Đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hoá: 3 trọng tâm để bứt phá của Hà Nội

24/04/2022 10:54 AM

(Chinhphu.vn) - Định hướng mới của Thành ủy Hà Nội về trọng tâm đầu tư cho 3 lĩnh vực: Giáo dục, y tế và văn hóa nhằm tạo bứt phá trong giai đoạn 2021-2025 đang được Thành phố đẩy mạnh triển khai để tạo nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

(Bài cuối tuần) Đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hoá: 3 trọng tâm để bứt phá của Hà Nội - Ảnh 1.

Hà Nội ưu tiên đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa giai đoạn 2021-2025 - Ảnh: VGP/Gia Huy

Đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa: Tạo động lực mới cho phát triển

Giai đoạn 2021-2025, chủ trương mới của Thành uỷ Hà Nội đang được Thành phố ưu tiên nguồn lực triển khai, đó là đẩy mạnh đầu tư cho 3 lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hoá và được thực hiện thông qua: "Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo".

Để kế hoạch có tính khả thi cao, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu UBND Thành phố giao trách nhiệm tới đơn vị chủ trì, thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể gắn với thời hạn hoàn thành. Tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, các dự án đầu tư. Đồng thời, phải quản lý trước, trong và sau đầu tư 3 lĩnh vực, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân để đưa các dự án vào sử dụng.

Phiên họp chuyên đề HĐND TP. Hà Nội trong tháng 4/2022 cũng đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 để đầu tư cho 3 lĩnh vực này.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn, kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 nhằm khơi dậy mọi tiềm năng, khơi thông mọi nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển Thủ đô với mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa, đồng đều.

Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị chủ trì xây dựng, theo dõi, tổng hợp, tham mưu điều hành kế hoạch. Các quận, huyện, thị xã, sở chuyên ngành chịu trách nhiệm toàn diện trước Thành phố về sự cấp thiết, cần thiết phải đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, lộ trình và dự kiến tổng mức đầu tư của từng dựng án.

Để lập kế hoạch đầu tư cho 3 lĩnh vực, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo rà soát trên 2.200 trường công lập hiện có, 82 bệnh viện, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích cấp quốc gia, trên 1.400 di tích cấp thành phố và trên 3.200 di tích chưa được xếp hạng.

Trên cơ sở nguyên tắc cân đối nguồn sách các cấp, nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn danh mục dự án các cấp, định mức ngân sách cấp Thành phố xác định tổng nhu cầu 3 lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hoá là trên 97.400 tỷ đồng với 3.385 dự án. Trong đó, dự án cấp Thành phố là 236 dự án, dự án cấp huyện là trên 3.400 dự án.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, số vốn cần bổ sung để thực hiện kế hoạch 3 lĩnh vực trong giai đoạn 2021-2025 là trên 20.400 tỷ đồng.

Số vốn bổ sung này đã được HĐND TP. Hà Nội thông qua tại phiên họp chuyên đề tháng 4/2022. Nhận định của Ban Ngân sách (HĐND TP. Hà Nội) cho thấy, việc tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích là rất quan trọng, tạo điều kiện để phát triển giáo dục, y tế, gìn giữ và phát triển văn hóa trên địa bàn Hà Nội.

Căn cứ năng lực triển khai, Thành phố sẽ tiếp tục xem xét giao cho UBND các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư, đồng thời với việc giao chủ trì phê duyệt các dự án về giáo dục, di tích và một số dự án y tế bệnh viên đa khoa tuyến huyện. Cấp huyện sẽ chủ động thực hiện toàn bộ dự án theo phân cấp với 1.562 dự án do cấp huyện cân đối vốn 100% để thực hiện.

Cần thứ tự ưu tiên, đẩy mạnh phân cấp gắn với "phân quyền, phân tiền"

Với số lượng công trình hiện có cần nâng cấp, tôn tạo và xây dựng mới nhằm đạt được các chỉ tiêu đề ra là rất lớn. HĐND TP. Hà Nội đánh giá kế hoạch này có nhiệm vụ triển khai trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức về nguồn lực cũng như công tác tổ chức thực hiện. Vì vậy, UBND Thành phố đã đề xuất sắp xếp thứ tự ưu tiên và phân kỳ đầu tư cho các dự án của giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Tại kỳ họp vừa qua, đại biểu HĐND TP. Hà Nội đánh giá cao UBND Thành phố đã chủ động, tích cực rà soát nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và tu bổ, tôn tạo di tích cũng như việc xây dựng các nguyên tắc về cân đối nguồn vốn ngân sách các cấp.

Để kế hoạch triển khai hiệu quả, trong thời gian tiếp theo, UBND TP. Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát số liệu, nhu cầu vốn đầu tư của 3 lĩnh vực, ưu tiên tập trung đầu tư các công trình trường học, y tế của các địa bàn phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và 5 huyện phấn đấu lên quận; đầu tư xây dựng các công trình bệnh viện.

Việc đầu tư mới, nâng cấp công trình trường học, y tế cần thực hiện đồng bộ, gắn với quy hoạch và định hướng phát triển của các lĩnh vực này trong tình hình mới gắn với định hướng yêu cầu chuyển đổi số, bảo đảm hiệu quả, sử dụng tối đa các hạng mục, công năng của công trình sau đầu tư. Việc tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp các công trình di tích là cần thiết, tuy nhiên, phương án tu bổ phải được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng đối với từng công trình, không thực hiện đại trà; bảo đảm nguyên tắc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của công trình.

Để kế hoạch đầu tư cho 3 lĩnh vực khả thi, UBND Thành phố trong quá trình triển khai sẽ rõ khả năng cân đối của ngân sách các cấp để đáp ứng nhu cầu vốn của kế hoạch. Đặc biệt chú ý đến khả năng tăng thu của ngân sách các huyện xa trung tâm, còn khó khăn khi phải bố trí vốn tự cân đối từ ngân sách cấp huyện.

UBND Thành phố cũng rà soát, có báo cáo cụ thể về khả năng thực hiện, thứ tự ưu tiên đầu tư cho 3 lĩnh vực này trong giai đoạn 2021-2025 (số dự án, số vốn đầu tư, cấp ngân sách đầu tư); đồng thời làm rõ khả năng hấp thụ vốn, lộ trình thực hiện trong những năm tiếp theo là đến thời gian cụ thể nào; đặc biệt tránh nợ xây dựng cơ bản.

Một trong những ý kiến các đại biểu HĐND TP. Hà Nội đóng góp với UBND Thành phố để kế hoạch triển khai hiệu quả là cần đẩy mạnh phân cấp gắn với "phân quyền, phân tiền" để bảo đảm khả năng thực hiện của các cấp chính quyền trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư. Chỉ đạo các địa phương cam kết bố trí nguồn lực, triển khai dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng khi được Thành phố hỗ trợ đầu tư hoặc tự cân đối nguồn vốn để đầu tư.

Trong phiên họp Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội tháng 4/2022, các sở và UBND quận, huyện, thị xã đã cơ bản khẳng định có đủ khả năng cân đối nguồn vốn để thực hiện kế hoạch; các sở và các quận, huyện, thị xã cũng đã cam kết đủ năng lực triển khai, phấn đấu thực hiện các dự án được giao kế hoạch vốn trong giai đoạn 2021-2025 đúng tiến độ.

Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường căn cứ chức năng, nhiệm vụ sẽ chủ động rà soát, hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án cụ thể và các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực phụ trách. Các quận, huyện, thị xã sẽ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện kế hoạch đầu tư của 3 lĩnh vực nêu trên.

Thành phố sẽ thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai lập kế hoạch chi tiết đầu tư của 3 lĩnh vực trọng tâm giai đoạn 2021-2025 về: Giáo dục, y tế, văn hoá để bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ thời gian triển khai.

Hà Nội sẽ tập trung ưu tiên, bố trí đủ nguồn lực đầu tư từ ngân sách Thành phố để thực hiện kế hoạch theo tiến độ thực hiện các dự án. Rà soát, đánh giá xác định các ưu tiên trong quá trình phân bổ vốn cho các dự án cụ thể, gắn với quá trình lập, thẩm định, phê duyệt từng dự án, bảo đảm phù hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Trong quá trình triển khai, nếu có nguồn vốn bổ sung, Thành phố sẽ ưu tiên hỗ trợ bổ sung cho các huyện, thị xã sớm hoàn thành, đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Gia Huy


Top