Phát triển của giáo dục phù hợp với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội
(Chinhphu.vn) - Ngày 4/8, tại Hà Nội đã diễn ra Toạ đàm, lấy ý kiến lãnh đạo các đơn vị, sở ngành, chuyên gia về phương án phát triển của giáo dục và nguyên tắc, cách thức tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2012-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tọa đàm do Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, các đơn vị liên danh tư vấn tổ chức Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải chủ trì cuộc làm việc.
Quy hoạch giáo dục Thủ đô là mảng khó, lớn và quan trọng vì mục tiêu lập Quy hoạch Thủ đô đã xác định Hà Nội phát triển theo hướng văn hiến - văn minh - hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, đảm bảo thực hiện chức năng là trung tâm chính trị, văn hoá, giao thương và kinh tế lớn của cả nước.
Tại Tọa đàm, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện cho đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô cho rằng, qua trao đổi ban đầu, liên danh tư vấn đã xác định vị thế của quy hoạch giáo dục trong Quy hoạch Thủ đô phải xứng tầm với vai trò, vị thế của giáo dục Thủ đô không chỉ phát triển cho riêng mình mà phải trở thành hình mẫu cho cả nước và mang tầm quốc tế bởi Hà Nội trong tương lai sẽ là thành phố kết nối toàn cầu. Những công dân Hà Nội, sản phẩm của nền giáo dục Thủ đô, sẽ là những nhân tố tạo ra sự kết nối ấy. Ngoài ra, quy hoạch giáo dục còn tạo ra nguồn lực cho phát triển bởi thực tế các nguồn lực đầu tư cho giáo dục hiện nay luôn thấp hơn nhu cầu thực tế.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương, hiện nay Sở đã triển khai các công việc liên quan đến lập Quy hoạch Thủ đô theo nhiệm vụ được phân công của đơn vị, đồng thời đề xuất những nội dung lớn cần quan tâm, tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô.
Ông Cương cho biết, ngành giáo dục Thủ đô đặt ra nhiều tham vọng, trong đó tham vọng lớn nhất là nâng tầm chất lượng để có thể so sánh với giáo dục các thành phố Thủ đô các nước trong khu vực và quốc tế. Thành phố cũng đặt mục tiêu đào tạo ra thế hệ các công dân toàn cầu có sự am hiểu kiến thức, có trình độ ngoại ngữ và tin học. Xuất phát từ đó, thời gian qua, Sở đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo toàn diện và tập trung xây dựng một số mô hình trường học hội nhập quốc tế.
Hiện có một số khó khăn, hạn chế và áp lực ngành đang gặp phải, đặc biệt là tình trạng thiếu trường, thiếu lớp cục bộ tại một số quận, huyện, thị xã có tốc độ đô thị hóa nhanh hoặc những nơi không còn quỹ đất để mở rộng, đặc biệt tại 4 quận nội đô. Các chỉ tiêu như số lớp, số trường, số học sinh/ lớp ở một số phường, xã, quận nội đô và huyện đang phát triển đều không đảm b ảo tiêu chuẩn theo quy định. Chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, hiện đứng thứ 16/63 tỉnh thành, đứng thứ 9/11 tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng…
Đóng góp ý kiến vào định hướng phát triển giáo dục Thủ đô, các chuyên gia giáo dục, quy hoạch tập trung nêu các giải pháp, kiến nghị để giải quyết những khó khăn, tồn tại nêu trên.
Cũng theo các chuyên gia, quy hoạch giáo dục Hà Nội trong giai đoạn tới cần đặt trong bối cảnh mới của phát triển Thủ đô, đặc biệt sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi hoàn toàn bộ cấu trúc, nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục. GS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, để xây dựng quy hoạch giáo dục Thủ đô Hà Nội cần đánh giá đúng thực trạng hiện nay, nhưng không phải đánh giá thành tích bởi nếu so với nhu cầu phát triển của đất nước thì khoảng cách còn rất xa.
Phát biểu kết luận toạ đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đã nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực giáo dục trong Quy hoạch Thủ đô bởi đây được xác định là quốc sách hàng đầu. Theo ông Hà Minh Hải, trước nhiều tồn tại, hạn chế trong phát triển giáo dục Thủ đô giai đoạn hiện nay và thời gian tới đã hiện hữu rõ nét thì việc đồng thời xây dựng, bổ sung và sửa đổi các quy hoạch lớn và Luật Thủ đô là cơ hội quý giá để chỉnh sửa, làm mới, tạo bước đột phá cho giáo dục Thủ đô phát triển đúng tầm, đúng vị thế trong giai đoạn tới.
Phó Chủ tịch Hà Minh Hải nhấn mạnh, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra nhiệm vụ xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế...
Do đó, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, các đơn vị tư vấn cùng các sở ngành cần bám sát, chắt lọc, tiếp thu các định hướng phát triển về giáo dục đã được nêu cụ thể tại Nghị quyết số 15-NQ/TW cũng như những Nghị quyết khác có liên quan đến Hà Nội làm cơ sở định vị không gian phát triển, đưa ra được tầm nhìn, khát vọng tương lai của ngành.
Để đánh giá đúng thực trạng ngành giáo dục Thủ đô hiện nay, Phó Chủ tịch Hà Minh Hải nêu ra các yêu cầu công tác này phải được thực hiện trung thực, thẳng thắn, khách quan, khoa học và sáng tạo. Toàn bộ số liệu phải được cập nhật đến năm 2022 và có so sánh với Thủ đô một quốc gia có nền giáo dục tương đồng để đặt mục tiêu hướng đến và xây dựng kế hoạch thực hiện, định vị không gian khác triển. Các kịch bản phát triển đưa ra cần đánh giá hiệu quả cụ thể, tránh nêu chung chung, thiếu những phân tích xác đáng, thuyết phục.
Qua khảo sát về thực trạng phát triển của giáo dục Thủ đô, đại diện liên danh tư vấn nêu, quy mô giáo dục Thủ đô ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hà Nội luôn là đơn vị dẫn đầu cả nước về giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển.
Về phương hướng phát triển, điểm nhấn thay đổi là Hà Nội đầu tư xây dựng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, giáo dục đào tạo dẫn đầu Vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Hà Nội ưu tiên miễn tiền học phí cho đối tượng phổ cập giáo dục gồm trẻ em mầm non, học sinh tiểu học và học sinh THCS vào năm 2025. Hà Nội có chính sách hỗ trợ học phí, đặt hàng trường tư thục thực hiện công tác phổ cập giáo dục tại nơi thiếu trường công lập…
Minh Anh