Quy hoạch ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Ngày 3/8, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, sở ngành Thành phố về định hướng quy hoạch ngành để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
,
Tại tọa đàm, đại diện Liên danh tư vấn đã trình bày báo cáo nghiên cứu sơ bộ, trong đó nêu hiện trạng và định hướng, giải pháp phát triển 4 lĩnh vực thuộc Sở LĐTB&XH phụ trách gồm thu hút nguồn nhân lực theo nhu cầu phát triển Thủ đô giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển giáo dục nghề nghiệp Thủ đô; quy hoạch phát triển các lĩnh vực xã hội Thủ đô Hà Nội (an sinh, bảo trợ xã hội); phương án phát triển cơ sở nghĩa trang, nhà tang lễ.
Trong đó, đánh giá hiện trạng về nguồn nhân lực, đại diện Liên danh tư vấn cho biết, quy mô nguồn lao động của Hà Nội khá lớn, đứng thứ 2 cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh) nhưng lực lượng lao động đang già hoá khá nhanh, cảnh báo nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương lai.
Quy mô lực lượng lao động tiếp tục gia tăng chủ yếu là do tăng nguồn lao động nhập cư vào Hà Nội. Hà Nội đang phải chịu sức ép rất lớn của tình trạng gia tăng dân số cơ học do di dân từ các địa phương khác đến, khoảng 1 triệu lao động di cư đang làm việc ở khu vực phi chính thức. Lao động nông thôn vẫn chiếm khoảng hơn một nửa lực lượng lao động ở Hà Nội. Lực lượng lao động đang già hoá…
Về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Hà Nội có số lượng lớn nhất cả nước (tăng từ 267 đơn vị năm 2011 lên 362 đơn vị năm 2020). Về phân bố mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Hà Nội hiện có 62 trường cao đẳng, cao đẳng nghề, chủ yếu tập trung chủ yếu tại một số quận,huyện gần trung tâm Thành phố. Có 80 trường Trung cấp, Trung cấp nghề phân bố không đồng đều tại 27 quận, huyện, thị xã . Có tổng số 75 trung tâm Dạy nghề & giáo dục thường xuyên.
Tuy nhiên, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp lớn nhưng phần đông còn chưa hiện đại, nhất là các điều kiện đảm bảo chất lượng; quy mô giáo dục nghề nghiệp nhỏ, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo còn thiếu, chưa cập nhật với sự thay đổi của công nghệ…
Cũng tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội cùng chuyên gia đã trao đổi, thảo luận, góp ý làm rõ những hạn chế trong việc thực hiện từng lĩnh vực giai đoạn vừa qua. Từ đó đề xuất phương án quy hoạch với các mục tiêu sát thực tế. Trong đó, lãnh đạo Sở LĐTB&XH lưu ý việc cần phải làm rõ các khái niệm mới trong quy hoạch, để khi khi ban hành có thể triển khai được ngay. Về định hướng, mục tiêu quy hoạch cần bám sát định hướng, quy hoạch ngành của Trung ướng, nhưng đồng thời vẫn phải bám sát vào Luật Thủ đô sửa đổi để tạo hành lang, chính sách phù hợp để thực hiện.
Theo Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương, đặc thù của ngành LĐTB&XH có lĩnh vực, đối tượng phụ trách rất rộng. Trước đây, các lĩnh vực của ngành đều có đã có quy hoạch. Tuy nhiên, thực hiện nhiệm vụ xây dựng phương án quy hoạch ngành để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô hiện Sở còn gặp nhiều lúng túng, khó khăn.
Với việc Thành phố đang tiến hành lập Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 theo phương pháp tích hợp là cơ hội rất lớn để từng ngành, lĩnh vực xây dựng lại quy hoạch ngành mình đảm bảo phù hợp với tình hình mới, xu hướng phát triển bền vững.
Sở LĐTB&XH sẽ đáp ứng tất cả các yêu cầu và sẵn sàng phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Liên danh tư vấn để xây dựng phương án quy hoạch sát thực, hiệu quả.
Sau Tọa đàm, Sở LĐTB&XH Hà Nội sẽ cập nhật những định hướng quy hoạch ngành quốc gia để phối hợp với đơn vị lập Quy hoạch Thủ đô, Liên danh tư vấn để hoàn thành phương án quy hoạch ngành tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô.
Minh Anh