Đồng bộ giải pháp giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân

02/01/2023 4:37 PM

(Chinhphu.vn) - Với sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành cùng nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ người nghèo, tìm kiếm việc làm cho người lao động, năm 2022, công tác bảo đảm an sinh xã hội của TP. Hà Nội có nhiều điểm nhấn, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Hà Nội nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau - Ảnh 1.

Các phiên giao dịch việc làm của TP. Hà Nội năm 2022 đã thúc đẩy phát triển thị trường lao động.Ảnh: VGP

Tiếp sức người lao động vượt qua khó khăn

Trong năm 2022, với mục tiêu giải quyết việc làm cho 160.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống dưới 4%, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 72,2%, Thành uỷ, UBND TP. Hà Nội đã quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, ban hành nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh tình hình Thế giới và dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Để đảm bảo được các mục tiêu đề ra, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, trong năm 2022, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành của thành phố, cũng như các cơ quan ban ngành địa phương, đồng thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện công tác nghiên cứu, dự báo và đánh giá về tình hình thị trường lao động hiện tại, cũng như xu hướng phát triển và tác động kinh tế trong thời gian tới, xu hướng dịch chuyển ngành nghề sau dịch nhằm tìm ra những chính sách mới phù hợp để bảo đảm việc làm cho người lao động, đồng thời định hướng, cải thiện chất lượng nguồn lao động của TP. Hà Nội, hỗ trợ người lao động học nghề, mở rộng cơ hội nghề nghiệp sau khi dịch bệnh đang được kiểm soát.

Cùng với đó, Thành phố đã thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động đồng bộ từ Thành phố đến các quận, huyện, thị xã theo hướng hiện đại, tạo thuận lợi trong việc kết nối cung - cầu lao động của Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và các địa phương khác trên cả nước; hiện đại hóa hoạt động của hệ thống Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội, đặc biệt là hoạt động cung cấp thông tin thị trường lao động tại các phiên giao dịch việc làm chuyền đề, phiên giao dịch việc làm lưu động tại quận/huyện nhằm giúp đưa thông tin về cầu lao động đến trực tiếp với đối tượng cụ thể, để người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, đồng thời giúp các đơn vị doanh nghiệp tuyển dụng được lao động.

"Việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm đã mang lại những kết quả hết sức tích cực. Trong năm 2022, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 203 nghìn lao động, đạt 126,9% kế hoạch giao trong năm, tăng 13% so với năm 2021; tiếp nhận, xét duyệt và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho trên 70,2 nghìn người với kinh phí hỗ trợ 1.873 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 1,6 nghìn người với số tiền hơn 7 tỷ đồng", ông Hoàng Thành Thái cho biết.

Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt với sự vào cuộc chỉ đạo sát sao, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ cấp Thành phố đến cơ sở, với quyết tâm giúp người dân, doanh nghiệp sớm được thụ hưởng chính sách, góp phần chia sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống. 

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, toàn Thành phố đã thẩm định và phê duyệt hỗ trợ cho 2.610.829 lượt đối tượng với kinh phí 2.659,769 tỷ đồng. Và đã thực hiện hỗ trợ cho 2.610.829 lượt đối tượng với kinh phí 2.659,769 tỷ đồng, 100% số đối tượng được phê duyệt đã được nhận hỗ trợ.

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đã tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ hỗ trợ cho 417 nghìn lượt lao động của gần 14 nghìn doanh nghiệp với số tiền 219 tỷ đồng. Thành phố đã giải quyết hơn 23,5 nghìn hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công và thân nhân người có công với cách mạng với số tiền 85,5 tỷ đồng.

Đến nay, Thành phố đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp 12 tháng năm 2022 cho trên 82 nghìn người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 1.805 tỷ đồng, chi trả trợ cấp một lần là 150 tỷ đồng, chi điều dưỡng người có công 73,2 tỷ đồng. Trên địa bàn Thành phố hiện có 202,4 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và 2,8 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội đang được nuôi dưỡng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội của Thành phố.

Ngoài ra, Thành phố tiếp tục quan tâm thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, TP. Hà Nội đã tặng trên 1,9 triệu suất quà cho các đối tượng chính sách với tổng số tiền 724,7 tỷ đồng, đạt 183% kế hoạch, tăng 17,3% so với kết quả tặng quà Tết năm trước.

Chăm lo người nghèo, làm tốt công tác an sinh xã hội

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố Hà Nội Phạm Văn Quyết, phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới luôn là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt được thành phố Hà Nội quan tâm đặc biệt, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu trong quá trình thực hiện đổi mới, xây dựng và phát triển Thủ đô, trong đó, tổ chức triển khai thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ được coi là một giải pháp hết sức hiệu quả và thiết thực. 

Qua 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, đến nay Thành phố đã tập trung nguồn lực qua NHCSXH triển khai cho vay được trên 2 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 42.896 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 30.442 tỷ đồng, dư nợ bình quân chung của 17 chương trình tín dụng là 39 triệu đồng/khách hàng, tăng 37 triệu đồng/khách hàng so với thời điểm nhận bàn giao, trong đó, dư nợ bình quân chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 43,5 triệu đồng/hộ, tăng 42,5 triệu đồng/hộ so với thời điểm nhận bàn giao.

 "Đặc biệt, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vừa qua, Thành phố đã bố trí nguồn vốn 1.150 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH để cho vay hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giúp người lao động trên địa bàn ổn định cuộc sống", ông Phạm Văn Quyết cho hay.

Thực hiện công tác chăm lo các đối tượng xã hội nhân dịp Tết Nguyên đán hằng năm, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch tặng quà đối với các đối tượng hưởng chính sách, người có công; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; hộ nghèo; hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi; công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi tặng quà các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, đơn vị thực hiện chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Thành phố Hà Nội đã nâng mức quà đối với hộ nghèo từ 300.000 đồng/hộ lên mức 500.000 đồng/hộ. Mức quà (bằng tiền mặt) 300.000 đồng/người: Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng. Mức quà (bằng tiền mặt) 500.000 đồng/người: Người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (theo đề xuất của Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội).

Hà Nội nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau - Ảnh 3.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội đã vận động các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn các đồ dùng thiết yếu như: bình lọc nước, bồn nước, ấm chén, nồi cơm điện, các khoá học tiếng Anh, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ... trị giá trên 3,8 tỷ đồng. Ảnh: VGP/Minh Anh

Trước đó, trong tháng cao điểm "Vì người nghèo", Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội đã trích quỹ "Vì người nghèo" và vận động doanh nghiệp hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết và phương tiện, công cụ sản xuất, kinh doanh cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền 20,706 tỷ đồng, trong đó, trao hỗ trợ 200 nhà Đại đoàn kết trị giá 10 tỷ đồng; 20 con bò sinh sản trị giá 400 triệu đồng; 15 xe máy và 1 máy ép nước mía trị giá 306 triệu đồng; chuyển 10 tỷ đồng ủng hộ quỹ "Vì người nghèo" Trung ương.

Năm 2023 - năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2020-2025 có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đây cũng là năm đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Để góp phần quan trọng duy trì sự ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập sâu rộng, thực chất, trước mắt, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi trả lương, thưởng cho người lao động của doanh nghiệp và đời sống người lao động, nhất là người lao động bị mất việc, thiếu việc làm tạm thời để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão.

Trong tháng 1/2023, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay hiệu quả từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch việc làm.

Ngoài ra, Sở tiếp tục hoàn thành việc thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động trên địa bàn thành phố; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, Sở sẽ tham mưu UBND Thành phố tổ chức hội nghị thúc đẩy phát triển thị trường lao động trên địa bàn thành phố; ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, qua đó giảm thời gian giải quyết và nâng cao được tính chính xác về giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời kết nối hỗ trợ giới thiệu được việc làm cho người lao động.

Về chính sách giảm nghèo, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái chia sẻ trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục dành các nguồn lực nhằm giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân; trong đó, chú trọng quan tâm tới các đối tượng yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu…

Hiện khu vực xa trung tâm, các địa phương xây dựng kế hoạch giảm nghèo gắn liền với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, các địa phương cần tạo điều kiện cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất, chăn nuôi, tự tạo việc làm...

Với các khu vực đô thị, cận đô thị, ngoài chính sách chung, các quận, huyện, thị xã cần duy trì, nhân rộng những mô hình giảm nghèo hiệu quả. Chẳng hạn như mô hình "Tổ tương trợ" hỗ trợ hộ khó khăn ở quận Tây Hồ; mô hình "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo" ở quận Thanh Xuân… Đối với các hộ gặp khó khăn đột xuất, các đơn vị, địa phương chủ động huy động nguồn lực xã hội để kịp thời hỗ trợ.

Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025 đặt mục tiêu giảm từ 25-30% số hộ nghèo hàng năm; phấn đấu đến cuối năm 2025, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo.

Minh Anh

Top