Doanh nghiệp Thủ đô giữ vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu

16/02/2024 11:18 AM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu của TP. Hà Nội năm 2023 đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Điều đáng ghi nhận là doanh nghiệp Hà Nội đã khẳng định sự tăng trưởng lớn mạnh thông qua việc giữ vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu, giảm dần sự lệ thuộc vào doanh nghiệp FDI.

Doanh nghiệp Thủ đô giữ vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu- Ảnh 1.

Doanh nghiệp Thủ đô dần giữ vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Vươn tới các mục tiêu xuất khẩu mới

Trong năm 2023, xung đột Nga - Ukraine, lạm phát thế giới tăng cao làm cho kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm khiến hoạt động xuất nhập khẩu bị thu hẹp. Ngoài ra, giá xăng dầu, gas, sắt thép…tăng khiến chi phí đầu vào của các ngành sản xuất, dịch vụ đều bị ảnh hưởng. Đồng thời, kinh tế thế giới chưa hồi phục đã khiến doanh thiếu đơn hàng kéo theo sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu của TP. Hà Nội năm 2023 đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt trên 54,4 tỷ USD trong đó xuất khẩu đạt 16,7 tỷ USD. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với năm trước như máy móc thiết bị phụ tùng đạt 2,068 tỷ USD, tăng 2,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,84 tỷ USD, tăng 17,2%; xăng dầu đạt 1,392 tỷ USD, tăng 1,5%; hàng nông sản đạt 1,075 tỷ USD, tăng 23%...

Điều đáng ghi nhận là doanh nghiệp Hà Nội đã khẳng định sự tăng trưởng lớn mạnh thông qua việc giữ vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu, giảm dần sự lệ thuộc vào doanh nghiệp FDI khi kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 đạt 9,5 tỷ USD , chiếm tỷ trọng 57%, tăng 3,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 43%, giảm 9,6%.

Kết quả này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình xuất khẩu hàng Việt ra thị trường thế giới.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội Lê Anh Tuấn, trước tình hình nhiều thị trường nước ngoài đóng cửa, đơn hàng bị hủy do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đơn vị đã cố gắng tìm kiếm thị trường mới, phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu. Cùng với đó, chủ động nguồn hàng xuất khẩu thông qua đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến hàng nông sản... Hiện nay, các mặt hàng của doanh nghiệp đã được xuất khẩu tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Các doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện những cách thức xuất khẩu mới như xúc tiến thương mại trực tuyến, xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử lớn hoặc tập đoàn bán lẻ nước ngoài như AEON, Central Retail, MM Mega Market...Đồng thời, đẩy mạnh kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, các nước EU...

Giám đốc Xuất khẩu Công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn Trần Thị Hoài Tú cho biết, nhờ chuyển đổi phương thức kinh doanh, chú trọng ứng dụng nền tảng số, quảng bá hàng hóa tại các sàn thương mại điện tử nên sản phẩm xuất khẩu Thạch Bàn qua sàn thương mại điện tử đã chiếm tỷ lệ 20% sản lượng hàng hóa.

Hoạt động xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba… đang là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp tăng cường triển khai bởi hình thức này giúp đơn vị tiết kiệm chi phí, thời gian chuyển hàng, trong khi lợi nhuận có thể tăng gấp 3 lần so với xuất khẩu theo cách truyền thống.

Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp, Sở đã thường xuyên cập nhật, thông tin kịp thời tình hình thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới, các quy định, văn bản chỉ đạo, điều hành mới liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu… để doanh nghiệp nắm bắt.

Thành phố cũng hỗ trợ các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu.

Trong năm 2024, ngành Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4 - 5% so với năm 2023. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đơn hàng xuất khẩu đang dần phục hồi kể từ quý IV/2023 là một trong những yếu tố để các doanh nghiệp xuất khẩu tin tưởng bức tranh thị trường 2024 sẽ khởi sắc hơn năm 2023.

"Trong thời gian tới, ngành Công Thương Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác các thị trường mới trên cơ sở tận dụng lợi thế các Hiệp định FTA. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Cập nhật thường xuyên, kịp thời những chính sách mới về nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới để phổ biến đến các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội", bà Trần Thị Phương Lan cho hay.

Ngoài ra, để hoạt động xuất khẩu tăng trưởng bền vững, ngành Công Thương sẽ chú trọng hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm làng nghề được xuất khẩu trực tiếp. Đồng thời, lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước...

Diệu Anh

Top