Giải pháp khắc phục hệ thống thoát nước ngập úng trên địa bàn TP. Hà Nội

11/12/2023 6:14 PM

(Chinhphu.vn) - Không thể phủ nhận những nỗ lực, kết quả mà TP. Hà Nội đã đạt được trong công tác thoát nước thời gian qua, tuy nhiên úng ngập là “bài toán” không chỉ đơn thuần dành cho đô thị mà cần sự phối hợp hành động một cách đồng bộ.

'Điệp khúc' úng ngập xảy ra khi mưa lớn xối xả

'Điệp khúc' Hà Nội cứ mưa lớn là ngập sâu được lặp lại nhiều năm nay. Khoảng 15 năm trước, hễ nói đến úng ngập nghiêm trọng ở Hà Nội, mọi người thường nghĩ ngay tới những "rốn nước" như ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nguyễn Du - Bà Triệu, Nguyễn Khuyến, Ngọc Lâm (Long Biên)... Với sự nỗ lực chung của thành phố, ngành thoát nước, nhiều "điểm đen" đó đã được xử lý triệt để, khắc phục. Tuy nhiên, những điểm úng ngập cục bộ do mưa lớn lại đang có dấu hiệu chuyển dịch sang các khu đô thị mới, đặc biệt là ở phía tây thành phố.

Giải pháp khắc phục hệ thống thoát nước ngập úng trên địa bàn TP. Hà Nội- Ảnh 1.

Về khách quan, úng ngập xảy ra do mưa lớn xối xả trong thời gian ngắn khiến hệ thống thoát nước bị quá tải. Ảnh: Vnexpress

Về khách quan, úng ngập xảy ra do mưa lớn xối xả trong thời gian ngắn khiến hệ thống thoát nước bị quá tải. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, nhiệt độ trái đất nóng lên khiến không chỉ Hà Nội, Việt Nam mà nhiều quốc gia có hạ tầng phát triển hiện đại như Mỹ, các nước châu Âu... cũng rơi vào cảnh úng ngập do hiện tượng thời tiết cực đoan.

Với tốc độ đô thị hóa cao, trong khi các nguồn tự chảy, tự tiêu bị thu hẹp, rõ ràng sẽ khó tránh úng ngập.

Nguyên nhân nữa phải nhắc đến đó là do thực trạng dầu mỡ thực phẩm chưa qua xử lý tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các nhà hàng xả thải trực tiếp cũng gây áp lực lớn lên hệ thống thoát nước.

Mặc dù thời gian qua, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã nghiên cứu, triển khai lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ nhưng hiệu quả chưa cao, nhiều cống thoát nước vẫn bám dính dầu mỡ, gây khó khăn cho ngành cấp thoát nước.

Thực tế cho thấy, nhiều nhà hàng đường phố, mở ở vỉa hè đều đổ nước rửa bát đĩa trực tiếp xuống miệng cống trên vỉa hè trước nhà. Khi công nhân môi trường cậy nắp cống để vệ sinh thì bên dưới là thứ nước sóng sánh nhiều dầu mỡ, cặn thức ăn thừa tạo thành.

Thực trạng nguồn nước thải đông đặc ngay ở miệng cống xảy ra ở phố Lương Ngọc Quyến (quận Hoàn Kiếm). Đếm sơ qua trên tuyến phố ngắn này có khoảng hơn 20 cửa hàng ăn uống hằng ngày xả chất thải trực tiếp ra cống thoát nước.

Chị N.H.L, người dân phố Lương Ngọc Quyến cho biết, đa số người bán hàng đều đổ nước thải từ xoong nồi xào nấu xuống miệng cống thu nước thải. Không chỉ tại trung tâm, dọc sông Tô Lịch, sông Nhuệ ở khu vực nội thành hiện cũng có nhiều họng thoát nước thải của các hộ dân và cơ sở kinh doanh ăn uống, sửa xe... xả thẳng xuống lòng sông.

Đại diện Xí nghiệp Thoát nước số 1 (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) cho biết, quá trình nạo vét hệ thống thoát nước, công nhân thường xuyên đối mặt tình trạng dầu mỡ thực phẩm bám vào thành cống lâu ngày và tích tụ thành bè mảng lớn. Nếu không kịp thời xử lý rất dễ xảy ra tắc nghẽn dòng chảy. Do đó, ở những khu vực có nhiều dầu mỡ thải ra hệ thống thoát nước, xí nghiệp phải tăng nhân công, thiết bị để kịp thời khơi thông dòng chảy, giảm tắc nghẽn cục bộ hệ thống thu gom nước thải.

Tốc độ phát triển đô thị cần phải tương thích với tốc độ phát triển hạ tầng

Theo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, từ năm 2018, công ty đã kiểm tra và phát hiện hàm lượng dầu mỡ thực phẩm trong nước thải của hệ thống thoát nước đều cao vượt nhiều lần so với quy định cho phép trong Quy chuẩn Việt Nam QCVN 14: 2008/BTNMT (cột B). Trong đó, nước thải xả ra tại các nhà hàng, cơ sở dịch vụ có hàm lượng dầu mỡ cao hơn hàng trăm đến hàng nghìn lần cho phép.

Trước tình trạng này, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội nghiên cứu, chế tạo, đưa vào sử dụng thiết bị tách dầu mỡ với tác dụng làm thay đổi hướng dòng chảy của nước thải chứa dầu mỡ. Thiết bị sẽ giữ lại dầu mỡ, bùn và các chất cặn lắng trong các ngăn chứa, tạo hiệu quả xử lý 90-95% lượng mỡ dầu thải ra.

Theo đó, từ năm 2018, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã lắp đặt gần 300 thiết bị tách dầu mỡ trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên, cho đến nay, số cơ sở kinh doanh dịch vụ tiến hành lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ vẫn dừng ở con số 300 thiết bị như thời điểm ban đầu, số lượng quá ít để giải quyết những bất cập liên quan.

Theo đại diện Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, để các cơ sở sản xuất, kinh doanh quan tâm, thực hiện lắp đặt các thiết bị tách dầu mỡ cần có quy định cụ thể quy định các cơ sở phải lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ thực phẩm. Việc này cần được nghiêm túc thực hiện, bởi tốc độ đô thị hóa, phát triển của Thủ đô đang rất mạnh mẽ kéo theo nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ra đời, tạo thêm gánh nặng đối với hệ thống thoát nước thải của Hà Nội. Vì vậy, đây chính là giải pháp quan trọng nhằm làm sạch hệ thống thoát nước, góp phần giảm thiểu tình trạng ngập úng khi mưa lớn xảy ra.

Ngoài ra, cơ quan chức năng và các địa phương cần tăng cường tuyên truyền tác hại của dầu mỡ với nguồn nước xả thải và những hữu ích từ thiết bị bóc tách dầu mỡ, qua đó nhân rộng giải pháp hiệu quả, góp phần giảm áp lực ở mức thấp nhất cho việc tiêu thoát nước của Thủ đô.

Để giải quyết tình trạng hê thống thoát nước bị quá tải, GS.TS.KTS Lê Quân, Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, một trong những giải pháp để giải quyết tình trạng ngập úng tại Hà Nội là dùng các máy bơm để tiêu thoát nước. Cần giải quyết đồng bộ, có hệ thống để chống ngập bền vững, xây dựng hệ thống đa hạ tầng đồng bộ hơn, giải quyết môi trường hoàn hảo hơn. Chẳng hạn như, toàn bộ hệ thống giao thông phải đi kèm với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống cống thoát nước. Tốc độ phát triển đô thị phải tương thích với tốc độ phát triển hạ tầng.

Liên quan đến vấn đề khắc phục tình trạng ngập úng vẫn xảy ra tại nhiều nơi trên địa bàn trong thời gian tới. UBND TP. Hà Nội cho biết, hệ thống thoát nước thành phố đã được đầu tư xây dựng nhiều trong các năm vừa qua nhưng còn một số khu vực chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ theo kịp tốc độ đô thị hoá. Một số tuyến thoát nước, đặc biệt là hệ thống thoát nước khu vực nội thành cũ thuộc lưu vực sông Tô Lịch đã được đầu tư xây dựng qua nhiều năm, hiện đã xuống cấp chưa bảo đảm khả năng phục vụ thoát nước đô thị.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố còn tồn tại 30 điểm úng ngập tương ứng với lượng mưa (11 điểm úng ngập với các trận mưa từ 50-70mm/h; với các trận mưa có cường độ cao tập trung trong thời gian ngắn, lượng mưa đến 100mm/h xuất hiện thêm 19 điểm ngập cục bộ).

Để khắc phục tình trạng ngập úng, trước mắt, Sở Xây dựng Hà Nội chủ động ban hành kế hoạch bảo đảm thoát nước chống úng ngập khu vực nội thành thành phố Hà Nội mùa mưa năm 2023.

UBND các quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch duy tu, duy trì hệ thống thoát nước, quản lý mực nước các hồ theo phân cấp đồng bộ với hệ thống thoát nước thành phố quản lý;

Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị duy trì thoát nước trên địa bàn do thành phố quản lý theo phân cấp giải quyết thoát nước khi mưa lớn, đặc biệt đối với khu vực các quận nội thành; chỉ đạo các phường sở tại kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh không xây bục bệ, không đặt các tấm chắn vật cản tại các ghi, ga thu nước làm cản trở công tác tiêu thoát nước khi mưa; không thải trực tiếp dầu mỡ vào hệ thống thoát nước gây ách tắc dòng chảy và thực hiện xử lý các hành vi vi phạm...

Về lâu dài, UBND TP. Hà Nội đang chỉ đạo tập trung nguồn lực triển khai sớm các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước theo quy hoạch thoát nước. Hiện tại, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố 04 dự án thoát nước và xử lý nước thải tại Kỳ họp thứ XIII, HĐND Thành phố, dự kiến tiếp tục trình 03 dự án vào kỳ họp cuối năm 2023 của HĐND Thành phố.

Thùy Chi

Top