Giá cả hàng hóa thiết yếu tương đối ổn định
(Chinhphu.vn) - Trong thời gian qua, công tác bình ổn giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân tiếp tục được TP. Hà Nội quan tâm, chỉ đạo.
Điển hình là TP. Hà Nội triển khai, thực hiện tốt Kế hoạch số 185/KH-UBND về thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2024, nhằm bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô về các mặt hàng thiết yếu trong mùa mưa bão, những ngày lễ, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và các thời điểm dịch bệnh bất thường xảy ra.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, trong tháng 7, giá cả các mặt hàng thiết yếu tương đối ổn định. Chẳng hạn, giá thịt lợn hơi dao động ở mức 64.000-65.000 đồng/kg (giảm khoảng 5.000 đồng so với cùng kỳ tháng trước); giá thịt lơn bán lẻ tại các chợ ổn định so với cùng kỳ tháng trước, từ 140.000-145.000 đồng/kg tùy loại. Tại các siêu thị giá thịt lợn từ 129.000-160.000 đồng/kg tùy loại.
Giá thịt bò tương đương so với tháng trước, giá thịt bò tại chợ đầu mối dao động từ 270.000-320.000 đồng/kg; tại các chợ bán lẻ từ 280.000-350.000 đồng/kg; tại các siêu thị từ 285.000-358.000đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá thủy, hải sản, thịt và trứng gia cầm tương đương so với tháng trước. Tại các chợ, giá cá dao động từ 60.000-115.000 đồng/kg; tôm sú 400.000-450.000 đồng/kg,... Giá thịt gà ở mức 140.000-200.000 đồng/kg; trứng gà ta, trứng vịt giá 31.000-33.000 đồng/chục, trứng gà công nghiệp 26.000-28.000 đồng/chục.
Về mặt hàng rau xanh tăng khoảng 5%-20% so với tháng trước. Nguyên nhân là do ảnh hưởng mưa lớn liên tục kéo dài từ nửa cuối tháng 7/2024, nhiều diện tích rau màu bị ngập úng, ảnh hưởng đến nguồn cung nhiều loại rau, củ, nhất là các loại rau xanh. Điều kiện thời tiết bất lợi, một số khu vực ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Mê Linh, Thường Tín, Chương Mỹ, Quốc Oai... ngập lụt khiến việc vận chuyển rau gặp khó khăn.
Thêm vào đó, một số loại rau vụ hè thu sắp hết mùa như mồng tơi, rau dền... cũng bắt đầu giảm sản lượng để chuẩn bị gieo trồng cho các loại rau vụ đông.
Cụ thể, tại chợ bán buôn, giá cà chua 20.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg); rau mồng tơi 6.000 đồng/mở (tăng 2.000 đồng/mớ); rau muống 10.000 đồng/mớ (tăng 3.000 đồng/mớ); rau ngót 7.000 đồng/mở (tăng 2.000 đồng/mớ); rau cải ngọt 30.000 đồng/kg...
Tại các chợ bán lẻ: cà chua giá dao động 22.000-27.000 đồng/kg; rau muống 10.000-12.000 đồng/mớ (tăng 2.000 – 4.000 đồng/mớ); rau ngót 8.000 – 9.000 đồng/mớ (tăng 2.000 đồng/mớ); rau mùng tơi 8.000-9.000 đồng/mớ (tăng 1.000-2.000 đồng/mớ; bí xanh 18.000 đ/kg; bí đỏ 15.000 đ/kg...
Ngoài ra, nguồn cung các mặt hàng gạo trong nước tương đối dồi dào, ổn đinh so với tháng trước, dao động từ 18.000-33.000 đồng/kg tùy loại.
Nhằm bình ổn thị trường, nhiều hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá sâu cho hàng nghìn mặt hàng. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông tập đoàn Central Retail Việt Nam (hệ thống siêu thị GO!, Big C) cho biết, dịp này, đơn vị cung cấp nhiều loại sản phẩm thực phẩm tươi sống có giá cạnh tranh so với chợ truyền thống, giúp cho người dân đi mua sắm giá cả tốt nhất với hàng hóa đầy đủ tiêu chuẩn an toàn và chất lượng quốc tế.
Cụ thể, rau củ tươi và trái cây được ưu đãi lên đến 30% như thanh long ruột đỏ, ổi nữ hoàng, kiwi Zespri vàng, bưởi đường lá cam, cà chua Beef VietGAP, khoai lang giống Nhật, xà lách thủy tinh thủy canh, cải bó xôi… Các loại thịt, cá, hải sản cũng giảm lên đến 25% như ba rọi heo rút sườn, đùi bò, má đùi gà, cá ngừ, cá thát lát nạo tươi, mực ghim trứng…
Tại hệ thống siêu thị Co.op Mart, từ nay đến hết ngày 14/8, hệ thống tổ chức chương trình khuyến mại giảm giá đến 50% cho hàng chục loại sản phẩm sữa và chế phẩm từ sữa; các mặt hàng tươi sống, thịt các loại, thủy hải sản có mức giảm từ 15-30%...
Sở Công Thương Hà Nội nhận định, dự báo trong thời gian tới, nguy cơ dịch tả lơn châu Phi lan diện rộng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn, do đó giá thịt lợn trong tháng 8 vẫn ở mức cao; giá rau củ vẫn tăng nhẹ do ảnh hưởng của thời tiết, thiết hụt nguồn cung. Còn các mặt hàng thực phẩm khác, nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân, giá cả ổn định.
Bích Phương