Để quận Long Biên trở thành diểm đến an toàn, hấp dẫn

09/12/2024 5:47 PM

(Chinhphu.vn) - Với vị trí chiến lược quan trọng, quận Long Biên đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cùng với diện tích rộng lớn, tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc, quận Long Biên đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của người dân và du khách.

Để quận Long Biên trở thành diểm đến an toàn, hấp dẫn- Ảnh 1.

Quận Long Biên đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô

Xây dựng môi trường văn hóa tại di tích

Ngay sau khi Thành phố ban hành Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố năm 2024, UBND quận Long Biên đã triển khai sâu rộng, tạo sự lan tỏa trong nhân dân. Đặc biệt Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng được triển khai tới 100 % di tích lịch sử - văn hóa, các điểm di tích. Đây là trọng tâm góp phần nâng cao nhận thức trong nhân dân khi tham gia, tham quan tại các di tích.

Quận Long Biên đã thực hiện triển khai mô hình "Di tích lịch sử văn hoá - Điểm đến an toàn, hấp dẫn" tại các di tích, được các tiểu ban quản lý di tích và đại đa số người dân hưởng ứng, góp phần giữ gìn trật tự, cảnh quan môi trường di tích, từng bước xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội và tại các di tích.

Quận đã xây dựng kế hoạch tham quan, học tập tại các di tích trên địa bàn quận Long Biên cho các học sinh khối Tiểu học và THCS. Ngoài kỹ năng thực hành tại di tích, học sinh nắm rõ một số nội dung cơ bản nhất về ứng xử với di sản văn hóa mà ông cha đã tạo dựng, trao truyền. UBND quận Long Biên đã triển khai mô hình đến các di tích trên địa bàn, chỉ đạo giao Tiểu ban quản lý di tích thực hiện các tiêu chí của mô hình gắn với công tác quản lý nhà nước, lễ hội, Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống và một số mô hình về lễ hội tới các di tích trên địa bàn quận.

Trong công tác đón tiếp du khách đến tham quan, các cán bộ trông coi di tích ứng xử lịch thiệp, nhã nhặn, đúng mực, trang phục phù hợp, bảo vệ cảnh quan môi trường, giúp đỡ người khuyết tật, người già, trẻ em. Người đến tham quan, hành lễ tại di tích đại đa số chấp hành quy định, nội quy di tích; mặc trang phục phù hợp; giữ gìn trật tự, vệ sinh chung; bảo vệ cảnh quan môi trường; thực hiện nghi thức truyền thống theo quy định.

Ở một số di tích đã bố trí áo, khăn phủ cho khách mặc trang phục ko phù hợp khi tham quan, hành lễ tại di tích và tham gia lễ hội (di tích đình Lâm Du, đình Ái Mộ, đình Phú Viên phường Bồ Đề,…). Ở một số lễ hội, ban tổ chức đã khuyến khích người dân mặc áo dài truyền thống khi tham gia các hoạt động lễ hội.

100% di tích lịch sử - văn hóa được đầu tư đồng bộ hệ thống phòng cháy chữa cháy theo tiêu chuẩn mới với 04 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Thường trực Tiểu ban di tích, sư trụ trì, thủ từ, thủ nhang các di tích được tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy đáp ứng nhu cầu an toàn cho di tích và khách du lịch.

Quận đã triển khai đồng bộ với chủ trương xã hội hóa về hệ thống camera an ninh tại các di tích lịch sử - văn hóa, kết hợp với thường xuyên kiểm tra giám sát và tuần tra an ninh của lực lượng công an phường góp phần đảm bảo an ninh trật tự, sự an toàn cho các tầng lớp nhân dân khi đến di tích.

Bên cạnh đó, Quận đã tổ chức giới thiệu di tích lịch sử - văn hóa thông qua quét mã QR, Meta 365 và số hóa 360 đã tạo sự phong phú, hấp dẫn cho du khách. Việc ứng dụng chuyển đổi số vào giới thiệu di tích lịch sử, văn hóa là một giải pháp sáng tạo, đổi mới cả về nội dung và hình thức trong công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống, lịch sử cách mạng của Thủ đô.

Phát huy các giá trị di sản trên địa bàn gắn kết du lịch

Trong đó, đặc biệt chú trọng điểm đến Lệ Mật (đã được UBND Thành phố Hà Nội công nhận là điểm đến du lịch của thành phố tại Quyết định số 6387/QĐ-UBND ngày 14/12/2023). Việc làng nghề Lệ Mật trở thành điểm du lịch đầu tiên của quận Long Biên là tiền đề quan trọng góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là niềm vinh dự và tự hào của nhân dân quận Long Biên và phường Việt Hưng, là dịp người dân làng Lệ Mật tôn vinh di sản với giá trị bền vững, sức sống mãnh liệt, đồng thời bảo tồn, phát huy di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo.

Quận đã triển khai kế hoạch tuyên truyền, quảng bá giá trị của khu di tích lịch sử - văn hóa Lệ Mật gắn với phát triển du lịch làng nghề. Xây dựng kế hoạch về công tác phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự tại các di tích lịch sử- văn hóa đảm bảo an toàn, trong đó phục vụ tốt công tác bảo tồn, phục vụ khách tham quan, du lịch.

Để quận Long Biên trở thành diểm đến an toàn, hấp dẫn- Ảnh 2.

Làng nghề Lệ Mật chỉ cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 7km. Ảnh: Quận Long Biên

Riêng với khu di tích Lệ Mật đã số hóa hệ thống tư liệu chữ viết, đồ thờ tự, kiến trúc, mỹ thuật kiến trúc di tích phục vụ điểm đến du lịch. Tổ chức phóng sự về tiềm năng giá trị di sản văn hóa Lệ Mật, tạo điểm nhấn thông qua các clip quảng bá. Đặc biệt đã xuất bản sách giới thiệu tư liệu Hán - Nôm di tích đình, chùa Lệ Mật phục vụ công tác học tập, tham quan tìm hiểu. Đồng thời phối hợp với huyện Gia Lâm, Đông Anh kết nối giá trị văn hóa truyền thống làm nền tảng cho gắn kết điểm đến du lịch Lệ Mật. Đây là tiền đề tạo điểm nhấn hình thành tour du lịch làng nghề Lệ Mật trong thời gian tới.

Bên cạnh các di tích quan trọng ở phường Việt Hưng, trên toàn bộ địa bàn quận Long Biên còn có hơn 90 di tích lịch sử và văn hóa, bao gồm các Di tích cấp quốc gia có ý nghĩa đặc biệt và giá trị lớn như: đền Trấn Vũ ở phường Thạch Bàn; đình Thổ Khối ở phường Cự Khối; đình Phúc Xá ở phường Ngọc Thụy; đình Thanh Am ở phường Thượng Thanh; đình Tình Quang ở phường Giang Biên; đình Hội Xá ở phường Phúc Lợi,... Những di tích này tạo điều kiện quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa và du lịch tại quận Long Biên, đóng góp vào sự phồn thịnh kinh tế và văn hóa của địa phương.

Minh Thúy

Top