Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

02/08/2023 9:26 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 2/8, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức tổ chức diễn đàn khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chương trình nhằm mục tiêu trao đổi, thảo luận và bàn các giải pháp thúc đẩy hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp - Ảnh 1.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp là đặc sản của huyện Mỹ Đức được trưng bày tại chương trình. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo ông Đoàn Đức Dân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, thời gian qua, các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội được đẩy mạnh. Xây dựng chuỗi liên kết trong cung ứng và tiêu thụ nông sản chiếm vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp. Xác định đây là “chìa khoá” thúc đẩy phát triển nông nghiệp, mô hình này đã thực sự mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các nông sản an toàn với giá cả cạnh tranh.

Là một trong những địa phương có năng lực sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước, Hà Nội xác định phát triển chuỗi liên kết trong cung ứng, sản xuất và tiêu thụ nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô là giải pháp quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh chịu nhiều tác động của dịch bệnh cũng như những biến động từ thị trường, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã chủ động triển khai các biện pháp thích ứng với tình hình để duy trì tăng trưởng. Trong đó có việc chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai các biện pháp kết nối thị trường. Nên dù đối diện nhiều khó khăn, hầu hết các lĩnh vực chính của ngành đều ghi nhận sự tăng trưởng.

Thành phố cũng chú trọng quảng bá sản phẩm nông nghiệp của Thủ đô thông qua các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm. Thông qua các sự kiện, Hà Nội đã quảng bá, xúc tiến thương mại, giúp các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP nói riêng, sản phẩm nông nghiệp của Thủ đô nói chung đến người tiêu dùng; đồng thời phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, khai thác sản phẩm thế mạnh của các địa phương khác.

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất... trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản; những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai. Đồng thời đưa ra giải pháp tháo gỡ để đẩy mạnh kết nối cung cầu các sản phẩm nông sản giữa các cơ sở sản xuất, cung ứng nông sản và doanh nghiệp phân phối, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản an toàn nhằm tăng khả năng tiêu thụ nông sản.

Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp, đơn vị, nhà sản xuất... ký kết biên bản để tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Mỹ Đức. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo ông Đặng Văn Triều, Chủ tịch huyện Mỹ Đức, huyện Mỹ Đức được quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô, huyện xác định phát triển kinh tế - xã hội theo hướng sản xuất nông nghiệp là nền tảng, du lịch - dịch vụ là mũi nhọn. Vì vậy, trong những năm qua Mỹ Đức đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn, VietGAP, sản xuất hữu cơ, hướng tới sản xuất tuần hoàn; cây lúa là cây chủ lực, kết hợp trồng cây rau màu, dược liệu, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, phát triển đàn gia cầm, đàn gia súc ăn cỏ, giữ ổn định đàn lợn và diện tích thả cá,... để cung cấp cho thị trường Thủ đô.

Điển hình đến nay huyện đã quy hoạch 7 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 314,56 ha; các vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: Lúa chất lượng trên 4.500 ha; rau an toàn trên 135 ha; vùng cây ăn quả 150 ha; vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung 750 ha; chăn nuôi trọng điểm; khu giết mổ tập trung; Festival hoa Sen tại An Phú và Hương Sơn quy mô trên 500 ha,...  Đồng thời tăng cường giới thiệu các doanh nghiệp nông nghiệp với các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp trên địa bàn để liên doanh, liên kết sản xuất nông nghiệp tiêu thụ nông sản tạo thị trường ổn định cho sản phẩm chủ lực của các xã.

Thời gian qua, các mô hình liên doanh - liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội nói chung và Mỹ Đức nói riêng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và đẩy mạnh thúc đẩy phát triển. Xây dựng chuỗi liên kết trong cung ứng và tiêu thụ nông sản chiếm vai trò quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp. Xác định đây là “chìa khoá” thúc đẩy phát triển nông nghiệp, mô hình này đã thực sự mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các nông sản an toàn với giá cả cạnh tranh.

Đến nay, huyện có một số sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP có thị trường tiêu thụ ổn định như: Rau sắng Chùa Hương (Hương Sơn), sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể; Cao cà gai leo của Công ty Dược Tuệ Linh tại xã Phù Lưu Tế; Nấm Kim châm của Công ty Kinoko Thanh Cao tại xã Đốc Tín; Chanh leo sản xuất theo quy trình GlobalGAP tại xã An Phú; các sản phẩm Sen An Phú; rau an toàn Lê Thanh, Bột Xuyên, rau hữu cơ Tuy Lai, Thượng Lâm... 

Tại hội nghị, các đơn vị doanh nghiệp và nhà sản xuất ký kết biên bản ghi nhớ để kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Mỹ Đức. Qua đó giúp cho huyện đẩy mạnh, tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Thiện Tâm

Top