Hà Nội cần dứt khoát không để phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng
(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu ý kiến, với thời đại công nghệ số, quản trị hiện đại, TP. Hà Nội cần cố gắng trong công tác tuyển sinh, dứt khoát không còn cảnh phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng.
Sáng 16/8, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà đã dự Hội nghị.
Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được đầu tư tốt hơn
Báo cáo kết quả năm học 2022-2023, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm học 2022-2023, ngành GD&ĐT Hà Nội đã triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học và đã đạt được những kết quả toàn diện. Các đề án, kế hoạch, chương trình công tác được triển khai kịp thời. Công tác chỉ đạo của Sở đã tập trung lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm của năm học, bám sát thực tiễn, đề ra các giải pháp cụ thể quyết tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện.
Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được đầu tư tốt hơn, ngành đã chủ động tham mưu UBND Thành phố để có nhiều giải pháp ổn định công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, phân tuyến hợp lý, không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng; cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cao. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đầu cấp và quản lý học sinh được chú trọng đẩy mạnh, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục.
Chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn có chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tăng cường, đảm bảo chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm. Công tác quản lý, kiểm tra đánh giá không ngừng được đổi mới; nề nếp và kỷ cương được duy trì. Xã hội hoá giáo dục có nhiều bước chuyển biến, huy động được các nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục. Các hoạt động, phong trào thi đua được tổ chức sôi nổi, thiết thực, có ý nghĩa.
Sự chuyển biến tích cực của ngành GD&ĐT trong năm học vừa qua diễn ra toàn diện trên các mặt, đều khắp ở các cấp học, các nhà trường, cả ở công lập và ngoài công lập; sự đổi mới, hiệu quả của các đơn vị quản lý giáo dục từ sở cho đến các Phòng GD&ĐT và các nhà trường. Kết quả của năm học 2022-2023 là minh chứng khẳng định sự quyết tâm của toàn ngành trong nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.
Tập trung cho chương trình giáo dục phổ thông mới
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận và biểu dương ngành GD&ĐT Thủ đô đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành kế hoạch năm học 2022-2023 và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển giáo dục. Hà Nội đã xây dựng, phát triển hệ thống giáo dục cả về quy mô và chất lượng, đẩy mạnh chuyển đổi số trong GD&ĐT, tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; xây dựng xã hội học tập, tạo tiền đề phát triển kinh tế tri thức...
Đặc biệt, trong năm học vừa qua ngành GD&ĐT Thủ đô đã đạt được một số thành tích nổi bật như Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Trên phương diện giáo dục đại trà, kết quả thi tốt nghiệp THPT của Hà Nội tăng 11 bậc so với năm học trước. Trên phương diện giáo dục mũi nhọn, học sinh Thủ đô đạt 8 giải quốc tế; là địa phương dẫn đầu cả nước với 141 Học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; đứng đầu Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" lần thứ V do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Nhấn mạnh năm học mới 2023 - 2024, toàn ngành GD&ĐT đang ra sức đổi mới theo chiều sâu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn trong bối cảnh đó, ngành GD&ĐT Thủ đô cần nỗ lực hơn nữa nhằm đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội để nâng cao chất lượng, ưu tiên thực hiện mọi biện pháp, quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2023-2024. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là quyết liệt hành động, có chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà toàn ngành GD&ĐT đã đề ra.
Tập trung thực hiện hiệu quả việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình, tiếp tục triển khai các lớp theo đã thực hiện theo chương trình mới, triển khai mới với các lớp 4,8,11, chuẩn bị điều kiện triển khai các lớp cuối cùng 5,9,12; tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp học; tiếp tục quan tâm đến đổi mới phương pháp, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.
Ngành GD&ĐT Thủ đô cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và triển khai cụ thể, sâu rộng văn hóa học đường, sức khỏe học đường, tâm lý học đường, và phòng chống bạo lực học đường. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Tiếp tục chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới một cách chủ động, chu đáo. Đặc biệt, chú ý chuẩn bị chu đáo đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học cho cấp tiểu học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Xác định lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế để phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện việc đặt hàng đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên được đào tạo theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ và để có các thông tin về sinh viên sư phạm ra trường hàng năm nhằm chủ động nguồn tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt chú trọng về "chất" trong tất cả các khía cạnh: trong dạy-học, kiểm tra-đánh giá; đảm bảo hạ tầng thiết bị, an toàn thông tin; đảm bảo dữ liệu ngành đúng, đủ, kịp thời phục vụ công tác quản lý; tăng cường kho học liệu số; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, thúc đẩy học tập suốt đời với sự hỗ trợ của công nghệ số.
Trong đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Thành phố cố gắng trong công tác tuyển sinh, dứt khoát không còn cảnh phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng. Với thời đại công nghệ số, quản trị hiện đại, Thủ đô dẫn đầu cả nước nên không thể để tình trạng phải xếp hàng.
Đồng thời, ngành giáo dục Thủ đô cũng cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp quản lý, cải cách hành chính và cơ chế phối hợp, phát huy tính năng động, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả giáo dục của địa phương và các cơ sở giáo dục. Tiếp tục chủ động thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục, đẩy mạnh công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các gương người tốt - việc tốt.
"Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều địa phương, nhà trường làm tốt nhưng chưa biểu dương được những cơ sở triển khai tốt để làm mẫu, điển hình để các trường học, địa phương học tập và làm theo. Tôi trong năm học mới Hà Nội sẽ làm được việc này và đây cũng là đặt hành của Bộ với ngành Giáo dục Thủ đô ", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Tuyển sinh trực tuyến ở tất cả các loại hình từ năm học 2023-2024
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Hà Nội luôn xác định giáo dục là một trong những lĩnh vực cần quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, giáo dục Thủ đô vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm như còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp; sĩ số học sinh/lớp ở một số trường cao hơn quy định; còn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa phương…
Bà Vũ Thu Hà đề nghị trong năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT Thủ đô cần xây dựng kế hoạch chi tiết và các chương trình chuyên đề để thực hiện tốt nhiệm vụ; rà soát quy hoạch, tập trung nguồn lực triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học theo kế hoạch; thực hiện tốt Nghị quyết của HĐND Thành phố về giá dịch vụ giáo dục; rà soát, tham mưu thành phố trình HĐND Thành phố các cơ chế chính sách đặc thù…
Trước mắt, UBND Thành phố đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội tham mưu kế hoạch tổ chức tuyển sinh trực tuyến ở tất cả các loại hình từ năm học 2023-2024; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để nâng chất lượng giáo dục đại trà, giảm dần khoảng cách về chất lượng giữa các nhà trường.
Minh Anh