Đã có 36/41 bệnh viện công của Hà Nội bảo đảm chi thường xuyên

07/07/2023 1:28 PM

(Chinhphu.vn) - Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết năm 2022, số đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên trực thuộc Sở Y tế là 36/41 bệnh viện, đạt 88% và là các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa. Ngành y tế Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 nâng mức tự chủ thường xuyên của 37 đơn vị thuộc khối y tế dự phòng và trung tâm chuyên khoa và bệnh viện khám chữa bệnh cho đối tượng đặc thù.

Đã có 36/41 bệnh viện của Hà Nội bảo đảm chi thường xuyên - Ảnh 1.

Chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao ở hầu hết các bệnh viện ở Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

Các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên là các đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở, trung tâm chuyên khoa, bệnh viện đặc thù như Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Hàng năm, Sở Y tế đều xây dựng kế hoạch và có giải pháp phấn đấu nâng mức tự chủ của các đơn vị này đạt 30-70%. Một số đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên là các bệnh viện điều trị tâm thần, HIV/AIDS.

Ngành y tế Hà Nội cũng đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 nâng mức tự chủ chi thường xuyên của 37 đơn vị bao gồm 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; 06 trung tâm chuyên khoa là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, Trung tâm Cấp cứu 115, Trung tâm giám định y khoa, Trung tâm Pháp y, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; Trung tâm tư vấn dân số Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Bệnh viện Phục hồi chức năng – đơn vị khám chữa bệnh cho các đối tượng đặc thù.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, quyết tâm nâng mức tự chủ của 37 đơn vị, ngành y tế Thành phố cũng nhìn thấy rõ khó khăn do nguồn thu thấp. Đó là giá thanh toán cho một lần khám bệnh, giá trị thanh toán trung bình đối với đơn thuốc tại tuyến y tế cơ sở thấp nhất trong các tuyến. Đối với thuốc điều trị, tuyến y tế cơ sở khó thu hút người mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp… do không thể cung ứng được thuốc tương tự như tuyến quận, huyện và tuyến thành phố vì thường kèm theo giá thành cao hơn. Tâm lý người bệnh thường có mong muốn chuyển lên tuyến trên để được hưởng các dịch vụ y tế, thuốc chất lượng hơn.

Về nguồn thu khám chữa bệnh thì theo Sở Y tế, BHYT vẫn là nguồn thu chủ yếu. Không phải cơ sở y tế nào cũng có cơ sở vật chất hiện đại, nhân lực chất lượng cao, vị trí thuận lợi để có thể thực hiện được dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, xã hội hóa, nhất là các bệnh viện tuyến huyện. Trong khi đó, trên địa bàn thành phố tập trung nhiều cơ sở y tế của Bộ Y tế, các bộ ngành khác và cả cơ sở y tế tư nhân nên có sự cạnh tranh lớn trong việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh và nguồn nhân lực.

Đối với các cơ sở y tế dự phòng, đơn vị y tế cơ sở nguồn thu rất hạn chế do nhiệm vụ chủ yếu là phòng chống dịch bệnh, công tác dân số, vệ sinh an toàn thực phẩm và khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách xã hội.

Mặc dù nhìn rõ những khó khăn nhưng ngành y tế vẫn quyết tâm để thực hiện kế hoạch tự chủ. Trước hết là lãnh đạo phải thay đổi nhận thức và có hành động cụ thể để thực hiện tự chủ tại đơn vị. Đó là xây dựng chiến lược, kế hoạch để triển khai cụ thể, đồng thời tạo lập mô hình quản lý chuyên môn, quản trị tài chính, tài sản, hạch toán kế toán đảm bảo được tính đồng nhất… Sở Y tế yêu cầu các trung tâm y tế đa chức năng có giải pháp cụ thể để tự bảo đảm chi thường xuyên của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Tại từng đơn vị cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ công theo hướng chuyên sâu, chất lượng cao; nâng cao chất lượng quản trị tài chính, tài sản công của đơn vị; sắp xếp, kiện toàn lại bảo đảm bộ máy tinh gọn, có cơ cấu hợp lý; ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, tăng nguồn thu và tiết kiệm chi, nâng mức tự chủ của đơn vị.

Sở Y tế cũng báo cáo cấp có thẩm quyền hoàn thiện quy định pháp lý liên quan đến cơ chế thanh toán bảo hiểm; cơ chế, chính sách về xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ chế về giá dịch vụ sự nghiệp công. Cùng với đó là nghiên cứu, rà soát, cập nhật các chế độ chính sách mới ban hành theo ngành, lĩnh vực để đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, tạo điều kiện để nâng mức tự chủ tài chính thành công; nghiên cứu, xây dựng đầy đủ cơ sở dữ liệu quản lý ngành, lĩnh vực về dịch vụ sự nghiệp công trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tiến tới chuyển đổi số để giảm chi phí vận hành, tăng nguồn thu cho đơn vị.

Vĩnh Hoàng

Top