Để các mô hình kinh tế mới trở thành động lực tăng trưởng của Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Với vai trò là động lực tăng trưởng của Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước, Hà Nội cần tiên phong khai thác tiềm năng, lợi thế, biến thách thức thành cơ hội để các mô hình kinh tế mới trở thành động lực tăng trưởng của Thủ đô trong thời gian tới.

Hà Nội đang hướng đến mục tiêu trở thành một đô thị thông minh, sáng tạo và phát triển xanh trong thời gian tới. Ảnh: VGP
Tạo điều kiện để phát triển các mô hình kinh tế mới
Ông Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế-xã hội Hà Nội cho hay, đứng trước những yêu cầu của kỷ nguyên mới, Hà Nội đang quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cao nhất năm 2025 và tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030.
Bên cạnh việc làm mới những yếu tố tăng trưởng truyền thống, Hà Nội đang thực hiện các giải pháp để tìm ra động lực tăng trưởng mới. Trong đó, các mô hình kinh tế mới được Thành phố đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện phát triển trong các cơ chế, chính sách được ban hành…
Theo ông Lê Ngọc Anh, có thể thấy, Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong trong xây dựng chính quyền điện tử với kho dữ liệu dùng chung và phát triển đô thị thông minh - nền tảng cho việc phát triển kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Ngành công nghệ thông tin Hà Nội luôn trong nhóm đầu cả nước về công nghiệp công nghệ thông tin; xếp trong nhóm 20 thành phố hấp dẫn toàn cầu về gia công phần mềm. Hà Nội cũng đạt được sự phát triển ấn tượng về thương mại điện tử so với các địa phương khác. Năm 2024, số liệu thu từ hoạt động thương mại điện tử đạt trên 38.000 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn Hà Nội là hơn 7.300 doanh nghiệp, đứng thứ hai cả nước.
Hà Nội cũng là một trong hai trung tâm lớn của cả nước về phát triển nhiều mô hình kinh tế chia sẻ ở các lĩnh vực khác nhau. Trong đó nổi lên 3 loại hình dịch vụ đang phát triển rất mạnh, đó là thị trường gọi xe công nghệ, dịch vụ lưu trú và dịch vụ cho vay ngang hàng. Các mô hình kinh tế chia sẻ đang có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân.
Cùng với đó, Hà Nội đang nỗ lực tăng doanh thu ngành du lịch bằng việc tổ chức hoạt động kinh tế đêm. Một số khu vực hoạt động kinh tế ban đêm tiêu biểu như khu phố cổ, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố ẩm thực Tống Duy Tân… và nhiều điểm đến tổ chức tour du lịch đêm tại Di tích nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... góp phần phát huy hiệu quả giá trị các di sản, không gian văn hóa, phát triển du lịch trên địa bàn Thành phố.
Hà Nội đã và đang nỗ lực bứt phá, tận dụng các cơ hội để phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo. Mục tiêu lớn của Hà Nội trong tương lai gần sẽ trở thành "Kinh đô sáng tạo" của khu vực Đông Nam Á, góp phần đưa Thủ đô trở thành một trong những điểm sáng văn hóa của khu vực và thế giới.
Với lợi thế 51,7% dân số trẻ; tập trung nhân lực, trí tuệ của cả nước (hơn 85% viện nghiên cứu và các trường đại học; tập trung trên 65% đội ngũ các nhà khoa học; hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, nghệ thuật, văn hóa, thời trang), Hà Nội đang trở thành một thành phố năng động, phát triển với hơn 100 không gian sáng tạo, đặc biệt là việc chuyển đổi công năng các di sản công nghiệp trong nội đô thành các trung tâm sáng tạo, không gian văn hóa nghệ thuật đã thu hút được cộng đồng sáng tạo, doanh nghiệp, người dân, du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm, thực hành sáng tạo.
Ông Lê Ngọc Anh cho rằng, với những dẫn chứng trên, đây là những tiềm năng lớn, tiền đề quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Nội phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo Thủ đô trong thời gian tới.
Theo ông Lê Ngọc Anh, Hà Nội đang hướng đến mục tiêu trở thành một đô thị thông minh, sáng tạo và phát triển xanh trong thời gian tới, việc kết hợp mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Do đó, để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, tiêu thụ năng lượng không bền vững, Thành phố đã tập trung xử lý vấn đề môi trường, trọng tâm là xử lý triệt để ô nhiễm không khí ở Hà Nội và làm sống lại các dòng sông; khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo trong các tòa nhà cao tầng, các khu công nghiệp và hộ gia đình.
Mặt khác, Thành phố cũng đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi năng lượng sạch đối với phát triển giao thông công cộng như xe buýt điện, xe đạp công cộng để giảm thiểu ô nhiễm không khí và ùn tắc giao thông.
Ngoài ra, việc xây dựng các khu đô thị xanh, tiết kiệm năng lượng và sử dụng công nghệ tái chế trong xử lý rác thải cũng là một phần của chiến lược phát triển kinh tế xanh.
5 giải pháp để đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế mới
Với vai trò là động lực tăng trưởng của Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước, theo ông Lê Ngọc Anh, Hà Nội cần tiên phong khai thác tiềm năng, lợi thế, biến thách thức thành cơ hội để các mô hình kinh tế mới trở thành động lực tăng trưởng của Thủ đô trong thời gian tới.
Vì thế, ông Lê Ngọc Anh đề xuất, để phát triển các mô hình kinh tế mới trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, cần có thực hiện 5 giải pháp.
Một là tiếp tục khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế mới theo hướng hợp tác, thúc đẩy dựa trên nền tảng phát triển của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó xác định, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là trọng tâm.
Hai là xây dựng hệ thống các chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và người dân tham gia vào quá trình phát triển các mô hình kinh tế mới. Như là: hỗ trợ về tài chính, thuế, đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học sẽ giúp thúc đẩy sự chuyển đổi này. Đồng thời, tận dụng tối đa Luật Thủ đô 2024 trong việc phát triển mô hình kinh doanh mới theo cơ chế thử nghiệm sandbox.
Ba là phát triển hạ tầng số, nguồn nhân lực và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp phát triển theo các mô hình kinh doanh mới.
Bốn là nâng cao nhận thức của các cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về các mô hình kinh tế mới nhằm đảm bảo sự đồng thuận, nhất trí trong triển khai.
Năm là phát triển các mô hình kinh tế mới gắn chặt với các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; lựa chọn doanh nghiệp FDI chuyển giao các mô hình, công nghệ có tính dẫn dắt, xu thế của thời đại.
Minh Anh