Giải quyết khó khăn, thách thức về vùng phát thải thấp ở Hà Nội

03/12/2024 4:41 PM

(Chinhphu.vn) - Ô nhiễm không khí đang là mối lo ngại hàng đầu tại Thủ đô Hà Nội. Do đó, xây dựng “vùng phát thải thấp” tại Hà Nội là giải pháp quan trọng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không khí và bảo vệ sức khỏe người dân.

Để xác định được "vùng phát thải thấp", thành phố Hà Nội cần quy định các tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục theo Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua.

Dự kiến trình HĐND TP. Hà Nội vào tháng 12/2024

Với mức độ bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng cho phép trong suốt nhiều tháng qua, Hà Nội thường xuyên lọt vào danh sách các thành phố có chất lượng không khí kém nhất trên thế giới.Theo các nghiên cứu, nồng độ bụi mịn tại Hà Nội có thể lên tới 150 µg/m3, cao gấp ba lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 50 µg/m3.

Giải quyết khó khăn, thách thức về vùng phát thải thấp ở Hà Nội- Ảnh 1.

Với mức độ bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng cho phép trong suốt nhiều tháng qua, Hà Nội thường xuyên lọt vào danh sách các thành phố có chất lượng không khí kém nhất trên thế giới. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Các nghiên cứu gần đây đánh giá, giao thông đường bộ chính là nguồn đóng góp lớn nhất vào ô nhiễm bụi PM2.5 tại Hà Nội. Tùy vào từng điểm, mức độ đóng góp của các nguồn chiếm tỉ lệ khác nhau. Nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn có đóng góp mức cao nhất (từ 58% đến 74%)...

Ô nhiễm không khí tại Thủ đô không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân mà còn tác động xấu đến nền kinh tế. Các bệnh lý về đường hô hấp, tim mạch gia tăng, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế, khiến chi phí điều trị tăng cao và giảm năng suất lao động.

Trước thực trạng trên, thành phố Hà Nội đã đề xuất các mục tiêu, chính sách bảo vệ môi trường vào Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, tại Khoản 6, Điều 3, Luật Thủ đô quy định: Vùng phát thải thấp là khu vực được xác định để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường, nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Bà Lê Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, việc triển khai "vùng phát thải thấp" là áp dụng các biện pháp cụ thể cho tất cả phương tiện giao thông đường bộ dựa trên tiêu chuẩn/quy chuẩn khí thải tại địa phương với lộ trình phù hợp để bảo đảm tính phù hợp, khả thi và hiệu quả của chính sách.

Đồng thời, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủ đô, Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 trên địa bàn thành phố đã được phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường đang được UBND Thành phố giao xây dựng nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định "vùng phát thải thấp" để trình HĐND thành phố vào tháng 12/2024. Nếu nghị quyết được thông qua, từ ngày 1/1/2025, Hà Nội sẽ có hành lang pháp lý chính thức để xây dựng hồ sơ kỹ thuật về "vùng phát thải thấp". Sau đó các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực thi.

Theo đó, dự thảo mới đưa ra các tiêu chí, điều kiện để xác định vùng phát thải thấp, cụ thể: Thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải được xác định tại quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông; chất lượng không khí đánh giá trong tối thiểu một năm liền kề không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí (QCVN 05:2023/BTNMT).

Ngoài ra, "vùng phát thải thấp" cần có đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện giao thông; các xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường được dán tem nhãn, nhận dạng biển số thì được lưu thông trong "vùng phát thải thấp"; tỉ lệ 51% trở lên đối tượng được tham vấn đồng thuận xây dựng "vùng phát thải thấp". Dự thảo cũng đề xuất các biện pháp về hành chính, kinh tế, kiểm soát thực hiện và lộ trình thực hiện "vùng phát thải thấp".

Để Thủ đô Hà Nội xanh hơn, khỏe mạnh hơn và đáng sống hơn

Việc xây dựng và ban hành các quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xây dựng "vùng phát thải thấp" là hành lang pháp lý quan trọng để các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố xác định các khu vực phù hợp, xây dựng và thực thi "vùng phát thải thấp" phù hợp với đặc thù, điều kiện, năng lực của địa phương, bảo đảm tính khả thi với mục tiêu cuối cùng là cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe người dân.

Đồng tình với phương án xây dựng "vùng phát thải thấp" của thành phố Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết, việc xây dựng "vùng phát thải thấp" là xu hướng tất yếu, nên thành phố Hà Nội phải có nhiều giải pháp để thực hiện, trong đó có việc hạn chế phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào nội đô.

Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Thị An lưu ý, trước khi hạn chế các phương tiện cá nhân, thành phố Hà Nội cũng cần đánh giá tác động vào xã hội. Đồng thời, thành phố phải nâng cao chất lượng hạ tầng công cộng, trong đó các tuyến xe buýt cần xây dựng có tính kết nối cao hơn. Có như vậy mới giúp Thủ đô xanh hơn, khỏe mạnh hơn và đáng sống hơn.

LEZ góp phần cải thiện chất lượng không khí, chất lượng cuộc sống

Dù có tiềm năng lớn, việc triển khai Vùng phát thải thấp (LEZ) tại Hà Nội vẫn gặp phải không ít thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là sự thiếu đồng bộ trong hạ tầng giao thông. Trong khi các thành phố lớn như London và Paris đã có một hệ thống giao thông công cộng phát triển và đáng tin cậy, Hà Nội vẫn cần phải cải thiện đáng kể về hạ tầng này.

Thêm vào đó, một số người dân và doanh nghiệp vận tải có thể phản đối việc triển khai LEZ, bởi vì nó sẽ đẩy chi phí vận hành lên cao. Việc thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là khi xe điện và các phương tiện công cộng còn thiếu sự phổ biến.

PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, để cấm xe máy cá nhân, Hà Nội cần đánh giá tác động vào xã hội. Bởi khi cấm xe cộ cá nhân thì phải có xe thay thế, phương tiện công cộng phải sạch, tiện lợi. Thêm vào đó, nhiều chuyên gia cùng quan điểm là cần có sự hỗ trợ tài chính cho người dân và các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng sạch.

Mặc dù gặp phải nhiều thách thức, nhưng triển khai LEZ tại Hà Nội vẫn mở ra nhiều cơ hội lớn. Giảm thiểu ô nhiễm không khí sẽ giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng, giảm chi phí y tế và tăng năng suất lao động. Ngoài ra, việc phát triển phương tiện giao thông xanh sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất xe điện, tạo ra cơ hội việc làm và thúc đẩy nền kinh tế xanh.

Việc triển khai Vùng phát thải thấp (LEZ) tại Hà Nội là một bước đi quan trọng trong việc giảm ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy phát triển bền vững. Dù còn gặp nhiều thách thức, nhưng nếu có sự quyết tâm từ chính quyền, sự đồng thuận của cộng đồng và sự hỗ trợ từ các chuyên gia, Hà Nội hoàn toàn có thể xây dựng một mô hình LEZ hiệu quả, góp phần cải thiện chất lượng không khí và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thủ đô.

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có tờ trình gửi HĐND TP. Hà Nội về việc đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tại tờ trình, cơ quan soạn thảo cho biết, Thủ đô Hà Nội đang phải đối mặt với các thách thức trong công tác quản lý và bảo vệ chất lượng môi trường không khí. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016-2020, cho thấy nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2018-2020 vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT (25 µg/m3). Nồng độ bụi PM10 trung bình năm vượt quá giới hạn QCVN từ 1,3 đến 1,6 lần.

Số ngày trong năm 2019 có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức kém và xấu (tính trung bình các trạm) chiếm tỉ lệ 30,5% tổng số ngày quan trắc trong năm, một số ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng rất xấu (VN_AQI=201-300).

Theo tổng hợp từ Kế hoạch quản lý môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng tới năm 2035, nguồn gây ô nhiễm không khí tại chỗ cho Hà Nội chủ yếu là các nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông đường bộ (phương tiện phát thải chính trong giao thông là xe máy, tiếp đến là xe tải và xe taxi) và nguồn bụi đường.

Về tỉ lệ đóng góp của các nguồn thải vào nồng độ bụi sơ cấp PM2.5 tại 11 điểm trên địa bàn Thủ đô, mức độ đóng góp của nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) là cao nhất, trong khoảng từ 58% - 74% tùy từng thời điểm.

Theo UBND TP. Hà Nội, việc ban hành quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; các biện pháp được áp dụng trong vùng phát thải thấp theo lộ trình phù hợp trên địa bàn thành phố Hà Nội để có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Thủ đô (từ ngày 01/01/2025).

Đồng thời, tạo ra môi trường sống xanh-sạch-đẹp, cải thiện chất lượng không khí tại khu vực, từ đó thu hút du khách và các nhà đầu tư, đồng thời nâng cao chất lượng sống của người dân địa phương.

Hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững: Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ngành kinh tế xanh, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường...

Cơ quan soạn thảo xây dựng Nghị quyết gồm 05 chương, với 13 điều. Trong đó: Chương I. Những quy định chung, gồm 03 điều (từ Điều 1 đến Điều 3); Chương II. Tiêu chí, điều kiện xác định vùng phát thải thấp, gồm 2 điều (từ Điều 4 đến Điều 5); Chương III. Trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp, gồm 4 Điều (từ Điều 6 đến Điều 9); Chương IV. Biện pháp áp dụng trong vùng phát thải thấp và lộ trình thực hiện, gồm 2 Điều (từ Điều 10 đến Điều 11); Chương V. Điều khoản thi hành, gồm 2 Điều (từ Điều 12 đến Điều 13).

Đáng chú ý, về biện pháp áp dụng trong vùng phát thải thấp, UBND TP Hà Nội đề xuất cho phép các phương tiện giao thông không phát sinh khí thải, xe cơ giới thân thiện môi trường, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, xe ưu tiên và phương tiện giao thông có giấy phép lưu thông của cơ quan có thẩm quyền được lưu thông trong vùng phát thải thấp.

Cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp.

Hạn chế hoặc cấm xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/ thời điểm hoặc khu vực.

Ban hành các loại phí và lệ phí đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có phát thải lưu thông trong vùng phát thải thấp.

Về thời điểm thực hiện, cơ quan soạn thảo đề xuất từ năm 2025 đến năm 2030: Thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; Khuyến khích các quận trong khu vực nội đô lịch sử lập vùng phát thải thấp.

Từ năm 2031 trở đi: Các khu vực trên địa bàn Thành phố có một trong các tiêu chí quy định tại Điều 4 Nghị quyết này phải thực hiện vùng phát thải thấp.

Thùy Chi

Top