Doanh nghiệp khó nắm bắt cơ hội nếu chưa được ‘khơi thông’ vốn

27/03/2024 4:43 PM

(Chinhphu.vn) - Triển vọng thị trường năm 2024 với doanh nghiệp là sáng, nhưng nếu những khó khăn trước mắt, nhất là việc tiếp cận vốn tín dụng không được hỗ trợ “khơi thông” thì doanh nghiệp cũng khó nắm bắt cơ hội.

Doanh nghiệp khó nắm bắt cơ hội nếu chưa được ‘khơi thông’ vốn- Ảnh 1.

Các doanh nghiệp cần thêm trợ lực về vốn để nắm bắt cơ hội thị trường. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian qua, giá nhiên liệu đầu vào và lạm phát đứng ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất. Kinh tế thế giới chưa hồi phục đã khiến doanh nghiệp thiếu đơn hàng kéo theo sự sụt giảm sản xuất ngành công nghiệp.

Việc thiếu đơn hàng đã khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm hoặc việc làm của người lao động.

Mặc dù dự đoán hoạt động sản xuất năm 2024 sẽ đạt kỳ vọng hơn năm 2023, nhưng các doanh nghiệp đều cho rằng, cần thêm trợ lực nhất là vấn đề vốn để nắm bắt cơ hội thị trường.

Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ điện TOMECO Lê Quý Khả than rằng, hiện đơn vị đã trở thành nhà cung ứng cho Tập đoàn General Electrie-GE (Hoa Kỳ) nhưng để phát triển sản xuất đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cần có số vốn lớn nhưng hiện các ngân hàng đang áp dụng lãi vay lên đến 9,2%/năm. Đặc biệt, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay sản suất kinh doanh khi ngân hàng báo hết "room" tín dụng.

Còn theo bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nagakawa chia sẻ, việc quản lý hoạt động cho vay bằng room tín dụng có thời điểm cũng gây khó cho doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn cuối năm. Lãi suất thực tế dù đã giảm, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Trịnh Thị Ngân thì cho biết: "Tình trạng khó tiếp cận vốn vay chủ yếu ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa có khó khăn về tài chính. Hiện tại hầu hết các doanh nghiệp lớn, mạnh được thụ hưởng chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa ít được tiếp cận hoặc bị yêu cầu nhiều thủ tục, hồ sơ hơn".

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Vân cho biết, thực tế, các doanh nghiệp trong hiệp hội vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn, năng lực tài chính.

"Việc tiếp vốn cho doanh nghiệp là quan trọng, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp, để phục hồi và đón đầu các cơ hội trong năm 2024. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn nhiều", ông Vân chia sẻ.

Cần giải pháp để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn

Ông Vân cho biết, mặc dù doanh nghiệp đã có sự phục hồi sản xuất và xuất khẩu, nhưng đến nay vẫn chưa có khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại. Chưa kể lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ khí... cần đầu tư lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn dài.

Do vậy, doanh nghiệp cần được hỗ trợ để dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn. Các cơ quan cũng cần nghiên cứu để hạ các điều kiện tiếp cận vốn, cho vay linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp.

Thêm vào đó là các giải pháp kết nối để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiệp hội cũng đã tổ chức nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp với Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.

Thông tin về việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, Phó Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển TP. Hà Nội Kiều Quang Nghị khẳng định, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ưu đãi thuộc các lĩnh vực công, nông nghiệp, nông nghiệp nông thôn, y tế, giáo dục, văn hoá xã hội, sẽ luôn được quỹ tạo điều kiện vay với lãi suất 5,96%/năm, lĩnh vực bảo vệ môi trường là 2,6%/năm…

Với mục tiêu "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm", trong năm 2023, thành phố Hà Nội cũng đã giảm thuế giá trị gia tăng cho 105.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số tiền gần 29.000 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp với số tiền hơn 20.000 tỷ đồng… giúp doanh nghiệp dần phục hồi và phát triển.

Tổ công tác đặc biệt của UBND thành phố Hà Nội về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án trên địa bàn Thành phố cũng đã tổ chức nhiều phiên họp có sự tham gia của các bên liên quan.

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cam kết cùng với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đồng hành, kề vai sát cánh, tháo gỡ các vướng mắc, rào cản để các doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động thuận lợi.

Đồng thời, mong ngành ngân hàng tiếp tục quan tâm để doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn khi doanh nghiệp còn khả năng hấp thụ; đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất. Thành phố sẽ luôn đồng hành, nỗ lực triển khai các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Diệu Anh

Top