Để làng nghề thủ công mỹ nghệ phát triển bền vững

02/05/2023 8:02 AM

(Chinhphu.vn) - Đề án phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô đã coi phát triển ngành thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống trở thành ngành "công nghiệp sáng tạo" mũi nhọn. Đây được coi là hướng đi hết sức đúng đắn bởi từ lâu, làng nghề đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội.

Để làng nghề thủ công mỹ nghệ phát triển bền vững - Ảnh 1.

Mẫu mã hàng công mỹ nghệ làng nghề dần được đầu tư, cải tiến để đáp thị hiếu của người tiêu dùng. Ảnh: VGP/Bích Phương

"Cái nôi" của nghề thủ công truyền thống

Với 1.350 làng nghề, Hà Nội hiện đang chiếm hơn 30% tổng số làng nghề trên cả nước. Làng nghề vừa là nơi lưu giữ, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, vừa là những cơ sở kinh tế hết sức quan trọng.

Trong các làng nghề nói chung, Hà Nội có số lượng lớn các làng chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, 1 trong 6 lĩnh vực công nghiệp văn hóa có thế mạnh mà Thành phố ưu tiên phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Thống kê của Sở Công Thương cho thấy, Hà Nội hiện có 308 làng nghề truyền thống, đó chính là "cái nôi" có số lượng làng nghề và nghệ nhân đông nhất của cả nước.

Những làng nghề truyền thống sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ đã nổi tiếng trong và ngoài nước lâu nay có thể kể đến như: Lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ); thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín)… Chưa kể hàng chục làng chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ nằm rải rác ở các huyện: Thạch Thất, Đông Anh, Thường Tín…

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội là nơi các nghệ nhân làng nghề kể lại những câu chuyện thông qua sản phẩm, gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống của từng nghề trong suốt chiều dài lịch sử. Không chỉ làm ra những sản phẩm chất lượng tốt, độc đáo, để nâng cao chuỗi giá trị, các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ làng nghề còn cần phải đầu tư cải tiến mẫu mã để đáp thị hiếu của người tiêu dùng.

Hiện nay, TP. Hà Nội có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 tỷ đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 tỷ đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm. Khối làng nghề tạo công ăn, việc làm cho khoảng 750 nghìn lao động.

Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh nhận xét, Hà Nội sở hữu số làng nghề lớn nhất nước, là cơ sở cho nhiều ngành nghề dịch vụ: Vận tải, cung cấp nguyên vật liệu, kinh doanh hàng quán… phát triển, cũng như cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động.

"Không chỉ mang trong mình "tính độc đáo của muôn nghề", làng nghề Hà Nội còn sở hữu bề dày lịch sử - văn hóa cùng cảnh quan đặc sắc, là điều kiện thuận lợi để mở mang du lịch, góp phần quảng bá tinh hoa làng nghề, tạo thêm nguồn thu cho địa phương", bà Hà Thị Vinh nói.

Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh, song ngành thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội cũng giống nhiều nơi trên cả nước, đang gặp không ít thách thức, khiến nghề này chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Trong số 1.350 làng nghề hiện có, chỉ có 207 làng nghề đang phát triển, 543 làng nghề đã bị mai một và hàng trăm làng nghề có dấu hiệu mai một.

Để làng nghề thủ công mỹ nghệ phát triển bền vững - Ảnh 2.

Xúc tiến tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ qua các hội chợ, triển lãm. Ảnh: VGP/Bích Phương

Những thách thức lớn nhất đối với làng nghề là khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, thiết kế sản phẩm. Việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất còn hạn chế, sản phẩm thiếu sự độc đáo; thiếu nhân lực có tay nghề…Đối với những làng nghề có tiềm năng phát triển du lịch thì mối liên kết giữa làng nghề với doanh nghiệp lữ hành còn yếu, nghệ nhân làng nghề chưa sẵn sàng với việc "làm" du lịch…

Đẩy mạnh công tác xúc tiến 

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thời gian qua, Sở Công Thương đã tổ chức rất nhiều buổi tập huấn, tư vấn cho các nghệ nhân cũng như các cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm, hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ.

Qua đó nâng cao tay nghề cho các nghệ nhân cũng như đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người dân, góp phần cải tiến sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống, Hà Nội cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ ngành thủ công mỹ nghệ; tăng cường vai trò của liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành với các nghệ nhân, hộ kinh doanh để tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng, hấp dẫn khách.

Đồng thời trang bị kiến thức kinh doanh, phát triển sản xuất, quản trị doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, tổ chức tiêu thụ sản phẩm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế…; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, thực hành nghề, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại cho các nghệ nhân. Đồng thời, cần tổ chức tập huấn, tư vấn cho các nghệ nhân cũng như các cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm, hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ.

Tăng cường xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với làng nghề truyền thống, ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống; gắn sản xuất với giữ gìn bản sắc văn hóa, lịch sử phát triển làng nghề để mỗi làng nghề trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa sống động.

Chú trọng tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo về văn hóa, tâm linh, lịch sử, khám phá; hay các sản phẩm du lịch gắn kết với nông nghiệp, hệ thống làng nghề, phố nghề, mua sắm; hoặc sản phẩm du lịch ban đêm; tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng Thủ đô, tạo ra các chuỗi sản phẩm đặc sắc…

Ngài ra, việc đưa hàng thủ công lên nền tảng thương mại điện tử cũng đem lại nhiều hiệu quả thiết thực như tăng doanh thu, giảm chi phí, quảng bá thương hiệu và tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn. Thương mại điện tử xuyên biên giới đang là vấn đề mới đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ nói riêng. Trong xu hướng phát triển hiện nay, doanh nghiệp phải xác định cần đi trên cả "hai chân", kênh bán hàng truyền thống và thương mại điện tử để phát triển vững chắc.

Bích Phương

Top