Hà Nội: Tăng cường tuyên truyền, phòng chống thiên tai cho người dân

26/03/2025 5:51 PM

(Chinhphu.vn) - Nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó với thiên tai, Hà Nội đang duy trì công tác tuyên truyền một cách thường xuyên, liên tục, góp phần giúp người dân chủ động phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hà Nội: Tăng cường tuyên truyền, phòng chống thiên tai cho người dân- Ảnh 1.

Theo nhận định, năm 2025, tình hình biến đổi khí hậu, môi trường, thời tiết, thiên tai sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, cực đoan. Ảnh minh họa

Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội vừa có Hướng dẫn về công tác tuyên truyền, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo nhận định, năm 2025, tình hình biến đổi khí hậu, môi trường, thời tiết, thiên tai sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường; các sự cố cháy, nổ, sập đổ công trình, tình hình dịch bệnh... vẫn tiềm ẩn, có khả năng gây nhiều rủi ro, thiệt hại.

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục kịp thời, khẩn trương, hiệu quả các sự cố, thiên tai có thể xảy ra, hạn chế thiệt hại, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2025 và giai đoạn 2021 - 2025, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy đề nghị cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động… tích cực tham gia làm tốt nhiệm vụ trên.

Theo đó, về công tác tuyên truyền cần chú trọng các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, phương án phòng, chống lụt bão, úng ngập, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của thành phố, địa phương và cơ quan, đơn vị, nhất là tuyên truyền về các trọng điểm, vị trí xung yếu trên các tuyến đê để nhân dân biết.

Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng trong công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai; các loại hình thiên tai thường gặp; hướng dẫn nâng cao kiến thức, kỹ năng về các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cho các nhóm đối tượng trong cộng đồng; bài học kinh nghiệm tại cộng đồng về phòng, chống thiên tai; công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và nhu yếu phẩm phòng, chống thiên tai tại cơ quan, cộng đồng.

Tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý đê điều, thủy lợi và phòng, chống thiên tai, công tác kiểm tra xử lý vi phạm; phổ biến, chia sẻ, tuyên truyền rộng rãi các tài liệu, ấn phẩm truyền thông về công tác phòng, chống thiên tai.

Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy cũng đề nghị tích cực tuyên truyền về trách nhiệm của chính quyền quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn trong công tác quản lý và bảo vệ đê điều. Kết hợp tuyên truyền, vận động với phát hiện kịp thời, ngăn chặn và kiên quyết xử lý có hiệu quả ngay tại cơ sở những hành vi vi phạm từ khi mới phát sinh; đặc biệt là những địa phương, cơ quan, đơn vị ở các vùng trọng điểm, xung yếu, ven đê.

Đồng thời, biểu dương và giới thiệu kinh nghiệm của những địa phương, đơn vị, tập thể, cá nhân làm tốt công tác tuyên truyền và tổ chức tốt việc củng cố đê điều, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão, úng ngập; phê bình những đơn vị, địa phương, tập thể, cá nhân làm chưa tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, lụt, bão, úng ngập và tìm kiếm cứu nạn.

Công tác tuyên truyền cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, tập trung cao điểm vào trước, trong mùa mưa bão và khi có sự cố, thiên tai xảy ra.

Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho người dân

Trước đó, để tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chỉ thị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục chủ động, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Trần Sỹ Thanh yêu cầu, tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Thành phố trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; rà soát, tham mưu hoàn thiện các cơ chế, chính sách có liên quan đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tập huấn, diễn tập nhằm kịp thời bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho người dân, cán bộ chính quyền các cấp; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động; xác định phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ trọng yếu, đòi hỏi sự vào cuộc thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân trên địa bàn Thành phố.

Tổ chức tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm công tác năm 2024, xác định phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 (hoàn thành trước ngày 15/4/2025).

Hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, như: cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực các cấp, các ngành đồng thời nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, sự cố. Quản lý, sử dụng tốt, bền trang thiết bị, dụng cụ, vật tư, phương tiện và củng cố hệ thống kho tàng, trạm, xưởng phục vụ công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thời tiết, thiên tai, sự cố, biến đổi khí hậu, môi trường; bảo đảm thông tin thông suốt, thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, báo cáo theo quy định; thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm, xung yếu, các công trình đê điều, thủy lợi, cơ sở hạ tầng và các công trình phòng, chống thiên tai; theo dõi chặt chẽ khu vực, công trình có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, cháy, nổ, sập đổ công trình… để kịp thời phát hiện vi phạm, hư hỏng, sự cố, nguy cơ mất an toàn; chủ động sơ tán, di dời, có biện pháp bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Khi có tình huống, sự cố xảy ra, các cấp, các ngành chủ động kích hoạt thực hiện ngay các biện pháp xử lý sự cố giờ đầu; kịp thời, quyết liệt triển khai đồng bộ kế hoạch, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giảm thấp nhất các thiệt hại, bảo vệ tính mạng, tài sản, hoa màu, đất canh tác của nhân dân...

Thùy Chi

Top