Hà Nội cần tiếp tục thúc đẩy các loại hình thương mại hiện đại
(Chinhphu.vn) - Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội cần tiếp tục tham mưu, tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại hiện đại, đáp ứng văn minh thương mại (outlet, chợ đầu mối nông sản)…
Chiều 9/1, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2025.
Theo Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, năm 2024, với những nỗ lực, chủ động, sáng tạo trong quá trình triển khai nhiệm vụ của ngành đã thúc đẩy sự phục hồi tích cực của sản xuất công nghiệp, thương mại nội địa, xuất nhập khẩu, qua đó đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng kinh tế Thành phố.
Cụ thể, hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2024 có xu hướng phục hồi tích cực quý sau cao hơn quý trước, 4/4 ngành công nghiệp cấp 1 tăng so với năm trước, nhiều đơn hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tăng khá. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 ước tăng 6,2%, đóng góp 0,82 điểm % vào mức tăng 6,52% của GRDP (chiếm 12,6%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2024 ước đạt 853,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2023. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,2% tổng mức và tăng 11%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của TP. Hà Nội cả năm đạt 60,1 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2023, vượt kế hoạch đề ra…
Để đạt được kết quả đáng khích lệ trên, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Nguyễn Kiều Oanh cho biết, Sở đã thực hiện tốt công tác tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, điện; hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của trung ương và thành phố trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, xúc tiến xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bảo đảm được cân đối cung-cầu hàng hóa; triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu nội địa, liên kết vùng…Hạ tầng công nghiệp, thương mại được quan tâm phát triển, nhất là việc tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ khởi công, đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.
Tập trung phát triển công nghiệp ưu tiên, công nghiệp chủ lực
Đánh giá cao đóng góp lớn của ngành Công Thương vào sự phát triển chung của Thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, hoàn toàn nhất trí với 13 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm của năm 2025 của Sở Công Thương, trong đó có 7 nhóm nhiệm vụ khó để tập trung chỉ đạo, thực hiện, xử lý có hiệu quả.
Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, Sở Công Thương, các đơn vị trong ngành phải cụ thể hóa, bám sát và tiếp tục thực hiện có hiệu quả năm chủ đề năm "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển" của Thành phố gắn với chức năng nhiệm vụ của Sở, các chương trình công tác trọng tâm của Thành phố giao, 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy và các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của Thành phố giao cho Sở và các nhiệm vụ của Sở theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Phối hợp chặt chẽ với các Cục, vụ, viện của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành Trung ương trong quá trình triển khai hiện Luật Thủ đô (sửa đổi); Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Sở cần có giải pháp hết sức cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp: Phát triển công nghiệp ưu tiên, công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư để có những dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất. Tập trung thu hút đầu tư vào 7 cụm công nghiệp đã hoàn thành công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật; tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật 27 cụm công nghiệp đã động thổ, khởi công và khởi công nốt 9 cụm công nghiệp đã được thành lập giai đoạn 2018-2020.
Tiếp tục kiểm tra, phối hợp với các huyện có cụm công nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động của 70 cụm công nghiệp đang hoạt động. Tham mưu UBND Thành phố thành lập mới các cụm công nghiệp theo Quy hoạch và quy định Nghị định số 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài lĩnh vực công nghiệp, Sở Công Thương cần tiếp tục tham mưu, tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại hiện đại, đáp ứng văn minh thương mại (Outlet, Chợ đầu mối nông sản…); tập trung phát triển và quản lý loại hình thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế.
Trong lĩnh vực thương mại, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu tập trung đẩy mạnh công tác hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; đề xuất các giải pháp để tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng hóa vào kênh phân phối nước ngoài; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động " Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường…
Tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe nhân dân, bảo đảm kiềm chế được lạm phát, trong đó trước mắt tập trung phục vụ tốt nhân dân trong dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Về năng lương, cần bảo đảm đủ nguồn điện và nguồn điện phải sạch, đạt tiêu chuẩn; cần có các dự án cung cấp điện năng cho sản xuất và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân...
Trong khuôn khổ Hội nghị, ông Phạm Anh Minh, Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội đã phát động phong trào thi đua năm 2025.
Thùy Linh