Để bảo vệ sức khỏe trong 'mùa' ô nhiễm không khí

14/10/2024 3:58 PM

(Chinhphu.vn) - Nhiều ngày nay, ở Hà Nội tình trạng ô nhiễm không khí vẫn kéo dài và chưa có dấu hiệu cải thiện. Theo các chuyên gia, điều này tác động xấu tới sức khỏe người dân.

Nhiều điểm ở Hà Nội ô nhiễm không khí đạt đến mức màu tím

Khoảng hơn 1 tuần nay, thủ đô Hà Nội đã trải qua tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng với chỉ số AQI trung bình mỗi ngày từ 154 - 177 đơn vị (mức xấu, người dân cần hạn chế ra ngoài đường khi không cần thiết). Cùng với đó, chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng ở mức rất cao, gấp hàng chục lần so với giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Để bảo vệ sức khỏe trong 'mùa' ô nhiễm không khí- Ảnh 1.

Khoảng hơn 1 tuần nay, thủ đô Hà Nội đã trải qua tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng với chỉ số AQI trung bình mỗi ngày từ 154 - 177 đơn vị (mức xấu, người dân cần hạn chế ra ngoài đường khi không cần thiết). Ảnh: VGP/Thùy Chi

Đây cũng không phải lần đầu tiên Hà Nội lọt vào top ô nhiễm thế giới mà những năm gần đây, tại Hà Nội và nhiều địa phương khác của Việt Nam cứ đến mùa Thu - Đông chất lượng không khí lại ô nhiễm ở ngưỡng nghiêm trọng.

Điển hình ngày 13/10, Hà Nội trong tình trạng ô nhiễm không khí, đứng thứ 3 thế giới theo bảng xếp hạng của ứng dụng kiểm soát ô nhiễm không khí AirVisual với AQI ở mức 184. Nhiều điểm ở Hà Nội ô nhiễm không khí đạt đến mức màu tím - cảnh báo nguy hại cho sức khỏe. Theo đó, tại điểm đo đường Quảng Khánh (quận Tây Hồ) số AQI lên đến 281.

Một số điểm đo không khí nghiêm trọng khác như Quảng Bá có AQI 255, khu vực bể bơi Sao Mai - Tây Hồ có AQI là 262; điểm đo trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội có AQI là 222; đường Ngọc Thụy (quận Long Biên) có AQI là 203; đường Hoàng Quốc Việt AQI là 192…

Theo thông tin của Cổng thông tin quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội) lúc 7h00 sáng ngày 13/10 điểm đo Minh Khai - Bắc Từ Liêm AQI 121; Vân Hà AQI 157; Kim Bài AQI là 118…

Trong chiều ngày hôm nay chỉ số AQI tại khu vực quận Ba Đình, Hoàn Kiếm là 142 lúc 15h00 chiều 14/10. Chỉ số này không tốt cho nhóm những người nhạy cảm với thời tiết.

Vấn nạn ô nhiễm không khí tại Hà Nội khiến nhiều người dân đối mặt với các vấn đề sức khỏe. Bà Nguyễn Thị Hiền, 60 tuổi, sinh sống tại quận Ba Đình cho biết: Sáng bà dậy sớm đi chợ lúc 7h00 sáng thấy trời âm u mờ mịt cứ nghĩ sương mù. Tuy nhiên, bà thuộc người nhạy cảm với thời tiết nên khi đi ra ngoài đi bộ một lúc thì bà cảm thấy khó thở, đau đầu, sụt sịt mũi nên bà lại quay về nhà ngay.

Tại Bệnh viện Lão Khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương mấy ngày qua đang gia tăng số bệnh nhân khám và nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, đột quỵ…

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, bên cạnh không khí ẩm từ vịnh Bắc Bộ theo đới gió Đông Nam tràn vào, tình trạng mù mịt của Hà Nội thời gian gần đây bị ô nhiễm còn do bụi mịn gây ra. Nguyên nhân là do điều kiện thời tiết nghịch nhiệt khiến chất ô nhiễm không phát tán được mà dồn nén sát mặt đất, gây ra hiện tượng mưa phùn, sương mù và ô nhiễm không khí.

Bên cạnh đó, tình trạng lặng gió cũng làm cho không khí ít bị xáo trộn, tập trung ở bề mặt. Nguyên nhân ô nhiễm được cơ quan chức năng chỉ ra là do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết không thuận lợi, dẫn đến các chất ô nhiễm trong không khí hạn chế khuếch tán, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5.

Thêm vào đó, trong nhiều năm, việc người dân đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng diễn ra rất phổ biến, thường xuyên mà chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu để ngăn chặn, làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, khói mù cho khu vực đô thị, dân cư tập trung.

"Mùa" ô nhiễm không khí kéo dài 6 tháng

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, tại Hà Nội, thời điểm "mùa" ô nhiễm không khí xảy ra từ tháng 10 đến tháng 3 sang năm. Nguyên nhân gây ô nhiễm do mật độ xây dựng trong thành phố nhiều. Lượng khí thải từ các khu đốt rác, khu công nghiệp ở ngoại thành ngày càng tăng. Người dân đốt rơm rạ và khói bụi từ các phương tiện tư nhân… khiến ô nhiễm không khí ngày một trầm trọng hơn.

Theo TS Tùng, không khí ô nhiễm tác động rất lớn đến sức khỏe. Vì thế người dân cần hạn chế các hoạt động ngoài trời, nếu có việc thật cần thiết hãy ra đường để bảo đảm sức khỏe.

Người khỏe mạnh khi tiếp xúc lâu dài trong bầu không khí ô nhiễm thường có triệu chứng như kích ứng mắt, da, mũi và cổ họng; ho, khạc đờm, tức ngực khó chịu… Việc sử dụng khẩu trang đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế rất cần thiết, không phải loại nào cũng tránh được bụi mịn 2.5PM.

Trước vấn nạn ô nhiễm không khí, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đề nghị các Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chỉ đạo, tăng cường tần suất quan trắc, công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông.

Khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với nhóm đối tượng có hoạt động ngoài trời vào 5h - 7h sáng và 14h - 19h tối. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải (nhất là các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, công trình xây dựng, cơ sở sản xuất công nghiệp).

Trong đó, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn.

Đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Theo WHO và các nghiên cứu cho thấy, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư.

Ngoài ra, tiếp xúc với chất ô nhiễm trong không khí có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch.

Để bảo vệ sức khỏe cho người dân, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đã xây dựng khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe nhằm giúp người dân có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe.

Người dân cần thường xuyên đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách khi ra khỏi nhà; thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Nên sử dụng khẩu trang, kính bảo vệ mắt khi làm vệ sinh, dọn dẹp nếu có nhiều bụi hoặc không khí bị ô nhiễm từ mức kém đến mức nguy hại.

Cạnh đó, hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, đốt rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga; trồng cây xanh giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Với người hút thuốc lá, thuốc lào nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút; không nên hút thuốc trong nhà. Với người không hút thuốc nên tránh xa khói thuốc.

Với những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí (trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi) nên tránh tiếp xúc với các nguồn phát thải chất ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông; các công trình xây dựng; khu vực đun nấu đốt nhiên liệu bằng than, củi, rơm rạ hoặc các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí khác.

Người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và được tư vấn, điều trị. Người già, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ việc khám sức khỏe định kỳ.

Ngoài ra, cần tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng, giữ ấm cơ thể về mùa đông, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột.

Để đối phó với ô nhiễm không khí, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi chỉ số AQI trên các trang của Nhà nước và các ứng dụng xem thời gian đó, ngày đó có ô nhiễm không để hạn chế tiếp xúc với không khí ngoài trời.

Thùy Chi

Top