Doanh nghiệp Hà Nội bứt phá cho mục tiêu tăng trưởng năm 2022

16/07/2022 8:25 AM

(Chinhphu.vn) - Từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội cùng cả nước chuyển sang thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, hoạt động thương mại, dịch vụ mở cửa trở lại, hàng trăm doanh nghiệp hồi phục nhanh chóng đã góp phần tạo đà cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô.

Doanh nghiệp Hà Nội bứt phá cho mục tiêu tăng trưởng năm 2022 - Ảnh 1.

Công nhân sản xuất tại Khu công nghiệp Nội Bài (huyện Sóc Sơn). Ảnh: VGP/MInh Anh

Nhiều doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng lạc quan

GRDP 6 tháng đầu năm 2022 của TP. Hà Nội tăng 7,79% (trong đó riêng quý 2 tăng là 9,49%), gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,08 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 khi chưa xảy ra dịch COVID-19. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn được mở cửa trở lại đã tạo đà cho sự phục hồi phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó Thành phố tiếp tục quan tâm và triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. 6 tháng đầu năm 2022, các cấp, các ngành của Thành phố đã thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với gần 42.000 doanh nghiệp; giảm 2% VAT phân theo ngành kinh tế với số tiền 2.245 tỷ đồng; Hỗ trợ giảm trên 1.700 tỉ đồng lệ phí trước bạ (đạt 96% kế hoạch).

Theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, bên cạnh các chương trình kích cầu do thành phố Hà Nội tổ chức, như: Chương trình khuyến mại tập trung năm 2022, Tuần hàng Việt…, các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị điện máy lớn là Hapro, BRG, Co. opmart, Big C, Aeon Mall, Winmart, MediaMart, Pico, Nguyễn Kim… cũng tích cực vào cuộc, liên tục triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại lớn thu hút người tiêu dùng, đẩy mạnh mua sắm.

Nhìn nhận về công tác bình ổn thị trường, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co. opmart Hà Nội (quận Hà Đông), cho biết qua chương trình khuyến mại, kết nối tiêu thụ hàng hóa, Co.opmart có thêm nhà cung cấp mới, tạo cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa hàng hóa, nông sản địa phương vào hệ thống siêu thị lâu dài, ổn định.

Còn theo Giám đốc kinh doanh Hệ thống siêu thị điện máy MediaMart Vương Tuấn Anh, từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, sức mua các sản phẩm điện máy đã tăng nhanh. Với nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu mua sắm, thúc đẩy bán hàng trực tuyến, toàn hệ thống MediaMart đã tăng trưởng khoảng 200-300%.

Số liệu thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 336.000 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ tăng 7,2%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 218.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 65% và tăng 11,4%.

"Kết quả đó khẳng định hiệu quả của công tác phòng, chống dịch COVID-19, mở cửa nền kinh tế và việc triển khai các chương trình kích cầu nội địa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô," lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội đánh giá.

Dịp này, các địa phương đều tập trung mọi nguồn lực để chào đón và phục vụ khách du lịch. Một số công ty du lịch lớn đang có kế hoạch tăng tour hè năm nay so với kế hoạch ban đầu… Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Truyền thông Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, cho biết thực tế tính đến hết quý 2, doanh nghiệp đã đạt khoảng 60 - 70% kế hoạch kinh doanh hè. Công ty có kế hoạch tăng cường thêm tour cho mùa du lịch hè khoảng 20% nữa so với dự kiến. 

"Hiện chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường outbound và nội địa. Thực tế cho thấy, thị trường outbound bắt đầu sôi động hơn từ đầu tháng 6. Dự đoán từ nay đến cuối năm 2022, thị trường này sẽ chia sẻ bớt thị phần du lịch nội địa khi nhiều điểm đến hot đang dần được mở cửa đón khách trở lại," bà Thu nói.

Tạo thêm sức bật cho doanh nghiệp

Dự báo của Bộ Công Thương cho thấy triển vọng về tiêu dùng trong nước thời gian tới sẽ tích cực hơn do dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả, sản xuất phục hồi, ngành du lịch mở cửa... Đối với thành phố Hà Nội, nhiều doanh nghiệp cũng đẩy mạnh đầu tư, mở rộng sản xuất-kinh doanh sau một thời gian dài kìm nén bởi đại dịch COVID-19.

Để tạo thêm sức bật cho các doanh nghiệp, bà Trần Thị Phương Lan thông tin Hà Nội đã ban hành chương trình khuyến mại tập trung năm 2022, nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ.

Theo đó, từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mại, xúc tiến tiêu dùng, như sự kiện "Hanoi sales promotion 2022" và tháng 11/2022 tiếp tục tổ chức sự kiện "Hà Nội đêm không ngủ-Hanoi midnight sale 2022," "Hà Nội-Online xuống phố" gắn với ngày Black Friday, với các hình thức khuyến mại lên tới 100%.

Cùng với chuỗi chương trình khuyến mại tập trung, hoạt động xúc tiến thương mại cũng tiếp tục được triển khai nhằm hỗ trợ kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đáng chú ý là hoạt động liên kết vùng, đưa hàng hóa của các địa phương về Hà Nội; phát triển điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), cùng đó là tổ chức tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố; tổ chức khu gian hàng của thành phố Hà Nội trong khuôn khổ chương trình kết nối giao thương doanh nghiệp sản xuất-cung ứng, xuất khẩu khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ…

"Hà Nội sẽ tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất các tỉnh, thành phố tham gia cung ứng nông sản, thực phẩm và xúc tiến thương mại, mở các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, góp phần giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, đồng thời bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho Thủ đô," bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.

Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, thành phố tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các phương thức kinh doanh hiện đại phù hợp với nền kinh tế số và bối cảnh dịch COVID-19; hỗ trợ doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng trong nước.

Doanh nghiệp Hà Nội bứt phá cho mục tiêu tăng trưởng năm 2022 - Ảnh 2.

Hapro tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho sản phẩm thế mạnh. Ảnh: VGP/MInh Anh

Trong khi đó, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh với vai trò là đầu tàu trong kết nối cung cầu với cả nước, Chương trình Tháng khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội và Tuần hàng Việt năm 2022 với nhiều hoạt động hấp dẫn, thiết thực, đặc biệt với mức khuyến mại lên đến 100% sẽ là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng hiệu quả.

Các sự kiện này cũng thúc đẩy tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, giúp doanh nghiệp khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, những tháng cuối năm 2022, Thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư. Chủ động dự báo biến động của thị trường để có giải pháp thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu bền vững, nhất là cân đối về xăng, dầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Thực hiện đầy đủ các chính sách mới ban hành của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí; hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, để tháo gỡ khó khăn cũng như tạo đà cho doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2022, Hà Nội cần đẩy nhanh hiệu quả các thủ tục hành chính và các Nghị quyết mà Quốc hội cũng như Chính phủ đã ban hành trong thời gian vừa qua để giúp cho các doanh nghiệp thụ hưởng các chính sách đó. Tiếp theo là các chính sách hỗ trợ về tài chính tiền tệ, về thuế, phí, đã giảm thì tiếp tục kéo dài thời gian giảm cho đến tháng 6.2023. Đẩy mạnh các cái chương trình xúc tiến thương mại tại nội địa rồi tại quốc tế; Về một vài doanh nghiệp đã có những định hướng bước đi đúng sau đại dịch và đạt kết kinh doanh với những tín hiệu rất lạc quan trong quý II/2022 vừa rồi ông Mạc Quốc Anh dẫn chứng như: SHB Bank, Sunhouse, Tổng Cty May 10, Công ty CP XNK Caffe Minh Tiến, Tập đoàn Stavian…

Tổng thể các giải pháp đó sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tăng trưởng về doanh thu cho doanh nghiệp, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, đồng thời góp phần giúp thành phố Hà Nội đạt được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội như kế hoạch đề ra.

Minh Anh

Top