Công nghệ sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông Thủ đô

03/01/2025 10:31 AM

(Chinhphu.vn) - Để giải quyết tình trạng ùn tắc một cách hiệu quả, bền vững cần phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp mang tính lâu dài, trong đó tập trung ưu tiên vào giải pháp cốt lõi là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông và quản lý nhu cầu giao thông.

Công nghệ sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông Thủ đô- Ảnh 1.

Ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: Internet

36 điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm

Ùn tắc giao thông tại Hà Nội đã trở thành vấn đề nan giải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và sự phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố. Sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cá nhân, cùng với hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, đã dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại nhiều tuyến đường trọng điểm.

Báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội thể hiện từ đầu năm 2024, Hà Nội xác định có 33 điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, đến hết tháng 11/2024 đã xử lý được 13 điểm, còn lại 20 điểm. Tuy nhiên Hà Nội dự kiến phát sinh thêm 16 điểm ùn tắc, nâng tổng số điểm ùn tắc trong giờ cao điểm của thủ đô lên 36.

Trong đó, có 8 điểm do rào chắn phục vụ thi công công trình; 28 điểm do chậm triển khai đầu tư dự án theo quy hoạch và quá tải kết cấu hạ tầng giao thông.

5 điểm ùn tắc gồm nút giao Cổ Linh - Đàm Quang Trung; khu vực đảo xuyến trên đường Cương Kiên; trên đường Trần Nhật Duật (cửa khẩu Chương Dương Độ); ngã tư Trần Phú - Thanh Bình - Phùng Hưng (cầu Trắng); ngã tư Phùng Hưng - Cầu Bươu - đường 19-5 (cầu Đen).

11 trục tuyến đường ùn tắc gồm trục Nguyễn Trãi - Trần Phú (quận Hà Đông, Thanh Xuân); trục đường Láng (đoạn từ ngã tư Sở đến Cầu Giấy); đường vành đai 3 trên cao, dưới thấp (đặc biệt là tại các lối lên, xuống); đường Tam Trinh; đường Lĩnh Nam; trục đường Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng; trục đường Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu.

Đường Hoàng Hoa Thám; đường Giải Phóng; đường đê Nguyễn Khoái (đoạn từ Trần Khát Chân đến cầu Vĩnh Tuy); Đường 70 (đoạn từ Phúc La đến cầu Tó); trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương; trục đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Đức Thuận (quốc lộ 5 cũ).

Sở Giao thông vận tải đánh giá tình trạng ùn tắc thời gian tới sẽ diễn biến hết sức phức tạp; nhiều tuyến đường, nút giao thông có mật độ xe lớn, nguy cơ ùn tắc giao thông nhất là vào giờ cao điểm.

Về nguyên nhân, Sở Giao thông vận tải cho rằng hiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa được đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch, mạng lưới các tuyến đường giao thông thuộc hệ thống hạ tầng khung vẫn chưa hình thành đồng bộ.

Ngoài ra mật độ dân cư lớn, tốc độ tăng dân số cơ học cao và tốc độ gia tăng xe cá nhân khoảng 4-5%/năm, cao gấp hơn 10 lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (khoảng 0,35%/năm).

Mạng lưới đường sắt đô thị vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và mới chỉ có 2 tuyến được đưa vào khai thác sử dụng; loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn (BRT) mới chỉ hình thành được 1/8 tuyến; chưa có tuyến xe điện 1 ray nào được đầu tư hình thành cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới ùn tắc.

Tỉ lệ vận tải hành khách công cộng ở thủ đô vẫn còn thấp, mới chỉ đạt được 19,5% và ý thức tham gia giao thông, chấp hành luật giao thông của người dân cũng là nguyên nhân dẫn tới ùn tắc giao thông tại thủ đô.

Giao thông thông minh sẽ giúp giảm ùn tắc

Công nghệ sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông Thủ đô- Ảnh 2.

Trung tâm điều hành giao thông thông minh TP. Hà Nội. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Nhằm ứng phó với ùn tắc, thời gian qua, các cơ quan chức năng của Thành phố đã nỗ lực thực hiện các giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Trong đó, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an Thành phố thành lập 5 tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp, như: Lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông nhằm điều tiết lưu lượng, điều chỉnh pha đèn phù hợp với lưu lượng phương tiện;

Đồng thời, rà soát các bất cập tại các nút giao có mật độ giao thông cao để điều chỉnh tổ chức giao thông; sắp xếp, bố trí lại các điểm dừng, đỗ xe buýt một cách hợp lý…

Thanh tra Sở Giao thông vận tải cũng đã huy động lực lượng bố trí chốt trực, hướng dẫn giao thông tại 143 vị trí…

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội khẳng định, các giải pháp nói trên mới chỉ là tạm thời. Để giải quyết tình trạng ùn tắc một cách hiệu quả, bền vững cần phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp mang tính lâu dài, trong đó tập trung ưu tiên vào giải pháp cốt lõi là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông và quản lý nhu cầu giao thông.

Mặt khác, với mức độ diện tích và dân số hiện nay cũng như tương lai, TP. Hà Nội thuộc nhóm "siêu đô thị". Hà Nội cần nhanh chóng trở thành thành phố thông minh, trong đó phát triển hệ thống giao thông thông minh là một trong các trụ cột chính.

Bởi lẽ đó, vào tháng cuối cùng của năm 2024, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 6369/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn TP. Hà Nội", trong đó có việc hình thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông chung của Thành phố vào năm 2025; xác định được khung kiến trúc chung cho hệ thống giao thông thông minh, các chức năng chính cơ bản của hệ thống giao thông thông minh, chiến lược, nhiệm vụ và lộ trình phát triển hệ thống; định hướng các cơ chế chính sách trong quản lý, đầu tư, khai thác, vận hành hệ thống; phân công trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện.

Đề án cũng đưa ra mục tiêu của từng giai đoạn: Giai đoạn 1 (2025-2027) là hình thành Trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp vào năm 2025 với 9 chức năng gồm giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông (ứng dụng Hanoi Maps); điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý đỗ xe; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.

Với mục tiêu này, đề án dự kiến lắp đặt thiết bị giao thông thông minh ngoại vi tại 55 nút và vị trí trên các tuyến vành đai 1,2,3 và các trục xuyên tâm bên trong vành đai 3.

Tiếp đó, giai đoạn 2 từ năm 2028 đến 2030 sẽ thực hiện bổ sung thêm 3 chức năng của trung tâm là quản lý vận tải; quản lý nhu cầu; mô phỏng giao thông. Giai đoạn 3 từ sau năm 2030, ở giai đoạn này, trung tâm sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp và mở rộng thêm 12 chức năng quản lý.

Hoạt động triển khai hệ thống ITS được TP. Hà Nội kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội như tăng cường an toàn giao thông, tiện nghi cho người tham gia giao thông, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng giao thông, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô.

Diệu Anh

Top