Dự án đường sắt đô thị: Cần sớm thống nhất một tiêu chuẩn kỹ thuật

19/01/2024 3:09 PM

(Chinhphu.vn) - Việc sớm thống nhất một quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường sắt đô thị tại Việt Nam là hết sức cần thiết bởi với đường sắt đô thị do phải huy động nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau nên cũng đặt ra nhiều thách thức liên quan đến tính đồng bộ, tính tương thích liên quan tới các thông số kỹ thuật chủ yếu của các tuyến đường sắt đô thị.

Dự án đường sắt đô thị: Cần sớm thống nhất một tiêu chuẩn kỹ thuật- Ảnh 1.

Việc sớm thống nhất một quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường sắt đô thị tại Việt Nam là hết sức cần thiết. Ảnh: Internet

Còn thiếu đồng nhất

Phát biểu tại phiên hội thảo 4 với chuyên đề "Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị" diễn ra ngày 19/1, Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ mục tiêu "Hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội (có tính kết nối với Vùng Thủ đô) và TPHCM vào năm 2035".

Bên cạnh 10 tuyến với 417,8km đường sắt đô thị được quy hoạch từ trước, sau khi rà soát mạng lưới giao thông, Hà Nội đã đặt vấn đề xây dựng thêm 7 tuyến, tổng chiều dài 178km đường sắt đô thị nữa. Đó là mục tiêu rất nặng nề, đòi hỏi thành phố phải có sự chuẩn bị tốt về mọi mặt.

Thực tế triển khai hai dự án đường sắt đô thị (số 2A,và 3.1) tại Hà Nội, cũng như tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên tại TPHCM cho thấy, một trong những khó khăn vướng mắc chủ yếu khiến thời gian thực hiện kéo dài, gây lãng phí nguồn nhân lực là thiếu thống nhất, đồng bộ tiêu chuẩn Quy chuẩn, kỹ thuật.

Các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho nhiều dự án không đồng bộ và khác nhau dẫn đến khó khăn trong quá trình thi công, nghiệm thu công trình và duy tu bảo dưỡng về sau.

Đồng quan điểm, TS Phan Hữu Duy Quốc cho rằng: "Không thể đạt được mục tiêu với cách làm cũ. Hiện trạng áp dụng tiêu chuẩn cho các tuyến đường sắt đô thị ở nước ta hiện nay chưa đồng nhất".

Tiêu chuẩn kỹ thuật từng tuyến đường sắt đô thị thay đổi theo yêu cầu của nhà tài trợ vốn, có thể theo công nghệ Nhật Bản, Trung Quốc, hoặc châu Âu. Dẫn đến nhiều khác biệt, ví dụ như việc thiết kế khác nhau cho 4 đường hầm Metro khiến máy đào ngầm TBM phải nằm chờ đến lúc có đường hầm cùng đường kính, không thể chuyển từ dự án này sang dự án khác.

TS Phan Hữu Duy Quốc cũng nhấn mạnh đến các vấn đề tiềm tàng khi sử dụng nhiều tiêu chuẩn khác nhau như gây lãng phí nguồn lực do không tận dụng được thiết bị, sản phẩm kỹ thuật (bản vẽ, tính toán, kinh nghiệm thi công…). Hay đội ngũ kỹ sư lành nghề ở dự án này có thể không có kinh nghiệm ở dự án khác.

Không có sự thống nhất về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật còn dẫn đến khác biệt trong cách vận hành và khai thác, gây khó khăn trong việc kết nối giữa các tuyến đường sắt đô thị, hay công tác thẩm tra, thẩm định vì mỗi tiêu chuẩn đòi hỏi sự hiểu biết và kinh nghiệm khác nhau.

Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kinh nghiệm; tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, đôi khi là sự thiên vị cho các công ty ở quốc gia tạo có quyền đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật.

TS Phan Hữu Duy Quốc đề xuất, cần thiết phải phát triển một hệ thống tiêu chuẩn thống nhất cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị của Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống tiêu chuẩn cần rất nhiều thời gian và chi phí vì nó phải dựa trên một quá trình nghiên cứu lâu dài và có hệ thống.

"Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống đường sắt đô thị trong thời gian tới, tôi đề xuất việc áp dụng một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật sẵn có, với những điều kiện đặc thù mang tính địa phương như tải trọng, môi trường", TS Phan Hữu Duy Quốc nói.

Ưu tiên xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan công trình

Bàn về vấn đề thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ quản lý dự án đường sắt đô thị, TS Lê Công Thành, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông vận tải cho biết, những năm gần đây, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải đã và đang triển khai xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các hệ thống đường sắt đô thị theo xu hướng chung là chuyển dịch (hoàn toàn về nội dung) các tiêu chuẩn của EN, IEC, ISO… thành các tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tham chiếu các tiêu chuẩn này để xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với Việt Nam, trong đó ưu tiên xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực công trình, phương tiện, khai thác, vận hành và bảo trì.

Theo TS Lê Công Thành, do đường sắt đô thị là hệ thống phức tạp liên quan đến rất nhiều chuyên ngành, bao gồm: Công trình, cơ khí, vật liệu, điện, điện tử, thông tin tín hiệu, công nghệ thông tin… khối lượng các tiêu chuẩn liên quan đến đường sắt đô thị rất lớn, trong khi nguồn lực (cả về nhân lực, kinh phí) còn hạn chế nên kết quả công tác xây dựng ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đường sắt đô thị còn hạn chế.

Vì vậy, TS Lê Công Thành cho rằng, cần thiết phải có tổng hợp và so sánh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của đường sắt đô thị tại các nước phát triển trên thế giới và Việt Nam, từ đó nghiên cứu, phân tích, đánh giá và đề xuất xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định hướng danh mục các tiêu chuẩn của hệ thống tiêu chuẩn cho đường sắt đô thị phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tại Việt Nam, phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn tiên tiến, đang ứng dụng phổ biến trên thế giới.

Việc sớm thống nhất một quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường sắt đô thị tại Việt Nam là hết sức cần thiết bởi với đường sắt đô thị do phải huy động nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau nên cũng đặt ra nhiều thách thức liên quan đến tính đồng bộ, tính tương thích liên quan tới các thông số kỹ thuật chủ yếu của các tuyến đường sắt đô thị.

Chẳng hạn như, yêu cầu thống nhất về diện tích tiết diện hầm đường sắt đô thị; yêu cầu chuẩn hóa phương thức lấy điện của tàu; yêu cầu chuẩn hóa hệ thống điều khiển kết nối với trung tâm điều hành OCC…

Nói cách khác, việc sớm có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam sẽ góp phần giúp tăng khả năng tự chủ hướng tới công nghiệp hóa ngành đường sắt, giảm chi phí sửa chữa, bảo dưỡng.

Còn theo TS Nguyễn Thị Hoài An, Khoa Vận tải và Kinh tế đường sắt (Trường Đại học Giao thông Vận tải), tiêu chuẩn hóa là điều kiện tiên quyết quan trọng cho sự đổi mới và sự an toàn của hệ thống đường sắt. Tiêu chuẩn là thước đo, tiềm năng kỹ thuật làm tăng khả năng đổi mới và khả năng cạnh tranh quốc tế; tăng chất lượng vận hành; tăng lợi thế về chi phí…

Diệu Anh

Top