Dịch vụ xe đạp công cộng: Hỗ trợ kết nối các loại hình giao thông
(Chinhphu.vn) - Dịch vụ cho thuê xe đạp giúp người dân, khách du lịch có thêm lựa chọn sử dụng phương tiện công cộng, thay đổi thói quen đi lại, góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời, xe đạp công cộng còn trở thành phương tiện kết nối hiệu quả giữa các loại hình giao thông.

Người dân Thủ đô hào hứng với dịch vụ xe đạp công cộng. Ảnh: VGP/LT
Người dân ủng hộ và nhiệt tình tham gia
Dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng giá rẻ đi vào hoạt động đã tạo một diện mạo mới cho giao thông công cộng trên địa bàn thủ đô – Một mô hình giao thông "sạch", không khói bụi, đặc biệt khá gần gũi với người dân Thủ đô và gây thiện cảm khi khải nghiệm đối với khách du lịch.
Ra mắt từ tháng 8/2023 dịch vụ xe đạp công cộng đã nhanh chóng thu hút người dân sử dụng và trải nghiệm. Dù triển khai sau TPHCM, Hải Phòng hay Đà Nẵng, tuy nhiên tại Hà Nội số người sử dụng xe đạp công cộng lại nhiều hơn cả. Không chỉ góp phần giảm phát thải ra môi trường, dịch vụ xe đạp công cộng còn trở thành phương tiện kết nối hiệu quả giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng khác như tàu điện, xe buýt…
Ngày 24-8-2023, được sự chấp thuận của UBND thành phố Hà Nội, Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam chính thức đưa dịch vụ xe đạp công cộng với 1.000 phương tiện vào hoạt động thí điểm tại 79 điểm, thuộc 6 quận nội thành của Thủ đô. Các trạm xe được bố trí gắn kết với các điểm dừng xe buýt, công viên, điểm du lịch, bảo đảm cho người dân có thể đi bộ và tiếp cận dịch vụ thuận lợi.
Theo thông tin từ lãnh đạo của Tập đoàn Trí Nam, hiện tại ở Hà Nội đã có 118.998 khách hàng đăng ký app với tổng số giờ thuê xe là 142.845 giờ. Đa số khách hàng sử dụng với mục đích tham quan, giải trí, mua sắm chiếm 38,8%. Đơn vị này cũng nhận được nhiều phản hồi tốt từ khách hàng, mong muốn mở rộng trạm xe ở các quận lân cận như Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm…Sau hơn 2 tháng hoạt động, xe đạp công cộng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người dân.
Bày tỏ sự thích thú với loại hình xe đạp công cộng, bạn Đỗ Thị Quỳnh, sinh viên Trường Đại học Quốc Gia chia sẻ: "Tôi thấy dịch vụ này khá hay và tiện lợi. Người dùng chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh tải ứng dụng (app), nạp tiền là sử dụng được dịch vụ. Các điểm bố trí thuận lợi, giá thuê xe rất rẻ, đi học hay đi chơi bằng xe đạp công cộng cũng thuận lợi".
Anh Nguyễn Văn Nam (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Thực sự là một trải nghiệm rất thú vị vì với những chiếc xe đạp điện công nghệ số, người dân có thể trả xe ở điểm trạm bất kỳ sau khi sử dụng và ngay cả khi số tiền thực có trong tài khoản không còn đủ, bạn vẫn có thể tiếp tục đi chuyển bằng xe đạp điện công cộng".
Cần phát triển xe đạp như một phương tiện "xanh"
Theo các chuyên gia, từ việc người dân hồ hởi đón nhận dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng, các cơ quan chức năng cần có một chiến lược xa hơn trong phát triển xe đạp như một phương tiện "xanh". Các cơ quan công chính và doanh nghiệp tại Hà Nội cần đi đầu trong phong trào hạn chế sử dụng xe máy, ô tô chạy bằng xăng, dầu, chuyển sang sử dụng xe đạp, xe buýt sạch, tàu điện, xe máy, ô tô điện.
Hiện Hà Nội đã cấp phép cho Công ty Vận tải số Trí Nam gần 80 điểm làm trạm xe đạp, ưu tiên ở những vị trí tốt nhất trong khu vực các quận nội thành. Đặc biệt là các khu vực gần nhà ga, bến tàu, trường học, công viên, trung tâm mua sắm,.
Ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang khẩn trương nghiên cứu hai tuyến đường dành riêng cho xe đạp và nếu đủ điều kiện sẽ triển khai vào năm 2024.
Thứ nhất, là đường chạy dọc sông Tô Lịch, có đường dành cho người đi bộ và có thể tận dụng để triển khai. Tiếp theo là hệ thống vỉa hè quanh Công viên Hòa Bình, mở rộng các không gian, tiếp cận các khu vực vui chơi du lịch, văn hóa, mua sắm...
Nhấn mạnh dư địa cho xe đạp công cộng còn rất lớn, đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, định hướng từ nay đến năm 2035, Hà Nội sẽ cơ bản hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị với tổng cộng 417km trên 10 tuyến. Ngoài ra, Sở cũng đang tổng rà soát toàn bộ mạng lưới tuyến buýt trên địa bàn. Trong tương lai, phần khung chính của vận tải công cộng vẫn là đường sắt đô thị, xe buýt. Đây là xương sống cơ bản, bên cạnh đó là hệ thống đường sắt khối lượng nhẹ, buýt nhanh BRT. Xe đạp công cộng là mắt xích để kết nối, gom khách đi vào đầu mối tập trung đi vào đường lớn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho hay, trong các loại hình vận tải công cộng hiện nay, xe đạp là loại hình cung ứng tốt. Hiện vẫn còn khoảng trống từ nhà đến các nhà ga. Điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ vận tải hành khách công cộng còn nhiều bất cập, trở ngại. Một số ngõ nhỏ, xe buýt không thể tiếp cận nên phương tiện chính của người dân là xe máy. Do đó, cần hướng tới chuyển đổi đi xe máy sang đi bộ hoặc xe đạp. Hành lang giao thông mới là những mảnh đất màu mỡ để khảo sát và mở rộng mạng lưới vận tải xe đạp công cộng.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, việc phát triển loại hình xe đạp công cộng để hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác (đường sắt đô thị, xe buýt) sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP. Hà Nội, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường và bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện.
Xét theo xu hướng thế giới, việc Hà Nội phát triển xe đạp là tất yếu để hướng tới phát triển Thủ đô theo hướng văn minh không ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường, tạo cảm giác thanh bình, thân thiện cho đường phố.
Diệu Anh