Giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

14/03/2023 7:55 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 14/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022.

Giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông - Ảnh 1.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội - Ảnh: VGP/GH

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì buổi làm việc.

Theo UBND TP. Hà Nội, trong thời gian vừa qua, Thành phố đã có những thay đổi đầu tư phù hợp để triển khai thực hiện 02 Nghị quyết này; đã chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo công khai, minh bạch. Sở GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh chương trình trường chuẩn quốc gia; khảo sát, xây dựng danh mục mua sắm trang thiết bị dạy học cho lớp 3 và lớp 7 năm học 2022-2023; khảo sát, xây dựng danh mục trang thiết bị dạy học, dự kiến việc mua sắm đối với khối các trường trực thuộc, các trường trung học phổ thông.

Thành phố đã kịp thời cụ thể hóa bằng các kế hoạch, đề án, chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung và đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nói riêng làm căn cứ để ngành giáo dục và đào tạo Thành phố cũng như chính quyền các cấp tổ chức thực hiện.

Hiện nay, UBND Thành phố đã phê duyệt danh mục mua sắm thiết bị của các đơn vị trực thuộc với tổng kinh phí 147,612 tỷ đồng.

Công tác rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên đã được Thành phố tích cực chuẩn bị, hầu hết UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức thi tuyển giáo viên để bổ sung giáo viên cho năm học mới. Đối với việc chuẩn bị cho khối 10 năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT đã chủ động trong việc hướng dẫn, định hướng công tác chuẩn bị thông qua các hội thảo, hội nghị…

Tại buổi làm việc, trao đổi làm rõ một số nội dung mà Đoàn giám sát nêu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến cho biết, việc thực hiện chương trình sách giáo khoa theo Thông tư 01 giao cho các nhà trường nên Sở GD&ĐT giao cho các trường lựa chọn sách giáo khoa từng môn học theo tiêu chí của từng trường.

Với sách giáo khoa lớp 2, 3, 6, 7, 10 thì thực hiện theo Thông tư 25, xây dựng bộ tiêu chí chung, cụ thể đến việc chọn các môn học đảm bảo phù hợp với học sinh và khu vực. Sau khi các nhà trường lựa chọn thì gửi về Sở GD&ĐT để tham mưu UBND Thành phố lựa chọn sách giáo khoa, đảm bảo yếu tố công khai, minh bạch.

Nhận định khó khăn giữa các bộ sách khi chuyển trường lớp là có, đồng chí Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở đã giải thích cho nhà trường, phụ huynh là giao quyền cho nhà trường. Về cơ sở vật chất trang thiết bị, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các quận huyện ưu tiên tối đã cho khối lớp 1 vì là lớp đầu tiên thực hiện chương trình, tạo điều kiện thành công cho những khối lớp sau.

Hiện nay với trang thiết bị phục vụ lớp 3,7,10 một số đơn vị tổ chức mua sắm xong nhưng một số đơn vị vẫn tiếp tục làm quy trình mua sắm. Dù một số nơi chưa mua sắm xong nhưng vẫn đáp ứng được đồ dùng dạy học nên không tạo sức nóng, giáo viên không phải dạy "chay".

Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội Dương Minh Ánh, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết: Qua giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố cho thấy, hầu hết các trường đều trao đổi mức giá sách giáo khoa cũng như tổng mức tiền của bộ sách hiện nay phù hợp với mức thu nhập của người dân Hà Nội. Tuy nhiên, phụ huynh ý kiến do không chọn cùng một bộ sách giáo khoa nên khó khăn khi mua. Với việc bố trí giảng viên bộ môn tổ Khoa học tự nhiên và Tổ Lịch sử-địa lý thì tuỳ từng nơi, từng trường có sự đáp ứng ở mức độ khác nhau. Đa phần trường khối quận đáp ứng tốt hơn so với khối huyện. Tuy nhiên có trường chưa đáp ứng tốt do đội ngũ giáo viên lớn tuổi hoặc giáo viên khi đào tạo ở trường chỉ được dạy 1 chuyên ngành, đáp ứng chương trình đổi mới sách giáo khoa của môn đó đã khó nên việc phải tiếp cận thêm 2 môn khác không thuộc chuyên ngành càng khó khăn hơn.

Đối với bộ môn Giáo dục nghệ thuật, Hà Nội gặp khó do chưa có đội ngũ giáo viên, vì vậy đề xuất cho phép tuyển đội ngũ giáo viên lĩnh vực nghệ thuật có bằng cao đẳng-dù chưa chưa đủ điều kiện nhưng trong lộ trình từ nay đến 2030 vẫn đủ thời gian để hoàn chỉnh đảm bảo chuẩn.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai thừa nhận vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ là có, Hà Nội đã tuyển giáo viên hợp đồng nhưng phải đạt chuẩn. Đây cũng là sáng tạo của địa phương trong trong bối cảnh giáo viên chưa lấy được chứng chỉ tích hợp. Với những nội dung khác, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ đề nghị UBND Thành phố bổ sung, làm rõ và báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội trong thời gian sắp tới.

Gia Huy

Top