Công viên - rừng: Mô hình tự quản ‘thêm xanh’ cho Thủ đô Hà Nội

16/02/2024 3:39 PM

(Chinhphu.vn) - Trong điều kiện ngân sách hạn chế, mô hình công viên - rừng từ bàn tay cộng đồng chính là hướng đi phù hợp, góp thêm không gian xanh cho Thủ đô Hà Nội.

Công viên - rừng ở phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) rộng tới 9.000 m2 nằm bên sông Hồng trên địa bàn phường Chương Dương. Là một công viên "khác lạ", bởi nếu những công trình công cộng thường một thời gian sau khánh thành sẽ xuống cấp, xập xệ thì ở công viên - rừng này, mỗi lần đến, lại một lần thấy công viên đẹp hơn. Đường dạo gọn gàng, cây trồng bổ sung xanh tươi hơn. Khác lạ là bởi nhà nước không mất tiền đầu tư.

Công viên - rừng: Mô hình tự quản ‘thêm xanh’ cho Thủ đô Hà Nội- Ảnh 1.

Công viên - rừng góp phần thêm xanh cho Thủ đô Hà Nội. Ảnh minh họa

Đặc biệt, công viên này được hình thành từ bàn tay của cộng đồng. Do đó, không mất tiền cho doanh nghiệp nào đó để thực hiện công tác duy tu. Nguồn lực chính là từ bàn tay của cộng đồng. Trước đây công viên này vốn là bãi rác kinh niên, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, người dân cải tạo, trồng mới những loài cây, hoa khác. Kết quả là công viên có sự đa dạng sinh cảnh. Khu vực bờ vở sông Hồng - theo cách gọi của người dân nơi đây trước là một bãi rác thải khổng lồ tồn tại nhiều năm. Vậy mà bây giờ lại có một không gian xanh, sạch rộng đến gần 1 ha, với nhiều phân khu sinh động, hữu ích cho cộng đồng.

Công viên - rừng được khởi đầu bởi ý tưởng của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống - tập hợp của một nhóm kiến trúc sư, nhà hoạt động xã hội hướng đến xây dựng một Hà Nội tốt đẹp hơn.

Giai đoạn 1 của dự án đưa vào hoạt động từ năm 2021, với một khu "vườn rừng" và một sân chơi rộng khoảng 3.000 m2. Giai đoạn 2 triển khai từ tháng 7/2022, bàn giao đầu năm 2023, đưa tổng diện tích khu vực lên đến 9.000 m2, với ba phân khu: Khu vườn rừng trồng các loại rau, các loại thuốc nam của phụ nữ; khu "vườn giác quan" trồng các loại cây, loại hoa để mọi người khám phá; khu tập luyện thể dục, thể thao và vui chơi.

Cuối năm 2023, người dân lại chung tay làm một con đường bê tông dài hơn 200 m dọc theo công viên, giúp không gian này lại càng thêm hấp dẫn hơn.

Anh Lê Quang Bình, điều phối viên của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống chính là kiến trúc sư chính của công viên. Tình cờ với đam mê thể thao thích đạp xe đạp, những chuyến đạp xe len lỏi khắp Hà Nội giúp anh nhận ra, nhiều khu vực ở ngoài đê sông Hồng, cộng đồng dân cư bị thiệt thòi do thiếu không gian công cộng. Nhưng đây lại là khu vực có tiềm năng kiến tạo những không gian xanh do có đất công cộng ven sông.

Từ ý tưởng trở thành hiện thực là khoảng thời gian dài. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các chuyên gia của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống và một số tổ chức xã hội khác đã tiếp cận người dân, kiên trì giải thích cho mọi người hiểu rõ ý định, hiểu rõ tác dụng của công viên.

Anh Lê Quang Bình cho biết, với quyết tâm góp phần thêm xanh cho Thủ đô Hà Nội, anh và các bạn đã kêu gọi các đại sứ quán, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm đóng góp để xây dựng công viên để cộng đồng có thể sử dụng.

Do đó, cộng đồng có vai trò quyết định. Cũng không tránh được những ánh mắt nghi ngại ban đầu từ những người dân địa phương khi bỗng dưng có những "người ở đâu" (các tình nguyện viên) đến dọn rác rồi xây dựng công viên. Nhưng mỗi ngày thấy không gian đẹp hơn, thấy nỗ lực thực sự của các tình nguyện viên và lợi ích thiết thực của công viên thì mọi người đều chung tay kiến tạo và gìn giữ".

Còn nhớ ngày đầu ra quân cách đây mấy năm, có đến 200 tấn rác được bốc dỡ đi. Chỉ có hai từ để mô tả về điều đó: Khủng khiếp! Thế rồi, cứ mỗi lúc một chút, công viên hiện diện hình hài. Đơn vị lập quy hoạch là doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds.

Anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, Giám đốc Think Playgrounds chia sẻ, Công viên - rừng là khái niệm còn mới ở Việt Nam, nhưng trên thế giới đã phổ biến với nhiều mô hình. Trong đó, có mô hình dựa trên những tàn tích còn sót lại của vùng hoang dã hoặc bán hoang dã. Bờ vở sông Hồng rất phù hợp mô hình này, ở đây có những cây cối mọc hoang kết hợp với cây ăn quả người dân trồng.

Anh Đạt cho biết thêm, trước khi thực hiện, nhóm tình nguyện viên đã khảo sát các loài thực vật, lên danh mục cây nào nên giữ lại, cây nào nên trồng thêm. Ngoài trồng thêm cây bóng mát, thì nhóm giữ lại, và bổ sung các cây bò dưới mặt đất như tàu bay, rau muối, rau dền, tầm bóp, cam thảo... Cây bụi thì giữ lại những cây chim thích ăn như cây phèn đen, phèn trắng, ráy... vừa tạo hệ sinh thái đa dạng cho các loài sinh vật, vừa tạo màu xanh cho môi trường sống của con người".

Sông Hồng sẽ là trục trung tâm của thành phố. Sẽ có những tòa nhà, khu vui chơi mọc lên, nhưng cũng sẽ có thêm nhiều mảng xanh trong không gian sống. Trong điều kiện ngân sách hạn chế, mô hình công viên - rừng từ bàn tay cộng đồng là hướng đi phù hợp.

Điều phối viên Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống Lê Quang Bình chia sẻ, Thủ đô Hà Nội rất đẹp, chúng ta cần gìn giữ và hướng đến một Hà Nội xanh, sạch, đep. Anh Bình khẳng định, những không gian hoang vu, tồi tàn, hoàn toàn có thể cải tạo thành những không gian hữu ích với chi phí thấp nhất thông qua tập hợp cộng đồng. Dự kiến, TP. Hà Nội sẽ cải tạo hai bên bờ sông, do đó mô hình này là một đóng góp thiết thực để giảm thiểu chi phí ngân sách, còn người dân sẽ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cải tạo, bảo vệ cảnh quan, môi trường.

Cách công viên - rừng Chương Dương chừng 1km, công viên - rừng Phúc Tân cũng đã đi vào hoạt động với mô hình tương tự, dù diện tích nhỏ hơn. Đơn vị tích cực tham gia kiến tạo công viên này cũng chính là Think Playgrounds. Dự kiến, công viên này sẽ mở rộng thêm 6.000 m2 trong thời gian tới.

Thùy Chi

Top