Đầu tư các khu, cụm công nghiệp: Tạo sức ‘hút’ vốn FDI
(Chinhphu.vn) - Việc đầu tư các khu, cụm công nghiệp đã thu hút nhiều doanh nghiệp FDI lớn của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và các doanh nghiệp trong nước vào đầu tư tại Hà Nội; góp phần tăng tỷ trọng cao về thu hút FDI của Hà Nội với cả nước cũng như đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương và Thành phố.
Thu hút được 709 dự án đầu tư
Quyền Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348ha, vốn đầu tư hạ tầng trong khu công nghiệp 139 triệu USD và trên 6.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt gần 100%. Năm 2023, các KCN đã thu hút được 10 dự án mới; 20 dự án mở rộng.
Lũy kế đến nay, các khu công nghiệp đã thu hút được 709 dự án, trong đó có 300 dự án đầu tư nước ngoài vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD; 409 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 26.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hà Nội có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động phân bố tại 17 quận, huyện, thị xã, thu hút khoảng 3.864 chủ đầu tư doanh nghiệp thứ phát, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 60.000 lao động, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm. Hiện, đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 44 cụm công nghiệp và tổ chức thẩm định thành lập 25 cụm công nghiệp với diện tích 288ha.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, việc hình thành các cụm công nghiệp đã giúp di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư của hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề; qua đó hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, hạn chế việc sản xuất phân tán không theo quy hoạch; giải quyết được mặt bằng cho các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh, khuyến khích thu hút các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố.
Đặc biệt, việc đầu tư các khu, cụm công nghiệp đã thu hút nhiều doanh nghiệp FDI lớn của 27 quốc gia, vùng lãnh thổ và các doanh nghiệp trong nước vào đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp góp phần tăng tỷ trọng cao về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hà Nội với cả nước và đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương và Thành phố, nâng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo lên 24% trong ngành công nghiệp tại các khu công nghiệp… đóng góp vào chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7-7,5% trong giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, đầu tư, phát triển và hoạt động của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố có phát sinh các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách phát triển công nghiệp và phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; trong lĩnh vực đất đai; về giải phóng mặt bằng; về cấp phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận ký quỹ; điều chỉnh tiến độ dự án nhiều lần, khó khăn về vốn; thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao...
Đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp
Để phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới, UBND Thành phố định hướng phát triển các khu, cụm công nghiệp đến năm 2030. Theo đó, bổ sung 9 khu công nghiệp với diện tích 2.911 ha triển khai trong giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo phương án phát triển cụm công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã gửi xin ý kiến Bộ Công Thương, giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội dự kiến có 174 cụm công nghiệp, tổng diện tích 5.824 ha.
Thời gian tới, thành phố Hà Nội cũng đẩy nhanh tiến độ trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; tiếp tục đôn đốc chỉ đạo khởi công các cụm công nghiệp còn lại trên địa bàn hoàn thành trong năm 2024, chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng đưa các cụm công nghiệp mới vào hoạt động; cây dựng Đề án chuyển đổi công tác quản lý, kinh doanh, khai thác hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện sang doanh nghiệp...
Đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, đại diện Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 để Thành phố triển khai thành lập/mở rộng các cụm công nghiệp trên địa bàn.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phù hợp với nội dung báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp đã được phê duyệt không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 32/2024/NĐ-CP và hướng dẫn thực hiện khi Nghị định có hiệu lực.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các quy định mới liên quan đến đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Luật Đất đai năm 2024; Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể điều kiện để được cấp Giấy phép xây dựng tại các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố bảo đảm tính thống nhất.
Có thể thấy, việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố là hướng đi đúng để thành phố Hà Nội đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp trên địa bàn, tạo mặt bằng sạch thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước (FDI) thu hút đầu tư theo hướng sản xuất sạch, không phát thải trong hài hòa với quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô, phát triển đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn theo tinh thần Nghị quyết số 15 - NQ/TW của Bộ Chính trị.
Diệu Anh