Đồng hành cùng doanh nghiệp bán lẻ trong phát triển hạ tầng thương mại

08/04/2025 3:53 PM

(Chinhphu.vn) - Để đạt được mục tiêu tăng trưởng về tổng mức bán lẻ trên địa bàn Hà Nội, Sở Công Thương sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp bán lẻ trong việc phát triển hạ tầng thương mại, thu hút đầu tư, ứng dụng thương mại điện tử,…

Đồng hành cùng doanh nghiệp bán lẻ trong phát triển hạ tầng thương mại- Ảnh 1.

Hà Nội sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp bán lẻ trong phát triển hạ tầng thương mại. Ảnh: VGP/Bích Phương

Trong quý I/2025, Hà Nội đã thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá trước và sau dịp Tết Nguyên đán.

Cùng với kiểm soát tốt giá tiêu dùng, sự phục hồi mạnh mẽ của các nhóm ngành dịch vụ, du lịch đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2025 của Thành phố tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2024. Ước tính quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 226,3 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 13,3% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong bối cảnh năm 2025 tình hình chính trị và kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa trong và ngoài nước. Do đó, mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, nhưng so với mục tiêu Chính phủ giao tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu đạt 12%, đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá và sự cố gắng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, cần có các chính sách phát triển logictics; hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối bán lẻ để tiếp tục thúc đẩy tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ; tăng cường tổ chức các sự kiện kích cầu tiêu dùng với các địa phương theo các chương trình thiết thực, cụ thể; từ đó tăng niềm tin của người tiêu dùng, kích thích tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng sức mua giảm do người dân thắt chặt chi tiêu như hàng may mặc, dệt may, bia, rượu, nước giải khát, điện tử, gia dụng....

Đồng thời, kết nối du lịch với dịch vụ, mở các điểm bán hàng tại các khu du lịch phục vụ khách tham quan mua sắm; chú trọng phát triển các mặt hàng lưu niệm và quảng bá các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP... của các địa phương tới khách du lịch trong và ngoài nước.

Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, để thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ năm 2025, ngoài sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng, rất cần sự vào cuộc của chính doanh nghiệp bán lẻ. Bởi theo bà Lan, chúng ta yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước phải tiết giảm 30% thủ tục hành chính, tuy nhiên các doanh nghiệp bán lẻ chưa thực hiện được điều này, đặc biệt trong khâu thu mua sản phẩm đầu vào. Thời gian thanh toán cho các nhà cung cấp kéo dài từ 30-60 ngày, gây khó khăn cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, doanh thu nhỏ vốn ít mới giúp tăng trưởng bán lẻ.

Tại Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 4/4/2025, Bộ Công Thương đã giao chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 cho từng địa phương. Theo đó, Hà Nội phấn đấu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ở mức 18%.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng về tổng mức bán lẻ trên địa bàn Thành phố, Sở sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp bán lẻ trong việc phát triển hạ tầng thương mại, thu hút đầu tư, ứng dụng thương mại điện tử, nâng cao đội ngũ nhân lực quản lý nhân sự, đẩy mạnh liên kết giữa thị trường Hà Nội và các địa phương.

Đồng thời, đẩy mạnh đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống bán lẻ hiện đại; phát triển mô hình tiêu dùng xanh, phát triển bền vững.

Bích Phương

Top