Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả

25/05/2022 1:53 PM

(Chinhphu.vn) - Xác định chăn nuôi là lĩnh vực quan trọng có yếu tố thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp, thời gian qua, TP. Hà Nội đã và đang đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi. Trong đó, chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng con giống và công nghệ chăn nuôi; cơ cấu lại công tác quản lý chăn nuôi, thú y…

Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả - Ảnh 1.

Đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Ảnh: VGP/TN

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

Hiện nay, Hà Nội có hơn 7.500 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ, bao gồm: 110 trang trại lớn, hơn 1.600 trang trại vừa, hơn 5.800 trang trại nhỏ. Ngoài ra, Hà Nội phát triển 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực gồm 15 xã chăn nuôi bò sữa tại các huyện: Ba Vì, Quốc Oai; 19 xã chăn nuôi bò thịt tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Mê Linh, Gia Lâm, Sơn Tây; 13 xã chăn nuôi lợn; 29 xã chăn nuôi gia cầm...

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, trong những tháng đầu năm 2022, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân nhưng chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố vẫn phát triển ổn định. Theo đó, tổng đàn trâu, bò là gần 170.000 con; đàn lợn gần 1,4 triệu con; đàn gia cầm gần 37 triệu con (tương đương cuối năm 2021).

Nhờ chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, chủ động từ con giống tới thức ăn chăn nuôi, hiện trung bình mỗi tháng trang trại bà Nguyễn Thị Thoan (Sóc Sơn, Hà Nội) xuất chuồng khoảng 1.000 con gà, giá bán cao hơn 10%-15% so với gà thương phẩm nuôi theo phương thức truyền thống.

Còn theo ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai), trang trại đang có 500 lợn nái, 5.000 lợn thương phẩm. Để hạn chế dịch bệnh phát sinh, trang trại đã đầu tư hệ thống chuồng trại hiện đại, chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ từ con giống, quy trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đạt giá trị kinh tế cao.

Thực tế cho thấy, ngành chăn nuôi cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát...

"Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội cho các trang trại chăn nuôi lớn áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, từng bước hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư", ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm

Mặc dù còn nhiều thách thức, song ngành chăn nuôi Hà Nội vẫn có cơ hội nếu nắm bắt được thời cơ, đó là xây dựng cơ sở chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh; tập trung cơ cấu lại chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm với đối tượng nuôi chủ lực; xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm từ chăn nuôi…

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian tới, ngành chăn nuôi của Hà Nội sẽ tập trung phát triển theo hướng công nghiệp với quy mô lớn, đạt chuẩn an toàn. Trong đó, phát triển chăn nuôi bò và lợn để nâng cao giá trị gia tăng; đồng thời giữ ổn định đàn gia súc gia cầm.

Trong thời đại hội nhập như hiện nay, đã đến lúc, ngành chăn nuôi của Hà Nội phải tính đến bài toán cạnh tranh dài hạn. Thay vì "chạy" theo số lượng, cần từng bước chuyên nghiệp hóa chăn nuôi theo tiêu chuẩn công nghiệp hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, cùng với việc hình thành những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, an toàn dịch bệnh, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, chú trọng chế biến sâu sản phẩm từ động vật để vừa bảo đảm quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, vừa góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng cường giám sát quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi; quản lý việc sử dụng chất cấm, kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi; triển khai các kênh theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và thế giới, giúp người chăn nuôi có biện pháp chủ động nguồn thức ăn thay thế, ổn định sản xuất.

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi thông qua tập huấn, hội thảo, xây dựng, triển khai các dự án, mô hình theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tái sử dụng chất thải chăn nuôi..., góp phần giảm ô nhiễm môi trường, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Thành Nam

Top