Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia mạng lưới phân phối nước ngoài

04/11/2024 11:07 AM

(Chinhphu.vn) - Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia mạng lưới phân phối nước ngoài được xem là giải pháp giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt về giá cũng như quảng bá thương hiệu.

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia mạng lưới phân phối nước ngoài- Ảnh 1.

Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội tiếp cận mạng phân phối nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh: VGP/Bích Phương

Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu

Để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, mới đây, thành phố Hà Nội đã ban hành đề án "Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030", với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp...

Theo đó, Hà Nội dự kiến hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường như cập nhật thông tin về nhu cầu, xu hướng phát triển của thị trường thế giới và các chuỗi cung ứng quốc tế; phổ biến chính sách của các nhà phân phối; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực cung ứng cho thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp từng bước thích nghi, chuyển đổi sản xuất đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu…

Tham gia mạng lưới phân phối nước ngoài được xem là giải pháp giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt về giá cũng như quảng bá thương hiệu. Ngoài sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp của cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng cần sự trợ lực từ các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới.

Thực tế, với sự hỗ trợ của các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới như AEON, Central Retail, Walmart…, cơ hội để các doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường, xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài ngày càng nhiều.

Câu chuyện của Tập đoàn AEON Nhật Bản là ví dụ. Với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của AEON đạt 1 tỷ USD vào năm 2025, tập đoàn này đã chủ động tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP thường niên tại Trung tâm thương mại AEON Mall Hà Đông và AEON Mall Long Biên.

Thông qua hội chợ, bộ phận thu mua của AEON khảo sát, lựa chọn sản phẩm phù hợp. Doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương, tìm kiếm cơ hội trở thành nhà cung cấp của hệ thống AEON.

Cũng là đơn vị tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi mạng lưới phân phối nước ngoài, Tập đoàn Central Retail đã triển khai thường xuyên chương trình Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Paul Le cho biết, tại hệ thống siêu thị Tops của Central Retail Thái Lan, nhiều mặt hàng Việt Nam được ưa chuộng như: Nhãn, thanh long, phở, bún, cà phê, chè…

Tuy nhiên, để trở thành nhà cung ứng cho hệ thống phân phối hiện đại không dễ, cần phải đáp ứng những đòi hỏi nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chất lượng…

Sẵn sàng tiếp cận hệ khi có cơ hội

Theo Sở Công Thương Hà Nội, nội dung quan trọng của đề án "Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030" là xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Hà Nội với các mạng lưới phân phối nước ngoài, hướng tới mô hình sản xuất - xuất khẩu - phân phối ổn định, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, không chỉ nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới phân phối nước ngoài, thành phố Hà Nội còn mong muốn hướng đến mục tiêu làm thay đổi tư duy sản xuất theo hướng bài bản, bền vững.

Qua đó, tăng cường khả năng cạnh tranh lâu dài của doanh nghiệp; thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất xanh, sạch, bền vững, chế biến hàng xuất khẩu có chất lượng cao, mang lại giá trị gia tăng cao cho hàng hóa xuất khẩu Hà Nội.

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh hướng dẫn doanh nghiệp về tiêu chuẩn, quy trình cung ứng hàng hóa, Thành phố nên nghiên cứu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp Hà Nội chủ động phát triển hệ thống phân phối tại thị trường nước ngoài.

Còn theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương, qua hoạt động kết nối, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt yêu cầu, chủ động nâng cao năng lực kinh doanh, chất lượng sản phẩm một cách bài bản, sẵn sàng tiếp cận hệ thống phân phối của nước ngoài khi có cơ hội.

Ông Nguyễn Ánh Dương cho biết, Tập đoàn AEON là một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật Bản, hiện là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới, với 179 liên doanh trong và ngoài Nhật Bản. Nông sản Việt Nam có chất lượng được nhiều nước trong khu vực và trên thế giới tin dùng.

Vì vậy, Tập đoàn AEON luôn mong muốn đưa sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam vào bày bán tại các siêu thị AEON ở Việt Nam, từ đó mở rộng ra các siêu thị AEON ở Đông Nam Á cũng như hệ thống AEON ở Nhật Bản. Tuy nhiên, AEON có những quy định khắt khe về kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi nhập hàng như xác định nguyên vật liệu đầu vào, quy trình sản xuất của nhà máy, quy định chất lượng từng sản phẩm, tồn dư hóa chất nông nghiệp, chất kháng sinh…

Do vậy, để trở thành nhà sản xuất của AEON, các doanh nghiệp còn cần tuân thủ 2 tiêu chuẩn gồm: Tiêu chuẩn đánh giá về trách nhiệm xã hội về nhận quyền, điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn đánh giá nhà máy về trang thiết bị đáp ứng chất lượng tiêu chuẩn sản phẩm.

Có thể thấy, để hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại các siêu thị quốc tế, doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ và trọng tâm là bảo đảm chất lượng hàng hóa. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần chú trọng chế biến, đóng gói, xây dựng thương hiệu, câu chuyện của sản phẩm…

Bích Phương

Top