Đạt chuẩn sản phẩm OCOP từ sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao
(Chinhphu.vn) - Với nỗ lực để thực hiện giấc mơ làm chủ một nền nông nghiệp hiện đại, theo hướng nông nghiệp hữu cơ, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, đạt chuẩn OCOP và mang lại thu nhập cao. Hàng năm Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý đã sản xuất, cung cấp ra thị trường 2-3 tấn rau củ quả sạch, cho thu nhập hàng tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Chị Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) cho biết, để đạt được giấc mơ của mình chị đã vượt qua rất nhiều khó khăn. Lập gia đình khi kinh tế khó khăn, năm 2000 chị đành phải đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan để có nguồn thu nhập. Tại đây, chị vào làm việc tại các trang trại trồng rau sạch công nghệ cao và choáng ngợp với thu nhập khủng của ông chủ.
Sau 8 năm đi xuất khẩu, chị trở về quê hương, trao đổi với chồng về công nghệ hiện đại và thu nhập cao từ việc trồng rau ở Đài Loan. Lúc đó chồng chị không tin và cho rằng "Từ thời thượng cổ đến giờ chưa ai làm nông mà giàu lên được". Nhưng với quyết tâm làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình, năm 2008, chị Cuối cùng chồng sang Đài Loan để xem nước bạn làm nông như thế nào.
Sang đó, vốn ham học hỏi, vợ chồng chị rất hay trò chuyện với các chủ trang trại về nông nghiệp. Dần dần niềm đam mê làm nông nghiệp sạch cũng ngấm vào chồng chị lúc nào không hay.
"Chúng tôi nhận thấy rõ hiệu quả rất lớn của sản xuất rau hữu cơ ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Họ chỉ có hơn 1ha đất vườn, nhưng áp dụng tiến bộ khoa học và đầu tư công nghệ cao vào trồng rau theo quy trình khép kín. Nó khác xa so với những gì tôi vẫn nghĩ về cây rau. Nước tưới rau phải đưa qua máy lọc. Trước mỗi mùa vụ đất đai được "khò" qua lửa để diệt sạch mầm bệnh. Phân gà được ủ trên 6 tháng cho chết hết ký sinh trùng rồi mới đem bón", chị Cuối chia sẻ.

Sản xuất rau hữu cơ trong nhà màng tại Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Năm 2017 sau khi về nước, với niềm đam mê, kinh nghiệm và thực tế tại địa phương, hưởng ứng phong trào thi đua phát triển kinh tế do Hội LHPN các cấp phát động, vợ chồng chị Cuối được vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện với số vốn là 100 triệu đồng.
"Chúng tôi thống nhất và tập trung tìm mọi cách để tổ chức sản xuất với diện tích đất quỹ của gia đình và thuê thêm một số diện tích nhỏ của mọi người xung quanh để triển khai sản xuất", chị Cuối cho biết.
Sau thời gian được sự ủng hộ động viên và hướng dẫn của Hội LHPN các cấp, Hợp tác xã Đan Phượng tiến hành thực hiện dự án sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao, với mục tiêu sản xuất rau trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên: Không sử dụng phân bón hóa học, không phun thuốc Bảo vệ thực vật hóa học, không phun thuốc kích thích sinh trưởng, không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng hạt giống rau biến đổi gen; đất trồng và nguồn nước tưới đảm bảo nghiêm ngặt; ứng dụng công nghệ nhà màng lưới, hệ thống tưới phun và tưới giỏ giọt" hàm lượng công nghệ, hữu cơ thể hiện giá trị năng suất, sản lượng; chất lượng sản phẩm rau làm ra an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thị trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Ngoài thuê đất, gia đình chị Cuối còn đầu tư khoảng 4.000 m nhà màng, nhà sơ chế, đường giao thông nội đồng…
"Để có được rau sạch từ nhà màng tuân theo nhiều quy trình phải chăm sóc sao cho cây có sức đề kháng tốt nhất chống sâu bệnh đó là nước sạch, không khí sạch, đất trồng cũng sạch. Trước khi trồng gia đình tôi kỳ công đem bình gas cùng vòi phun lửa ra khò qua đất một lượt để diệt mầm bệnh, bỏ phân, trộn đều rồi khò thêm một lượt nữa rồi mới trộn với phân gà ủ hoai mục để trồng rau. Nước được lọc thật sạch rồi mới bơm vào hệ thống tưới.", chị Cuối cho biết.
Thời gian đầu, do giá thành rau cao và nhận thức của người dân về rau hữu cơ còn hạn chế nên gia đình chị rất vất vả trong việc tiếp thị, đưa rau chào hàng đến các nhà hàng trong và ngoài huyện. Tuy nhiên sau một thời gian cung cấp, với chất lượng rau đảm bảo nên rau trồng đến đâu, bán hết đết đó và không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Trước tình hình đó, vợ chồng chị đã thống nhất và vận động 103 hộ dân xung quanh, đặc biệt là các hộ có hội viên phụ nữ cho thuê 5 ha để mở rộng diện tích trồng rau, với số tiền thuê đất trả hàng năm là 115 triệu đồng và số vốn đầu tư mở rộng diện tích trồng rau hữu cơ lên đến trên 4,3 tỷ đồng.
"Đất không phụ công người", được sự hỗ trợ giúp đỡ của Hội LHPN xã và Hội LHPN huyện Đan Phượng, hưởng ứng phong trào tham gia xây dựng nông thôn mới để góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, năm 2018 chị Cuối đã vận động một số người dân tại địa phương và mạnh dạn thành lập Hợp tác xã rau công nghệ cao Cuối Quý, do bản thân chị làm Giám đốc, với 9 thành viên.
Trong đó tập trung vào các công việc như: Lắp ghép hơn 4.400m2 nhà lưới, 50m2 kho lạnh để bảo quản rau, củ, quả; lắp đặt hệ thống nưới tưới; cải tạo toàn bộ diện tích sản xuất, thường xuyên xử lý giá thể đất để đảm bảo chất lượng của sản phẩm.
Đặc biệt đã đưa vào áp dụng thí điểm và đang thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sử dụng mã Qrcode, thực hiện nghiêm túc việc báo cáo tài chính, nộp thuế đầy đủ theo quy định; tích cực tham gia các chương trình, hội chợ hàng nông sản chất lượng cao do huyện và thành phố tổ chức. Bản thân chị Cuối luôn có ý thức nhắc nhở, tuyên truyền, vận động thành viên Hợp tác xã và hội viên thực hiện tốt các tiêu chí của mô hình "Sạch đồng ruộng" do các cấp Hội phụ nữ phát động để góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.
Qua hơn 5 năm thành lập đi vào hoạt động và trên nền sản xuất rau, củ quả an toàn, Hợp tác xã rau Quý Cuối đã cung cấp các sản phẩm rau, củ, quả hữu cơ thường xuyên từ 2 - 3 tấn cho các bếp ăn, trường học, khu công nghiệp, các nhà hàng trong và ngoài huyện. Đặc biệt là nơi cung cấp rau thường xuyên cho chuỗi kinh doanh thực phẩm sạch do Thành phố Hà Nội quản lý với thương hiệu Bác Tôm.
Doanh thu hằng năm đạt hơn 1 tỷ đồng, số lao động thường xuyên là 12 lao động (đã có 9 lao động là con em hội viên phụ nữ) có thu nhập ổn định từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng và lao động thời vụ thuê thêm từ 5 người trở lên với mức 200.000 đồng/người/ngày. Năm 2018 mô hình của gia đình chị Cuối được xếp là 1 trong 125 mô hình tiêu biểu trên toàn quốc do Bộ NN&PTNT bình chọn.
Với thời đại 4.0 như hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook để quảng bá sản phẩm là cách làm mới trong kinh doanh, tìm đầu ra cho sản phẩm một cách hiệu quả. Khoảng một năm gần đây Hợp tác xã Cuối Quý đã quảng cáo các sản phẩm của mình thông qua mạng xã hội thông dụng hiện nay và sự giới thiệu, quảng bá của Hội LHPN xã, huyện.
Nhờ vậy, khách hàng có thể nắm được các sản phẩm hiện có tại Hợp tác xã, việc làm này bước đầu đã đạt được những kết quả rất tốt. Từ thực tế trên có thể thấy, việc chủ động tìm đầu ra cho sản phẩn thông qua các mạng xã hội là cách làm mới và là hướng đi đúng đắn trong kinh doanh hiện nay.
Nhận thấy rõ ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện chương trình OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), chị Cuối đã mạnh dạn đăng ký chương trình OCOP với sản phẩm rau hữu cơ. Bởi theo chị, rau hữu cơ là sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao. Tuy nhiên, trước đây Hợp tác xã mới chỉ ở quy mô nhỏ, lượng tiêu thụ ít, chủ yếu là bán lẻ cho người dân và một số cửa hàng trên địa bàn huyện. Sau khi được cán bộ Phòng Kinh tế huyện hướng dẫn, định hướng tham gia chương trình OCOP, chị Cuối thấy đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường nên đã đăng ký. Hiện nay, Hợp tác xã đã trồng 5 ha rau hữu cơ và có 17 sản phẩm rau hữu cơ được công nhận OCOP đạt chất lượng 3 sao cấp Thành phố.
Thiện Tâm
Chương trình có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội./.