Giao thông Thủ đô phát triển hiện đại, xứng tầm

01/09/2024 10:32 AM

(Chinhphu.vn) - Gần 70 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), diện mạo Thủ đô Hà Nội ngày càng thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại, trong đó nổi bật nhất phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng của lĩnh vực giao thông vận tải.

Giao thông Thủ đô phát triển hiện đại, xứng tầm- Ảnh 1.

Cầu Vĩnh Tuy góp phần kết nối giao thông nội đô với bên kia sông Hồng. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Hàng loạt dự án giao thông lớn được triển khai

Việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giữ vai trò rất quan trọng và là tiền đề để phát triển đô thị cũng như phục vụ nhu cầu sinh sống đi lại của nhân dân Thủ đô. Hà Nội đã đổi thay mạnh mẽ nhờ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xứng đáng là hạt nhân trung tâm của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhận định, sau nhiều năm nỗ lực miệt mài, đặc biệt từ khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội với quy mô, vị thế và điều kiện phát triển mới đã phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Hàng loạt dự án giao thông lớn được triển khai thực hiện nhằm kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi như: Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), đường Võ Nguyên Giáp, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông,... cùng nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu vượt được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đường bộ khép kín.

Đến nay, thành phố Hà Nội đã có 7 tuyến đường hướng tâm (tổng cộng 111,32 km chạy qua địa bàn), 8 tuyến quốc lộ hướng tâm (244,58 km) được hình thành và đưa vào khai thác; hoàn thành 132,26/285,46 km của 7 tuyến đường vành đai.

Đặc biệt Vành đai 4 với vai trò chiến lược đối với toàn bộ Vùng Thủ đô đã được khởi công vào tháng 6/2023. Bốn trục kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh gồm: Hồ Tây - Ba Vì; Tây Thăng Long; Ngọc Hồi - Phú Xuyên; Hà Đông - Xuân Mai cũng đang được khẩn trương đầu tư.

Việc đầu tư hình thành các tuyến cao tốc trên góp phần kết nối giao thông, phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho 4 hành lang kinh tế quan trọng khu vực phía Bắc gồm: Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên.

Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, khởi đầu cho kỷ nguyên mới của vận tải công cộng nhanh - khối lớn, hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường.

Giao thông Thủ đô phát triển hiện đại, xứng tầm- Ảnh 2.

Hà Nội sẽ sớm tạo nên một mạng lưới tàu điện phủ khắp Thành phố để phục vụ nhu cầu đi lại. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Đặc biệt, vào ngày 8/8/2024, tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại. Đây là một sự kiện quan trọng, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển hạ tầng giao thông của Thủ đô, thu hút nguồn vốn đầu tư cho các dự án tiếp theo.

Nhiều người dân bày tỏ, họ vẫn kỳ vọng ở đoạn tuyến đường sắt đô thị số 3 nhiều hơn nữa, đặc biệt là việc hoàn thiện toàn tuyến, kéo dài đến ga S12 (ga Trần Hưng Đạo), kết nối với tuyến số 2A tại ga Cát Linh. Khi đó đường sắt đô thị sẽ tạo nên một vòng cung kết nối giữa hai trục cửa ngõ Tây - Tây Nam Thủ đô, thuận tiện hơn rất nhiều cho người dân đi lại.

"Hà Nội đã có bước tiến vượt bậc với đường sắt đô thị, tạo nên một nét văn minh, hiện đại và mang đến lợi ích thiết thực cho người dân. Càng có nhiều đường sắt đô thị chắc chắn Hà Nội sẽ càng xanh - sạch - đẹp hơn", anh Bùi Văn Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Tương tự, đông đảo người dân mong mỏi Thành phố sẽ nhanh chóng triển khai thêm các tuyến đường sắt đô thị khác, sớm tạo nên một mạng lưới tàu điện phủ khắp Thành phố để phục vụ nhu cầu đi lại.

Những thành tựu và kết quả đạt được nêu trên đã góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô, từng bước hạn chế ùn tắc và tại nạn giao thông trên địa bàn, tăng cường kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Có thể nói, giao thông vận tải đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.

Địa phương đi đầu trong chuyển đổi năng lượng xanh

Giao thông Thủ đô phát triển hiện đại, xứng tầm- Ảnh 3.

Các tuyến buýt mở mới sẽ ưu tiên sử dụng xe năng lượng sạch. Ảnh: VGP/Diệu Anh

TP. Hà Nội cũng đang nỗ lực hết sức và là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong chuyển đổi năng lượng xanh ngành giao thông vận tải.

Hiện tại, Hà Nội có 128 tuyến buýt trợ giá với hơn 1.900 xe buýt, trong đó có 282 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 14,8% tổng số phương tiện. Đến nay hoạt động của các tuyến buýt điện góp phần giảm 36.000 tấn CO2. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, có khoảng 70-90% xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh, tăng lên 100% vào năm 2035 (sớm hơn so với mục tiêu năm 2050 của Quyết định 876). Tỷ lệ xanh hóa phương tiện giao thông này là sự cố gắng, nỗ lực của cả các doanh nghiệp và Thành phố.

Ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông công cộng, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay, hướng tới mục tiêu xanh hóa hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, các tuyến buýt mở mới sẽ ưu tiên sử dụng xe năng lượng sạch.

Hiện đơn vị đang hoàn thiện thủ tục để đưa xe buýt điện vào vận chuyển hành khách trên 5 tuyến gồm tuyến số 05, 39, 47, 43, 59. Trong đó tuyến buýt số 05 sẽ sử dụng xe cỡ nhỏ (30-40 chỗ), còn lại sử dụng xe cỡ trung bình (41-60 chỗ). Dự kiến, đầu năm 2025 các tuyến buýt điện này sẽ đi vào hoạt động.

Giao thông Thủ đô phát triển hiện đại, xứng tầm- Ảnh 4.

Đưa xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Cùng với đó, Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã có 2 tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động, thu hút hàng trăm nghìn lượt người dân tham gia mỗi ngày. Như vậy có thể thấy hiệu quả về giảm thiểu ùn tắc giao thông, tính tiện lợi trong việc đi lại bằng tàu điện trên cao ở Hà Nội đã được thấy rõ.

Dù còn nhiều khó khăn thách thức nhưng Hà Nội đã đi đúng hướng trên con đường chuyển đổi phương thức vận tải hành khách công cộng. Việc sử dụng phương tiện xanh không chỉ góp phần rất tích cực bảo vệ môi trường mà còn tạo nên sức hút mạnh mẽ với người dân, dần thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân, chuyển sang tàu điện, xe buýt.

Có thể thấy, Thủ đô Hà Nội đang vươn mình từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một Thành phố hiện đại, xứng tầm; là Thủ đô và có vị thế trong khu vực và thế giới. Chính vì vậy việc phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông không chỉ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội mà còn góp phần xây dựng bộ mặt TP. Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại.

Diệu Anh

Top