Giảm sức lao động, tăng năng suất, chất lượng từ sáng kiến công nhân
(Chinhphu.vn) - Với nhiều nỗi niềm trăn trở, muốn làm nhiều việc có ích cho công ty và giảm sức lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm những tấm gương công nhân xuất sắc bằng chính những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của mình đã góp phần đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Anh Trần Quốc Hai hướng dẫn công nhân kỹ thuật sản xuất. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.
Anh Hai (35 tuổi) và có 7 năm làm việc tại công ty, từ vị trí công nhân đứng máy đến vị trí kỹ thuật viên, nhưng hầu như năm nào anh Hai cũng có sáng kiến, cải tiến và đều mang lại giá trị cao trong sản xuất. Nhờ những sáng kiến của anh đã mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng.
Anh Hai chia sẻ về sáng kiến đầu tiên của mình là sáng kiến để hưởng ứng phong trào thi đua "Lao động giỏi, Lao động sáng tạo" do Công đoàn Công ty, lãnh đạo phát động, đó là chất xúc tác để tôi mạnh dạn đưa ra ý tưởng. Với vai trò là kỹ thuật viên, tôi luôn mong muốn làm được một việc gì đó để áp dụng kỹ thuật công nghệ vào sản xuất, trăn trở suy nghĩ tìm cách chế tạo máy dựa trên những thiết bị sẵn có, giúp anh chị em công nhân nhàn hơn, năng suất lao động cao hơn, góp phần vào sự phát triển của công ty.
Trong quá trình làm công nhân, quan sát anh chị em công nhân làm thủ công vừa tốn sức lao động, vừa hiệu quả công việc chưa cao, chưa phù hợp với sự phát triển với sự lớn mạnh của công ty, anh Trần Quốc Hai luôn tư duy, đặt bài toán cho chính mình làm thế nào để tăng năng suất, hiệu quả, giảm sức lao động của công nhân.
Với kiến thức đã học được tại Trường cao đẳng xây dựng kỹ thuật công trình, những lớp đào tạo về công nghệ máy móc cộng với những kinh nghiệm khi được làm ở Nhật Bản. Tính đến nay, anh Hai có hơn 10 sáng kiến lớn nhỏ, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Sáng kiến trong công nghệ lắp ráp nhựa tự động, tăng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tế, giảm đáng kể các thao tác thủ công. Người lao động chỉ việc xếp cùng lúc 30 sản phẩm lên máy và nhấn nút để máy tự động dập, tự động đẩy sản phẩm vào sóng đựng hàng.
Đặc biệt, anh Hai nhớ nhất quá trình tìm tòi, nghiên cứu sáng kiến "cắt cước bàn chải bằng máy". Thay vì việc cắt bằng tay thủ công vừa chậm, người công nhân vừa mỏi vai, anh kỹ thuật viên này sáng chế ra máy cắt, tăng ¾ hiệu suất công việc. Trước đây, khi chưa có máy cắt, người công nhân phải dùng sức để chà bàn chải vài máy cho các cước bàn chải đều nhau, công đoạn cắt 7-8 tiếng/ngày để đạt định mức sản phẩm. Từ khi có máy cắt do anh Hai chế tạo, công nhân chỉ cần đặt bàn chải lên máy và bấm nút tự đồng cắt cước bàn chải trong vòng 2s, cho ra sản phẩm vừa đều vừa đẹp, công đoạn rút lại còn 2 tiếng/ngày để đạt định mức sản phẩm..
Từ sáng kiến đến hoàn thiện sản phẩm "máy cắt cước bàn chải", anh đã nghiên cứu, chế tạo trong chỉ 10 ngày với sự hỗ trợ nhiệt tình của đồng nghiệp. Anh không ngần ngại vẽ thiết kế trên máy tính và kiên trì lắp ráp lại nhiều lần để cho ra sản phẩm ưng ý, hiệu quả rõ rệt, sau đó nộp báo cáo lên Ban lãnh đạo công ty quyết định ứng dụng vào thực tế.
Để có được những sáng kiến mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, theo anh Trần Quốc Hai, công nhân, lao động phải tâm huyết với nghề, kiên trì mày mò nghiên cứu, chế tạo. Bên cạnh đó, doanh nghiệp và công đoàn công ty luôn tạo điều kiện về thời gian, sẵn sàng đầu tư kinh phí để công nhân nghiên cứu cải tiến kỹ thuật.
Theo đồng chí Lê Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nhựa Việt Nhật đánh giá anh Hai là người rất thông minh, tận tâm với công việc. Thấy được những sáng kiến của người công nhân đứng máy cắm cước rất khả thi, Ban lãnh đạo công ty đã chuyển anh Hai sang phòng quản lý sản xuất với vai trò kỹ thuật viên đi các nhà máy xem công nhân sản xuất, đưa ra sáng kiến tăng hiệu quả công việc.
Không chỉ đam mê với những sáng kiến kỹ thuật, trong mắt đồng nghiệp, anh Hai còn là người có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Anh làm tốt vai trò kỹ thuật viên, dành thời để nghiên cứu, trực tiếp lắp ráp sản phẩm thí nghiệm, đồng thời anh còn hướng dẫn đồng nghiệp, truyền cảm hứng cho mỗi công nhân tích cực lao động sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm cho công ty, không ngừng đưa ra ý tưởng cải tiến giúp tăng hiệu quả công việc, giảm sức lao động.
Ghi nhận những sáng kiến giá trị của Trần Quốc Hai, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội quyết định công nhận sáng kiến trong công nghệ lắp ráp nhựa tự động của anh Hai là 1 trong 100 sáng kiến tiêu biểu trong phong trào "Sáng kiến sáng tạo trong công nhân viên chức lao động Thủ đô" năm 2023.
Người thợ hàn đa năng

Anh Nguyễn An Ngọc (ngồi giữa) cùng đồng nghiệp nghiên cứu sản phẩm để hàn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.
Anh Nguyễn An Ngọc theo học Trường Trung cấp nghề Hàn, sau anh về công tác tại Công ty Cổ phần Tomeco An Khang - Công ty chuyên tư vấn, thiết kế, chế tạo quạt công nghiệp và các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, có 40% sản phẩm xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Theo anh Ngọc, dù công việc và cuộc sống gặp không ít khó khăn, nhưng anh luôn giữ được tinh thần lạc quan, yêu đời và yêu lao động. Chính vì vậy, anh Ngọc luôn vận dụng những kiến thức đã học trong trường nghề, sắp xếp quỹ thời gian hợp lý để nâng cao trình độ khi tham gia các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề, luôn học hỏi đồng nghiệp có kinh nghiệm, kỹ thuật cao của công ty. Đặc biệt, bản thân anh cũng nỗ lực không ngừng để rèn luyện tay nghề, nâng cao trình độ.
Nhờ có sự chỉn chu, cẩn thận và tay nghề vững vàng, nên anh được Công ty cổ phần Tomeco An Khang tin tưởng chọn cử tham gia Hội thi tay nghề của thành phố Hà Nội và đạt được giải nhất. Với anh Ngọc, có nhiều yêu cầu để trở thành một thợ hàn giỏi nghề, nhưng điều quan trọng nhất là người thợ phải có tình yêu với công việc và luôn chịu khó học hỏi, rèn luyện.
Việc tham gia các hội thi thợ giỏi của doanh nghiệp, huyện và Thành phố chính là cơ hội để công nhân được học hỏi và rèn luyện thêm tay nghề, khi giỏi nghề, người công nhân sẽ có được công việc ổn định với mức thu nhập cao, đồng thời cũng đóng góp hữu ích cho sự phát triển của công ty.
Nhờ tham gia tích cực các hoạt động tập thể của công ty, anh Nguyễn An Ngọc được lãnh đạo công ty nhận xét có năng lực chuyên môn xuất sắc, thực hiện được các loại hàn như: MiG, Tig, điện, các mối hàn đòi hỏi kỹ thuật cao và luôn hoàn thành ở mức độ cao. Đồng thời, anh luôn có tinh thần, thái độ làm việc tích cực; thường xuyên đóng góp ý kiến chuyên môn, đóng góp nhiều sáng kiến, cải tiến, góp phần tạo ra những sản phẩm chất lượng.
Theo Chủ tịch Công đoàn công ty Cổ phần Tomeco An Khang, anh Trần Đình Mạnh chia sẻ, anh Ngọc là một trong ba kỹ sư được chứng nhận tay nghề quốc tế của Công ty, tích cực tham gia các khóa học về lý thuyết và chuyên môn nghề, nhiệt tình tham gia hội thi nâng cao tay nghề của công ty và luôn nỗ lực, phấn đấu, tỉ mỉ trong công việc, thể hiện được năng lực, tiến bộ nhanh và đạt được thành công. Đặc biệt, công ty đánh giá cao khi chính bạn Ngọc đã đứng lớp, đào tạo thế hệ kế cận, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của công ty.
Nhờ những cố gắng nỗ lực không mệt mỏi trong công việc và tinh thần trách nhiệm trong xây dựng tập thể công ty ngày càng phát triển, anh Nguyễn An Ngọc được Liên đoàn Lao động thành phố Hội tặng danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô năm 2023".
Thiện Tâm