Để doanh nghiệp xuất khẩu thâm nhập thị trường một cách hữu hiệu
(Chinhphu.vn) - Một trong những vấn đề doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu quan tâm nhất hiện nay là xúc tiến thương mại, mở rộng liên kết - hợp tác giữa các đơn vị, nhằm tìm kiếm đơn hàng và thị trường mới, từ đó tăng tiêu thụ sản phẩm, thâm nhập thị trường một cách hữu hiệu.
Hoạt động xúc tiến rất hữu ích với doanh nghiệp
Thời gian qua, các hoạt động xúc tiến thương mại đã giúp cho các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời, tìm hiểu, tiếp cận, kết nối với các thị trường, đối tác mới, tận dụng được các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), tăng cường kết nối thị trường quốc tế và tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Với cách nhìn của doanh nghiệp thủy sản có quy mô vừa, Tổng giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Hà Nội Phạm Quốc Anh đánh giá, các chương trình kết nối doanh nghiệp trực tiếp hay chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại là rất hữu ích. Tuy nhiên, để biến cơ hội kết nối thành các hợp đồng thương mại, cần sự nhạy bén và khả năng đáp ứng yêu cầu khách hàng của từng doanh nghiệp.
Đối với hàng hóa nông sản, bà Nguyễn Thị Xuyến, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần tư vấn công nghệ Enviva cho rằng, các chương trình xúc tiến được tổ chức đã nhằm kết nối nhà vườn với người tiêu dùng nội địa giúp nhà vườn yên tâm phát triển sản xuất, người dùng được thưởng thức sản phẩm nông đặc sản địa phương chất lượng với giá thành hợp lý.
"Điều này giúp thị trường nông sản phát triển bền vững. Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, thúc đẩy thị trường xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu", bà Xuyến nói.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu, tôn vinh sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền, sản phẩm chủ lực của các địa phương, từ đó góp phần tác động tích cực đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, đặc sản theo hướng nông nghiệp sinh thái, bền vững, áp dụng công nghệ cao.
Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú đánh giá, một số chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội thời gian qua đã tạo được thương hiệu, có sự lan tỏa, kết nối các địa phương, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố mà còn hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong cả nước quảng bá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.
Điển hình như Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam thường niên với sự tham dự của gần 60 tỉnh, thành phố; các chương trình tiếp cận hệ thống phân phối lớn tại nước ngoài như: AEON (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Big C, Go (Central Group)...
Đa dạng hình thức xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu mới
Đề cập về nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2024, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới.
Tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các hiệp định thương mại tự do. Trong đó, chuyển đổi số phải gắn với chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại một cách tích cực nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển ngoại thương bền vững.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, tầm quốc gia và quốc tế, tương xứng vị thế và hình ảnh quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế; nhất là những ngành, lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh, trên các thị trường xuất khẩu chủ lực. Chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu quốc gia gắn với các hoạt động ngoại giao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công Thương ở trong nước và quốc tế.
Xác định tầm quan trọng của công tác xúc tiến thương mại đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của địa phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho biết, trong năm 2024 Hà Nội dự kiến tổ chức 60 sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong và ngoài nước, trong đó có từ 8 đến 10 sự kiện tổ chức ở nước ngoài.
Theo chương trình đề ra, Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, đầu tư, như: Tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với chủ đề Hà Nội và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng Đông Nam Bộ - Kết nối cùng phát triển - "Link to Grow"; tổ chức Chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch về các làng nghề Hà Nội kết hợp không gian trình diễn nghề cho các làng nghề truyền thống Hà Nội.
Thành phố cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương, tham gia hệ thống phân phối tại nước ngoài; khai thác hiệu quả các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống, đồng thời đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động này.
Đặc biệt, Thành phố cũng tận dụng tính ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ chế trao đổi thông tin, thực hiện nghiệp vụ xúc tiến thương mại trong mạng lưới các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại và cộng đồng doanh nghiệp; tổ chức hoạt động về xúc tiến quảng bá sản phẩm nông nghiệp của thành phố Hà Nội...
UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị thực hiện chương trình căn cứ quy định pháp luật, tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả; một việc - một đầu mối xuyên suốt, xây dựng phong cách làm việc theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp.
Ngoài ra, cần chú trọng khai thác, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, hỗ trợ rút ngắn thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các hoạt động xúc tiến phải thiết thực, hiệu quả, phát huy tối đa thế mạnh và lợi thế so sánh của doanh nghiệp Thủ đô…
Diệu Anh