Giám sát việc quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc tài sản công

07/06/2022 9:43 AM

(Chinhphu.vn) - HĐND TP. Hà Nội đang thực hiện giám sát các quy định trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước nhằm đánh giá chính xác, khách quan, đúng thực tế việc thực hiện quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về quản lý, sử dụng tài sản công.

Giám sát việc quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc tài sản công - Ảnh 1.

Đoàn giám sát của HĐND tại Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội - Ảnh: VGP/GH

Còn quá hạn hợp đồng, có nơi không thu được tiền cho thuê

Các đoàn giám sát của HĐND TP. Hà Nội đang trong quá trình tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố" tại nhiều cơ quan, đơn vị.

Tại Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, lãnh đạo đơn vị cho biết, Công ty quản lý 803 địa điểm nhà chuyên dùng. Trong đó có 4 địa điểm thuộc danh mục đề xuất sử dụng làm trụ sở làm việc; 65 địa điểm thuộc danh mục nhà trống (53 địa điểm thuộc diện nhà trống toàn bộ và 13 địa điểm thuộc diện nhà trống còn tồn tại, vướng mắc, vi phạm); 376 địa điểm quản lý, thu tiền thuê nhà ổn định; 357 địa điểm thuộc danh mục các địa điểm nhà chuyên dùng còn tồn tại, vướng mắc, vi phạm.

Công ty cũng quản lý 167 tòa nhà chung cư tái định cư với gần 14.000 căn hộ (trong đó có 100/167 tòa nhà có kinh doanh dịch vụ với diện tích gần 53.000 m2); 28 đơn nguyên nhà ở công nhân với hơn 1.500 phòng (trong đó kinh doanh dịch vụ với diện tích gần 12.000 m2). Quản lý nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước đối với hơn 10.000 hộ, diện tích trên 234.000 m2; quản lý 7 điểm nhà công vụ.

Tại buổi kiểm tra, Đoàn giám sát cho rằng, nhiều địa điểm Công ty cho các đơn vị thuê nhưng đã quá hạn hợp đồng đã lâu mà chưa được ký lại hoặc gia hạn; nhiều địa điểm Công ty không thu được tiền cho thuê. Hiện có đến 357/803 (khoảng 47%) địa điểm tồn tại, vi phạm và 65 điểm để trống.

Còn nhiều căn hộ, nhiều diện tích kinh doanh dịch vụ tại các chung cư tái định cư còn để trống cho thấy việc điều tiết, trách nhiệm quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước và việc khai thác, kinh doanh của công ty còn chưa hiệu quả, gây lãng phí tài sản nhà nước của Thành phố... Để xảy ra tình trạng này kéo dài có cả trách nhiệm của Công ty và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước (như Sở Xây dựng, Sở Tài chính).

Đối với Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội, hiện tại, Công ty quản lý 5 cơ sở gồm: 45 Hàng Bài và 57 Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm); 437 Bạch Mai và 88 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng); 211 Khâm Thiên (quận Đống Đa). Trong đó, có 2 cơ sở nhà đất là thuê của nhà nước, 3 địa điểm được Thành phố giao đất.

Đoàn giám sát nhận định, các tài sản công là nhà, đất Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội được giao quản lý, sử dụng đều ở vị trí mặt đường lớn, phố chính trong các quận nội thành, có giá trị kinh tế rất cao, nhưng hoạt động kinh doanh không hiệu quả khiến cho tình hình tài chính của Công ty gặp khó khăn, phải nợ tiền thuê nhà, đất. Hợp đồng thuê nhà đất ký giữa Công ty và Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà đã hết thời hạn thuê trên 6 năm, tuy nhiên, đơn vị vẫn đang quản lý và khai thác và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

Trong đó, 2 cơ sở nhà, đất Công ty được UBND Thành phố cho thuê đất để xây dựng công trình, sử dụng làm cơ sở chiếu phim và các dịch vụ văn hóa cho thấy đều sử dụng không đúng mục đích và chưa được cấp có thẩm quyền xem xét quyết định (số 88 Lò Đúc và số 437 Bạch Mai).

Khẩn trương hoàn thành việc kiểm kê toàn bộ quỹ nhà

Nhằm tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước trong công tác quản lý sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội khẩn trương hoàn thành việc kiểm kê toàn bộ quỹ nhà, nhất là quỹ nhà chuyên dùng mà Công ty đang quản lý để phân loại các tồn tại, vướng mắc, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xử lý dứt điểm.

Công ty cần tăng cường các giải pháp thanh tra, kiểm tra, quản lý, vận hành các quỹ nhà để quản lý hiệu quả đúng vai, đúng luật. Rà soát, có biện pháp xử lý, ký hợp đồng và gia hạn hợp đồng với các tổ chức, cá nhân thuê nhà để làm cơ sở quản lý cụ thể cũng như tăng cường tính pháp lý trong công tác thống kê, quản lý và thu hồi nợ, tiền và tài sản nhà nước, hạn chế tối đa những khiếu kiện, tranh chấp.

Đối với các diện tích cho thuê kinh doanh dịch vụ tại các chung cư tái định cư, nhà ở công nhân, các diện tích còn trống khác tại quỹ nhà do Công ty quản lý: Rà soát, phối hợp các sở, ngành liên quan tổng hợp, thống kê, báo cáo UBND Thành phố các phương án cụ thể để vận hành, cho thuê; đặc biệt là đối với nhiều điểm có vị trí thuận lợi cho kinh doanh, dịch vụ, đảm bảo việc cho thuê đúng mục đích, hiệu quả.

Phối hợp Sở Xây dựng đề xuất phương án đưa các căn hộ tái định cư còn trống vào sử dụng; Chủ động nghiên cứu đề xuất cơ chế quản lý, vận hành các tòa nhà tái định cư đảm bảo theo các quy định về quản lý nhà chung cư, trong đó bao gồm công tác thực hiện cải tạo, sửa chữa nếu cần thiết; đặc biệt có nhiều khu nhà có vị trí thuận lợi, đã được sử dụng là khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid thì sớm kiến nghị để trả lại cho công ty vận hành, bàn giao cho các hộ dân thuộc diện tái định cư theo quy định.

Đoàn giám sát cũng yêu cầu Công ty khẩn trương rà soát các phương án bố trí tái định cư đã duyệt để đẩy nhanh tiến độ đưa dân vào sử dụng các quỹ nhà trống; xây dựng cơ chế bố trí quỹ nhà tái định cư đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh xuống cấp, lãng phí; đẩy nhanh tiến độ lập và trình phê duyệt phương án đấu giá quyền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 các chung cư tái định cư.

Đối với Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên yêu cầu Công ty cần đề xuất các giải pháp với Thành phố để quản lý sử dụng đúng mục đích nhà, đất của nhà nước trong điều kiện chiếu phim không còn phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, Công ty cần khẩn trương tổng hợp các khó khăn vướng mắc để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định đối với việc sử dụng các tài sản công nêu trên. 

Tổ chức, quản lý hiệu quả hơn tài sản công

Tại quận Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Hồng Thắng cho biết, quận có 69 đơn vị trực thuộc được giao quản lý tài sản công là nhà đất; có 190 khuôn viên đất với tổng diện tích trên 307.000 m2, trong đó 143 khuôn viên đã được UBND TP phê duyệt sắp xếp. Về nhà, năm 2021 toàn quận có 334 trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp có diện tích trên 311.000 m2.

Để tổ chức, quản lý hiệu quả hơn, quận Thanh Xuân đề xuất UBND TP. Hà Nội giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu trình HĐND sửa đổi bổ sung về phân cấp thẩm quyền cho thuê, liên doanh, liên kết, kinh doanh dịch vụ với tài sản công là nhà, đất theo 2 loại: Thứ nhất là tài sản công là nhà, đất sử dụng trong quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp công thuộc quận quản lý, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chính trị được phép xây dựng phương án khai thác cho thuê, liên doanh, liên kết phù hợp chức năng nhiệm vụ, không tính giá trị quyền sử dụng đất vào phương án giá và giao UBND quận, huyện thẩm định phê duyệt, báo cáo kết quả với UBND TP.

Thứ hai là thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên quyết định cho thuê, liên doanh, liên kết, kinh doanh dịch vụ đối với tài sản khác có nguyên giá dưới 500 triệu đồng...

Đối với quận Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Phùng Thị Hồng Hà đề nghị quận cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thống nhất, có hiệu quả hơn công tác quản lý, sử dụng tài sản công nói chung và nhà, đất nói riêng thuộc phạm vi quản lý của quận. Trong đó, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất với các cơ sở nhà, đất đang được giao quản lý, sử dụng; hoàn thành rà soát, báo cáo tổng thể phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý.

Trong các buổi giám sát, Đoàn công tác cũng đề nghị Sở Xây dựng tiếp tục chỉ đạo rà soát quỹ nhà ở cũ, quỹ biệt thự đang tạm dừng bán cho người đang sử dụng; khẩn trương đề xuất UBND Thành phố cơ chế xử lý đối với quỹ nhà này nhằm tạo điều kiện sớm ổn định điều kiện sinh sống của người dân. Sở Tài Chính khẩn trương có các biện pháp tăng cường thực hiện việc rà soát, thẩm định giá thuê nhà, thẩm định giá bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, giá khởi điểm đấu giá các diện tích kinh doanh dịch vụ tại các chung cư tái định cư và các nội dung liên quan; trình UBND Thành phố theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để tổng hợp các nội dung về cơ sở là nhà, đất thuộc quản lý nhà nước; chủ động hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tham mưu Thành phố quản lý và sử dụng đúng quy định.

Nội dung giám sát chuyên đề của HĐND TP. Hà Nội nhằm đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công là các cơ sở nhà, đất. Đoàn giám sát sẽ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, trách nhiệm để có kiến nghị với các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của Thành phố.

Gia Huy

Top