nghệ thuật - tín ngưỡng cổ xưa độc đáo và được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia từ năm 2015.

Gắn liền với di tích đình Nội và Đình Ngoại Bình Đà (thờ Đức Linh Lang Đại vương thời nhà Lý) là lễ hội Bình Đà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đầu tiên của thành phố Hà Nội năm 2014. Lễ hội diễn ra từ ngày 26/2 (ngày giỗ Đức Linh Lang Đại vương) đến 6/3 (ngày giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân) theo lịch âm hằng năm.

‘Con đường di sản Nam Thăng Long’ - những điểm đến hấp dẫn du khách- Ảnh 4.

Du khách quốc tế chụp ảnh tại Quảng Phú Cầu. Ảnh: Nguyễn Linh

Một điểm đến không thể bỏ qua trên chuyến hành trình khám phá con đường di sản Nam Thăng Long chính là làng hương có tuổi đời hàng trăm năm tuổi - làng hương Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa. Làng nghề tăm hương nổi tiếng với điểm chụp ảnh bởi sự hấp dẫn về màu sắc và cách sắp đặt tăm hương; là điểm đến không chỉ để chụp ảnh mà du khách còn được khám phá nhiều nét đẹp khác về nghề và văn hóa ở địa phương này.

Điểm dừng chân cuối cùng của chuyến khảo sát tại Làng nghề dệt (Xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức), thường gọi theo sản phẩm độc đáo Làng tơ tằm - tơ sen Mỹ Đức. Là nghệ nhân ưu tú, bà Phạm Thị Thuận - người đã có 2 công trình sáng kiến quốc gia, nghiên cứu thành công việc dệt lụa từ tơ sen và bắt con tằm tự dệt vẫn luôn tâm huyết với nghề và luôn mong muốn lưu truyền, gìn giữ nghề truyền thống của Làng dệt Phùng Xá cho thế hệ mai sau.

‘Con đường di sản Nam Thăng Long’ - những điểm đến hấp dẫn du khách- Ảnh 5.

Một trong những công đoạn tạo ra sản phẩm dệt truyền thống Phùng Xá. Ảnh: VGP/ Minh Thúy

Bà Phạm Thị Thuận cho biết, từ các công đoạn trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt vải, trồng sen làm sợi tơ sen, dệt thêu tơ sen đã làm cho sản phẩm trở nên độc đáo, điểm đặc sắc là vải và thêu tơ sen, vải tơ tằm do con tằm tự dệt. Đặc biệt, nghệ nhân Phan Thị Thuận năm 2010 còn sáng chế ra cách để con tằm tự dệt tấm chăn. 

Tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long" đã cho chúng ta hiểu thêm về truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Hình ảnh tăm hương kết nối không chỉ trong tín ngưỡng, tâm linh mà còn trong đời sống tinh thần. Bên cạnh đó sự kết hợp giữa dệt lụa từ sen và con tằm tự dệt đã tạo nên những vẻ đẹp thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Trước xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa với hội nhập quốc tế hiện nay, ngành du lịch mỗi địa phương muốn phát triển cần phải tiếp thu ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường quan hệ hợp tác, kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Phát huy tính liên kết, hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch theo hướng bảo tồn và phát triển du lịch bền vững.

Minh Thúy

Top