Đưa nông sản an toàn vào hệ thống bán lẻ hiện đại

23/05/2023 9:42 AM

(Chinhphu.vn) - Đưa nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi… là mong muốn của không ít doanh nghiệp, Hợp tác xã nông nghiệp nhằm ổn định “đầu ra”, nâng cao giá trị kinh tế, phát triển thương hiệu.

Đưa nông sản an toàn vào hệ thống bán lẻ hiện đại - Ảnh 1.

Người tiêu dùng mua hàng hóa, nông sản tại hệ thống bán lẻ. Ảnh: VGP/Bích Phương

Những năm qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm với các hợp tác xã, hộ sản xuất, qua đó chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, ổn định được "đầu vào" và "đầu ra".

Ông Hoàng Văn Khảm, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) chia sẻ, rau, củ, quả của hợp tác xã chủ yếu cung ứng vào hai hệ thống siêu thị bán lẻ Big C và Vinmart, các bệnh viện, trường học lớn của Hà Nội. Nhờ cung ứng vào chuỗi nông sản an toàn, thương hiệu nông sản của hợp tác xã ngày càng được khẳng định, được người tiêu dùng đón nhận.

Bày tỏ mong muốn được kết nối tiêu thụ sản phẩm nho hạ đen, anh Nguyễn Hữu Hợi, ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) cho biết, gia đình anh đang trồng nho hạ đen theo quy trình VietGAP kết hợp với du lịch trải nghiệm. Hiện, trung bình mỗi năm vườn nho cho thu hoạch 2 vụ vào tháng 6 và tháng 10, sản lượng khoảng 3,5 - 4 tấn/vụ.

"Tôi mong muốn được các cơ quan quản lý hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp đưa sản phẩm nho hạ đen vào kênh siêu thị bán lẻ, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn Thành phố. Từ đó, giúp gia đình nâng cao thu nhập, có nguồn vốn quay vòng đầu tư mở rộng sản xuất", anh Hợi nói.

Để đưa được hàng hóa nông sản bảo đảm chất lượng vào chuỗi siêu thị hiện đại nói chung, hệ thống bán lẻ của Tập đoàn Central Retail nói riêng, bà Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, Tập đoàn sẽ triển khai nhiều hoạt động, như cung cấp thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung cấp địa phương về các điều kiện, thủ tục, giấy tờ để đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị của Tập đoàn Central Retail Việt Nam. Đối với các sản phẩm chưa đủ điều kiện đưa vào hệ thống ngay thì tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất hoàn thiện các điều kiện, thủ tục trong thời gian nhanh nhất.

Còn theo đại diện Phòng Thu mua ngành thực phẩm tươi sống, Công ty TNHH AEON Việt Nam, để có thể đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại các hệ thống siêu thị và sàn thương mại điện tử, hàng hóa cần đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của các đơn vị bán lẻ hiện đại. Trước tiên, sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, chất lượng ổn định, an toàn cho sức khỏe.

Ngoài ra các khâu vận chuyển (logistics), ổn định giá bán phải được tối ưu và bảo đảm. Các nhà cung cấp cũng cần chú ý việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc hàng hóa và tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm.

Để có thể đặt chân vào hệ thống bán lẻ hiện đại, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, hợp tác xã nông sản cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về hồ sơ như các loại giấy tờ về đăng ký kinh doanh, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm, hồ sơ công bố chất lượng các quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP..., báo giá và hàng mẫu... Căn cứ trên các thông tin này, phía hệ thống bán lẻ sẽ tổ chức kiểm tra, kiểm định sản phẩm và đánh giá đơn vị có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để cung ứng hàng hóa vào siêu thị hay không.

Với những điều kiện này, buộc các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất, hoạt động theo hướng quy mô, chuyên nghiệp và bài bản hơn, xóa dần cách sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát kém chất lượng trước đây.

Việc kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân với hệ thống bán lẻ hiện đại sẽ góp phần giải quyết nhu cầu từ cả hai phía. Cụ thể, hệ thống bán lẻ sẽ được đáp ứng nhu cầu về nguồn hàng hóa chất lượng, thường xuyên, đảm bảo an toàn thực phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng. Đơn vị sản xuất thì có đầu ra ổn định để chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. 

Nhưng để làm tốt hoạt động này còn cần sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của chính quyền các địa phương, nhất là hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu bảo đảm sản xuất an toàn, tạo điều kiện cho nền sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

Về phía cơ quan chức năng, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết,  thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung chỉ đạo sản xuất bền vững theo quy hoạch; công khai phát triển vùng, khu vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp ổn định lâu dài, sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh.

Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ nông dân chủ động lập quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn được các bộ, ngành xây dựng và ban hành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Từ đó, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị hàng nông sản.

Bích Phương

Top