Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành

18/01/2023 5:27 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện Hà Nội đang đẩy mạnh liên kết với các địa phương trên cả nước để tạo thuận lợi cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gia tăng tiêu thụ nông sản. Đồng thời hỗ trợ các hợp tác xã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp phân phối nông sản vào các kênh tiêu thụ hiện đại.

Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành - Ảnh 1.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội thăm gian hàng trưng bày sản phẩm của các tỉnh, thành tại một sự kiện của ngành nông nghiệp. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, tính đến nay Hà Nội đã kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản với hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước; thường xuyên tổ chức hội chợ, tuần lễ, hội nghị kết nối, trưng bày giới thiệu sản phẩm để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu kết nối hàng hóa vào các kênh phân phối hiện đại. 

Bước vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân về thịt lợn hơi khoảng 19.300 tấn/tháng, thịt gia cầm 6.400 tấn/tháng; rau củ khoảng 107.500 tấn/tháng... trong khi Hà Nội chỉ chủ động được 30%-60% tùy từng loại sản phẩm.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, Hà Nội đã đẩy mạnh liên kết vùng để cung cấp nông sản về Thủ đô. Năm 2022, các tỉnh, thành phố đã cung cấp cho Hà Nội 162.500 tấn rau; 53.557 tấn cây ăn quả; 60.429 tấn thịt; 7.597 tấn thủy sản; 19.500 tấn thực phẩm chế biến…

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian qua thành phố đã đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh, thành phố trao đổi, cung cấp thông tin các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản an toàn và kết nối tiêu thụ nông sản. Đồng thời tiếp tục duy trì "Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội" ( check.hanoi.gov.vn ). Hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.263 cơ sở là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản; đã cấp 12.021 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên Hệ thống.

Ngoài ra cũng duy trì, phát triển, tích hợp hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội trên Hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ (GIS) ứng dụng quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm sản nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm ngành nông nghiệp trên địa bàn Thành phố (gis.chicucquanlychatluongnlsts.hanoi.gov.vn). Duy trì và mở rộng Hệ thống quản lý dữ liệu tự công bố sản phẩm nông lâm thủy sản, (tucongbo.sonnptnt.hanoi.gov.vn). Xây dựng hệ thống phần mềm trực tuyến kiểm tra, đánh giá kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.

Đặc biệt, Hà Nội cũng thường xuyên trao đổi thông tin, giới thiệu các địa chỉ sản xuất, sơ chế chế biến kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố để phối hợp công tác kết nối tiêu thụ nông lâm thuỷ sản, nhằm hỗ trợ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương.

Số lượng sản phẩm của một số địa phương tiêu thụ qua các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, thương nhân kinh doanh của Hà Nội tiếp tục tăng trong thời gian vừa qua, nhất là sau thời gian chuyển sang trạng thái bình thường mới. Theo báo cáo ước tính các chuỗi của 43 tỉnh, thành phố trong năm 2022 đã cung cấp về Hà Nội: 162.500 tấn rau; 53.557 tấn trái cây; 60.429 tấn thịt; trên 130 triệu quả trứng; 7.597 tấn thủy sản; 19.500 tấn thực phẩm chế biến; 49.129 tấn lương thực. 

Trong đó, một số tỉnh cung ứng về Hà Nội như tỉnh Hòa Bình cung ứng trên 1.600 tấn cá sông Đà, trên 18.000 tấn trái cây; tỉnh Sơn La cung ứng trên 19.000 tấn rau, củ quả; Công ty WinEco Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp cho hệ thống siêu thị tại Hà Nội trên 2.000 tấn rau, củ; tỉnh Hà Nam: Công ty Masan chi nhánh Hà Nam cung cấp cho các siêu thị tại Hà Nội trên 1.000 tấn thịt lợn, Công ty Mavin cung cấp trên 700 tấn xúc xích cho Hà Nội; tỉnh Lâm Đồng cung cấp từ 7-10% sản lượng rau của tỉnh để cung cấp cho Hà Nội với trên 66.000 tấn; tỉnh Đăk Lắk cung cấp trên 3.000 tấn trái cây…

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, năm 2023, Sở NN&PTNT sẽ tăng cường phối hợp trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; giám sát, thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ và ngược lại. Đồng thời Hà Nội sẽ tiếp tục gắn chặt liên kết vùng với các tỉnh, thành phố để tổ chức sản xuất theo chuỗi quy mô lớn, sản xuất VietGAP. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp của Thủ đô và các tỉnh, thành phố quảng bá giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng.

Thiện Tâm

Top